UBND tỉnh đang điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, được áp dụng đến hết năm 2025. Trong các nội dung điều chỉnh có bảng giá đất của hơn 100 khu tái định cư (TĐC) tại các huyện, thành phố.
Khu tái định cư phục vụ Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại xã Long Đức, huyện Long Thành. Ảnh:H.Lộc |
Việc điều chỉnh này nhằm phù hợp với Luật Đất đai năm 2024, tạo điều kiện để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính và sớm ổn định cuộc sống.
Bằng và thấp hơn giá cũ
Sở Tài nguyên và môi trường vừa có Báo cáo điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, áp dụng đến hết năm 2025 của tỉnh. Trong các nội dung điều chỉnh có bảng giá đất của hơn 100 khu TĐC toàn tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường) Lê Văn Tân cho biết, trung tâm là đơn vị tư vấn nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất. Bảng giá đơn vị đề xuất lần này đã lấy ý kiến và tiếp thu, chỉnh sửa theo góp ý của các địa phương, Hội đồng Thẩm định bảng giá đất tỉnh. So với bảng giá đất hiện hành, bảng giá đất đề xuất có nhiều thay đổi.
Tỉnh sẽ bổ sung giá đất đối với các tuyến đường mới mở và điều chỉnh bảng giá đất một số vị trí thuộc các địa phương mới sáp nhập đơn vị hành chính. Đối với đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất công nghiệp, đất thương mại dịch vụ, điều chỉnh tăng phù hợp để hài hòa lợi ích các bên.
Riêng với 108 khu TĐC, bảng giá đất ở được quy định đến từng tuyến đường. Trong đó, các khu TĐC tiếp giáp với đường có tên trong bảng giá đất hoặc có tuyến đường đã được quy định trong bảng giá thì giá đất tại vị trí 1 của tuyến đường này được giữ nguyên theo giá hiện hành để không ảnh hưởng đến giá đất của các đoạn đường, tuyến đường khác trong khu vực. Vị trí còn lại thuộc các tuyến đường trong khu TĐC nếu có sự phân cấp về độ rộng sẽ tiếp tục phân chia thành nhóm tuyến đường để quy định mức giá khác nhau theo nguyên tắc: vị trí thuộc nhóm các đường có độ rộng lớn (nhóm 1) được đề xuất mức giá bằng 70% vị trí 1, vị trí thuộc nhóm các đường có độ rộng nhỏ hơn (nhóm 2) được đề xuất mức giá bằng 49% vị trí 1.
Các loại đất khác đất ở trong khu TĐC cũng được điều chỉnh giá. Cụ thể, đất thương mại, dịch vụ áp dụng bằng 70% giá đất ở cùng vị trí. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp áp dụng bằng 60% giá đất ở cùng vị trí. Đất phi nông nghiệp còn lại thì căn cứ quy định của pháp luật để xác định giá.
“Bảng giá đất sẽ tác động nhiều đến đời sống kinh tế - xã hội và sự phát triển của tỉnh. Việc điều chỉnh phải đảm bảo cân bằng các mục đích và phù hợp với Luật Đất đai năm 2024” - ông Tân cho biết.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Ngọc Thường cho biết, quan trọng nhất đối với các khu TĐC là giá đất ở. Bảng giá đất ở tại các khu TĐC phần lớn được giữ nguyên, các tuyến đường bổ sung thì bằng khoảng 49-70% so với vị trí 1 ở tuyến đường đã có giá đất. Mức chênh lệch giá giữa các nhóm tuyến đường trong khu TĐC không quá 30%, phù hợp với tình hình thực tế.
Tạo điều kiện cho người sử dụng đất
Bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành là căn cứ để tính tiền sử dụng đất của người được bồi thường về đất ở, được giao đất TĐC. Đồng thời, bảng giá đất cũng là cơ sở tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tính lệ phí trong quản lý và sử dụng đất…
Thực tế thời gian qua, tại Đồng Nai cũng như nhiều địa phương, không ít trường hợp nhận tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất xong chỉ đủ đóng tiền hạ tầng tại khu TĐC, không còn tiền để xây nhà. Nguyên nhân vì đất ở bị thu hồi có mức giá thấp, trong khi các khu TĐC thường bố trí khu vực thuận lợi về giao thông, có đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên giá đất cao hơn.
Theo bảng giá đất đề xuất điều chỉnh mới nhất (tháng 11-2024), nơi có bảng giá đất TĐC cao nhất phường Thống Nhất và phường Tân Mai (thành phố Biên Hòa), vị trí cao nhất 35 triệu đồng/m2, các vị trí còn lại 24,5 triệu đồng/m2. Một số khu TĐC tại các phường của thành phố Biên Hòa như: Hiệp Hòa, Bửu Long, Quang Vinh cũng có vị trí có giá hơn 20 triệu đồng/m2.
Thời gian qua, Đồng Nai cũng như các địa phương lân cận đã nhiều lần điều chỉnh bảng giá đất nhưng giá đất ở đa phần ổn định. Điều này có lợi cho người sử dụng đất lâu dài và người phải đóng tiền hạ tầng khi vào các khu TĐC, nhưng mặt khác cũng bất lợi cho người bị thu hồi đất ở, cho địa phương trong thu ngân sách.
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Trần Văn Thân cho rằng, bảng giá đất các khu TĐC hiện tại được người dân đồng tình, có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất ở vẫn thấp. Nhiều trường hợp so sánh giá đền bù của tỉnh thấp hơn các tỉnh lân cận như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương dẫn đến khó khăn trong vận động người dân bàn giao mặt bằng. Ông Thân kiến nghị điều chỉnh tăng bồi thường, hỗ trợ và giữ nguyên giá đất các khu TĐC.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên nhằm đảm bảo giá đất sát với thực tế. Đợt điều chỉnh lần này là cơ sở để năm 2025 tỉnh hoàn thiện bảng giá đất hàng năm áp dụng từ ngày 1-1-2026, thay vì bảng giá đất 5 năm như hiện nay. Do đó, đơn vị tư vấn cùng Sở Tài nguyên và môi trường rà soát, đánh giá các yếu tố tác động, điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, áp dụng đến hết năm 2025 cho phù hợp. Tỉnh thống nhất chủ trương ổn định giá đất các khu TĐC và bổ sung bảng giá đất đối với các tuyến đường, vị trí trong khu TĐC.
Hoàng Lộc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin