Điện khí, điện gió, điện rác, điện mặt trời đều là điện sạch, được khuyến khích phát triển. Tuy nhiên, 3 năm qua, rất ít dự án triển khai, hoàn thành vì kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành, chính sách tài chính và cơ chế giá mua bán điện chưa có.
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 đang hoàn thành. Đây là dự án điện sạch quy mô lớn nhất tỉnh trong giai đoạn đến năm 2030. Ảnh: B.MAI |
Tiếp tục chậm trễ sẽ làm mất cơ hội của nhà đầu tư, khiến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và trung hòa carbon càng khó đạt.
* Nhiều dự án đợi kế hoạch, chờ cơ chế
Đồng Nai có lợi thế phát triển các loại hình điện sạch là: khí, rác, mặt trời. Trên thực tế, nhiều dự án đã triển khai, hoàn thành góp phần bổ sung nguồn năng lượng cho tỉnh và khu vực.
Về điện khí, có 2 dự án đã hoạt động là Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2, 2 dự án sắp hoàn thành là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4. Về năng lượng mặt trời, có hơn 5,9 ngàn hệ thống được ký hợp đồng và nhiều hệ thống chưa hoặc không ký hợp đồng mua bán điện. Về thủy điện, tỉnh có Nhà máy Thủy điện Trị An đang hoạt động, dự án Thủy điện Phú Tân 2 mới hoàn thành và 1 dự án chưa triển khai. Đối với điện rác, tỉnh đang xúc tiến 1 dự án, đồng thời định hướng chuyển đổi sang công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng tại 4 khu xử lý đang hoạt động là: Túc Trưng, Vĩnh Tân, Quang Trung và Bàu Cạn.
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, Đồng Nai đã phát triển được nhiều dự án điện sạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho tỉnh, khu vực. Trong dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII do Bộ Công thương chủ trì, tỉnh được phân bổ thêm 229MW điện mặt trời, 66 MW điện rác. Tuy nhiên, vì kế hoạch này chưa được ban hành nên chưa có cơ sở triển khai các dự án và nguồn điện sạch phân bổ cho tỉnh vẫn ở dạng dự thảo.
Ông Willy Andreas Kirsch, đại diện pháp lý, Chủ tịch Công ty Asia New Generation (Cộng hòa liên bang Đức) chia sẻ, Đồng Nai là tỉnh năng động trong thu hút đầu tư công nghiệp. Mặt trái hoạt động này là lượng rác thải nhiều, gây áp lực cho môi trường. Qua tìm hiểu, công ty biết và mong muốn đầu tư dự án đốt rác sinh hoạt phát điện tại tỉnh. Ưu điểm dự án công ty giới thiệu là rác thải không cần phân loại, rác không đốt trực tiếp mà xử lý bằng phương pháp khí hóa nên hạn chế phát sinh khí thải, sản xuất ra nhiều năng lượng (1 tấn rác tạo ra khoảng 1,2 - 1,8MWh).
“Với công nghệ INTEC-TCP (Thermolytic Cracking Process) tiên tiến của Đức, chúng tôi tự tin có giải pháp giúp tỉnh đạt được cả 2 mục tiêu là xử lý rác thải và sản xuất điện sạch” - ông Willy Andreas Kirsch nói.
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sẵn sàng hợp tác, đầu tư điện mặt trời trên mái nhà dân, trụ sở cơ quan công sở nếu tỉnh có quy định cụ thể về chương trình phát triển năng lượng sạch, có đề xuất với Bộ Công thương chủ trương cho đấu nối các dự án điện mặt trời vào lưới điện quốc gia nhưng không bán điện. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp cũng kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để tự sản xuất điện và sử dụng.
* Cần chính sách ổn định và tin cậy
Từ cuối năm 2020 đến nay, chính sách giá mua bán điện mặt trời “trống” khiến không ít nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong phát triển điện sạch. Tháng 5-2023 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quy hoạch điện VIII đồng thời giao Bộ Công thương trong tháng 7-2023 hoàn thiện và trình kế hoạch thực hiện quy hoạch, tuy nhiên qua nhiều mốc thời gian kế hoạch này vẫn chưa được ban hành.
Dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đến năm 2030 tỉnh có các nguồn điện: 2 dự án điện khí là Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tổng công suất 1.624MW. Có 3 dự án thủy điện vừa và lớn: Trị An mở rộng công suất 200MW, Phú Tân 2 công suất 93MW và Thanh Sơn công suất 40MW. |
Do kế hoạch chưa được ban hành, các tồn tại liên quan đến chính sách tài chính, cơ chế giá chưa được tháo gỡ nên phát triển điện sạch vẫn là rủi ro lớn với nhà đầu tư, khó khăn cho địa phương.
Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ về kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII diễn ra ngày 15-12-2023, tỉnh đã kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến phát triển điện sạch. Cụ thể, về điện mặt trời mái nhà, theo tỉnh đến năm 2030, tổng công suất điện mặt trời mái nhà tỉnh có khả năng phát triển thêm khoảng 3,5 ngàn MW, tuy nhiên dự thảo chỉ phân bổ cho tỉnh 229MW, rất ít so với tiềm năng và lợi thế.
Tương tự với điện rác, tỉnh dự kiến có 5 dự án, vị trí tương đối thuận lợi trong kết nối giao thông, đấu nối vào lưới điện quốc gia và đấu nối vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác. Tổng công suất xử lý đốt rác phát điện đến năm 2030 là hơn 3 ngàn tấn/ngày, công suất phát điện có thể đạt 102,5-108,5MW nhưng dự thảo chỉ phân bổ cho tỉnh là 66 MW điện rác, rất thấp.
Do đó, tỉnh kiến nghị tăng chỉ tiêu phát triển điện rác, mặt trời đồng thời Chính phủ, Bộ Công thương xem xét tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 để dự án điện khí đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng nhập khẩu tại Việt Nam vận hành đúng kế hoạch. Có cơ chế cho phép ngành điện triển khai công tác thỏa thuận vị trí trạm biến áp và hướng tuyến các công trình điện trước để cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng của địa phương và xem xét bổ sung nội dung này vào dự thảo kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII làm cơ sở triển khai dự án.
Có thể thấy, việc chậm ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; thiếu chính sách, cơ chế ổn định và khả thi về tài chính, giá cho các loại hình điện sạch là nguyên nhân làm trì hoãn triển khai các dự án. Và một khi dự án càng chậm thì khả năng thực hiện mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và mục tiêu trung hòa carbon năm 2050 càng khó hơn.
Ban Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin