Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP

Bình Nguyên
08:33, 25/09/2024

Đến nay, Đồng Nai có 232 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên. Hiện các địa phương chú trọng nâng hạng, nâng sao cho các sản phẩm OCOP. Trong đó, từ tỉnh đến các địa phương luôn quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP bằng uy tín chất lượng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Sản phẩm OCOP tham gia chương trình quảng bá tại thành phố Biên Hòa năm 2024. Ảnh: B.NGUYÊN
Sản phẩm OCOP tham gia chương trình quảng bá tại thành phố Biên Hòa năm 2024. Ảnh: B.NGUYÊN

Sản phẩm OCOP của Đồng Nai không chỉ là đặc sản quê phục vụ người tiêu dùng trong tỉnh, mà nhiều sản phẩm đã vào các kênh phân phối hiện đại, tham gia sàn thương mại điện tử, được tiêu thụ rộng khắp cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước.

Không ngừng nâng chất và lượng

Năm 2019, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Chương trình OCOP với mục tiêu giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh xây dựng được hơn 10 sản phẩm OCOP. Kết quả, đến năm 2020, toàn tỉnh đã có hàng chục sản phẩm OCOP được công nhận và từ đó đến nay, số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh theo từng năm.

Hiện toàn tỉnh có 232 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 186 sản phẩm đạt 3 sao, 46 sản phẩm đạt 4 sao của 127 chủ thể. Điều ấn tượng là các chủ thể đầu tư làm sản phẩm OCOP ngoài 40 chủ thể là doanh nghiệp (DN), chủ yếu còn lại là các cơ sở, hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác.

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2025 phấn đấu đạt thêm 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao và nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Tỉnh đề ra nhóm giải pháp sẽ thực hiện là tập trung tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về Chương trình OCOP. Đặc biệt, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu của thị trường.

Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết, đến nay, huyện đã phát triển được 36 sản phẩm OCOP. Đây đều là các nông sản chủ lực, sản phẩm đặc thù của địa phương, nổi bật nhất là nhóm sản phẩm trái cây tươi có lợi thế xuất khẩu. Gắn với mục tiêu phấn đấu về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, thời gian tới, huyện tập trung nâng sao cho các sản phẩm OCOP. Mục tiêu để xây dựng được những sản phẩm có thương hiệu, không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa, mà còn đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất Nguyễn Thế Vinh cho hay, địa phương có những nông sản tươi, nông sản chế biến có lợi thế xuất khẩu như: tổ yến, mật ong, các nông sản chế biến... Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ đồng hành cùng nông dân, HTX nâng chất cho các sản phẩm OCOP thế mạnh, đặc thù của địa phương. Mục tiêu đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường quốc tế.  

Thời gian qua, các điểm giới thiệu trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp không ngừng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh hình thành 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa.

Sản phẩm tốt cần được quảng bá

Theo các DN hoạt động lâu năm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, bán sản phẩm là bán câu chuyện. Một sản phẩm hàng hóa thông thường sẽ được nhân giá trị lên gấp nhiều lần nếu biết đưa những câu chuyện gắn liền với quá trình sản xuất. Đó có thể là những câu chuyện về các giá trị văn hóa đặc trưng hay nét độc đáo riêng về nguồn gốc hình thành, công dụng đặc biệt của sản phẩm, quá trình hình thành và phương châm hoạt động của DN. Đây còn là niềm tự hào về giá trị tài nguyên bản địa, nét văn hóa, sự tâm huyết, kỳ vọng của người tạo ra sản phẩm.

Chỉ ra điểm yếu của nông sản Việt, Phó chủ tịch phụ trách xúc tiến thương mại Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (chủ đầu tư của hệ thống siêu thị GO - Big C) Paul Le từng chia sẻ, thế mạnh của nông dân Việt Nam là biết trồng ra sản phẩm ngon, an toàn. Điều rất cần hiện nay là họ phải xây dựng câu chuyện cho sản phẩm từ vùng đất, cách làm đến tình yêu sản phẩm thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ tin tưởng.

Ông Paul Le cho biết: “Tôi luôn nhấn mạnh phải làm bao bì, đặt tên cho sản phẩm. Vì thực tế, người nông dân chưa quan tâm làm nhãn hiệu, thương hiệu, mà đầu tư cho bao bì rất sơ sài. Điều này không chỉ làm giảm giá trị sản phẩm, mà còn là nguyên nhân khiến nhiều loại nông sản, nhất là trái cây tươi, mất độ tươi ngon, tỷ lệ hư hao cao”.

Tham gia Chương trình OCOP, nông dân, tổ hợp tác, các HTX dần thay đổi nhận thức về xây dựng câu chuyện sản phẩm. Họ không chỉ chăm chút ở khâu sản xuất, nhiều chủ thể OCOP ngày càng quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã, nhãn hàng, thương hiệu gắn với đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng đánh giá, danh mục các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Không chỉ DN mà nhiều chủ thể sản xuất OCOP là HTX, hộ sản xuất đã chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ đầu tư để có mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP đã tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu, được người tiêu dùng ở những thị trường có tiêu chuẩn cao như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản chấp nhận. Điều này khẳng định sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, nâng cấp.     

Bình Nguyên

Tin xem nhiều