Hết tháng 1-2024 mới hết năm ngân sách, do đó, tháng 1 này là tháng cao điểm của Đồng Nai trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Thi công xây dựng các hạng mục dự án Thành phần 1, dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: P.Tùng |
Đồng thời, đây cũng là thời điểm tiền đề để các đơn vị chuẩn bị các điều kiện, quyết tâm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.
“Chạy đua” giải ngân vốn năm 2023
Năm 2023, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn Đồng Nai là hơn 14,7 ngàn tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31-12-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 73% kế hoạch. Tính theo chỉ tiêu kế hoạch vốn của Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt hơn 90%, nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước.
Mục tiêu được tỉnh đưa ra đối với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là phải giải ngân đạt từ 80-95% tổng nguồn vốn đầu tư công. Chính vì vậy, trong hơn 20 ngày còn lại của tháng 1-2024, các đơn vị chủ đầu tư, các địa phương trên địa bàn tỉnh phải tăng tốc thực hiện để có thể đạt tỷ lệ giải ngân nguồn vốn cao nhất.
Hiện nay, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm qua địa bàn tỉnh đang là nguồn vốn “tồn dư” chưa được giải ngân lớn. Riêng đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng đối với 2 dự án thành phần qua địa bàn tỉnh là hơn 1,2 ngàn tỷ đồng.
Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN, các đơn vị phải thực hiện nghiêm quy định về nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn, tăng cường quản lý, giám sát nâng cao hiệu quả đầu tư, kiên quyết điều chỉnh vốn các dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, nếu giải ngân được nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh sẽ tăng lên rất nhiều.
Theo Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường với số tiền hơn 270 tỷ đồng cho hơn 110 trường hợp thuộc dự án. “Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh cũng tiếp tục lập phương án bồi thường, dự kiến trong tháng 1 này sẽ chi tổng cộng khoảng 430 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ tại dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1” - ông Nguyễn Hồng Quế, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh cho biết.
Tại dự án Thành phần 4 (giải phóng mặt bằng), dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM, H.Nhơn Trạch cũng đã hoàn thành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Dự kiến, trong tháng 1-2024, các cơ quan chức năng của H.Nhơn Trạch cũng sẽ thực hiện chi trả tiền cho người dân có đất bị thu hồi thuộc dự án. Đồng thời, tiếp tục phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ dân còn lại để tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn.
Tạo “bứt phá” ngay từ đầu năm
Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là hơn 15 ngàn tỷ đồng. Đồng Nai tiếp tục đặt mục tiêu sẽ giải ngân trên 95% tổng nguồn vốn đầu tư công trong năm.
Thi công xây dựng các hạng mục dự án Thành phần 1, dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đoạn qua địa bàn tỉnh. Ảnh: P.Tùng |
Đây là mục tiêu được tỉnh đặt ra trong nhiều năm qua nhưng chưa có năm nào có thể hoàn thành. Do đó, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan.
Đánh giá về nguyên nhân khiến việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công hàng năm khó hoàn thành theo mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ rõ, bên cạnh các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ lập thủ tục đầu tư các dự án, năng lực thi công của các nhà thầu thì còn có nguyên nhân chủ quan đến từ sự thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là thời điểm đầu năm.
Lấy ví dụ cho điều này, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, đến cuối tháng 11-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt khoảng 38% kế hoạch. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, thời điểm cuối tháng 12-2023, tỷ lệ giải ngân vốn đã đạt hơn 73% kế hoạch. “Chỉ trong tháng
12-2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đã đạt tương đương 11 tháng trước đó” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chỉ rõ.
Để khắc phục tình trạng này, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trọng tâm và đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh tổ chức trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2024, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã yêu cầu các chủ đầu tư, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xác định triển khai thực hiện các dự án trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chủ động xây dựng kế hoạch, xác định tiến độ, lộ trình giải ngân từng dự án theo tuần, tháng, quý, năm để kịp thời theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ theo mục tiêu được đề ra. “Nỗ lực cao nhất đẩy nhanh tiến độ, tăng tốc giải ngân đối với các dự án, công trình ngay từ những ngày đầu năm để đạt tỷ lệ giải ngân ở mức cao nhất như đã cam kết” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị này, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ngay từ đầu năm.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin