Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp trong khi nhu cầu về nguồn cung thực phẩm ngày càng lớn dần, việc triển khai các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp xanh (NNX) là vô cùng cấp bách.
Nông dân huyện Cẩm Mỹ sử dụng men vi sinh tự làm phân hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp vừa tiết kiệm chi phí, vừa sản xuất an toàn với môi trường. Ảnh: B.Nguyên |
Để phát triển NNX, nông nghiệp sinh thái, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung là hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng hiệu quả và bền vững.
Cân bằng giữa sản xuất và môi trường
NNX là phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người. Điểm then chốt của giải pháp này là cân bằng giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Mục tiêu của nền nông nghiệp này là tạo năng suất cao và bền vững, đồng thời giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân.
NNX không chỉ là xu hướng mới trong lĩnh vực nông nghiệp, mà còn là nhu cầu thiết yếu để ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thúc đẩy NNX, cần gắn canh tác theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Mô hình này còn khuyến khích các hoạt động tái chế, chế biến và gia công nông sản để tạo ra giá trị gia tăng. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, mà còn tạo ra việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế và giảm nghèo. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp phải gắn với tái sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hoặc nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, phát triển nông thôn; nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tái chế, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp.
Để NNX trở thành xu hướng mới bứt phá cho ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Doanh nghiệp là đầu tàu phát triển
Để hình thành NNX, vai trò của doanh nghiệp (DN) phải là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho các nhà máy sản xuất nguyên liệu tái chế, nhưng động lực chính để thay đổi phải là từ DN, người dân. Chính sách để người làm tốt hơn được hỗ trợ, người làm sai có chế tài quản lý. Việt Nam có nhiều DN làm những mô hình NNX rất tốt như: Công ty TNHH Bayer Việt Nam (thành phố Biên Hòa) với mô hình ForwardFarming - canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai; Công ty TNHH De Heus (Thành phố Hồ Chí Minh) với mô hình Xây dựng các trang trại, nhà máy thân thiện với môi trường, hướng đến tương lai bền vững… Ngoài ra, nhiều câu chuyện tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm nông nghiệp tuần hoàn đã được triển khai. Ví dụ Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đây là mô hình mới, chi phí sản xuất giảm từ 20-30%, năng suất tăng 10%, giảm phát thải. Lợi nhuận nông dân thu được 120 triệu đồng/hécta lúa. Việt Nam mời gọi nhiều DN tham gia làm nông nghiệp tuần hoàn.
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH San Hà (Thành phố Hồ Chí Minh) Ryan Nguyễn cho biết, DN đã có 35 năm hoạt động trong ngành kinh doanh gia cầm. San Hà là DN tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm tại Việt Nam tích cực thúc đẩy áp dụng mô hình Nông nghiệp tuần hoàn.
Theo ông Ryan Nguyễn, chuyển đổi xanh không quá tốn chi phí. DN chuyển từ bị động thành chủ động, DN tái sử dụng lại nguồn nước trong quy trình sản xuất, chế biến giúp giảm lượng nước, giảm chi phí. DN không khuyến khích sử dụng bao ny-lông cho khách hàng bằng cách làm bao bì rất xấu để khách hàng không hỏi đến túi nhựa, không sử dụng túi nhựa. Người tiêu dùng đến cửa hàng và thường để ý đến giá bán. Nhưng với sản phẩm xanh, giá cả tốt thì không có lý do gì họ không chọn sản phẩm đó. Người tiêu dùng có thói quen đến chợ truyền thống để chọn mua thịt vì quan điểm thịt vừa giết mổ mới tươi. DN phải tuyên truyền để thay đổi nhận thức này, song song đó là sản phẩm phải có giá cạnh tranh.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin