Những năm qua, H.Định Quán đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trong đó có mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO), biến rác thải hữu cơ thành phân bón vừa giảm chi phí sản xuất, vừa nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường đang được nhân rộng.
Ứng dụng mô hình công nghệ sinh học IMO vào sản xuất nông nghiệp ở xã Gia Canh (H.Định Quán). Ảnh: Đ.Nhi |
Ngành Nông nghiệp của huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn nông dân thực hiện việc nhân nuôi IMO. Đồng thời, xây dựng các mô hình điểm trên các loại cây trồng. Sau đó, tổ chức hội thảo giới thiệu rộng rãi để bà con nông dân trực tiếp tham quan, trải nghiệm thực tế, đánh giá hiệu quả của mô hình.
* Nhiều hiệu quả từ ứng dụng IMO
Năm 2022, vườn ca cao với diện tích trên 1ha của gia đình chị Đỗ Thị Thanh Thảo (ở ấp 9, xã Gia Canh) được chọn làm điểm thực hiện mô hình nhân nuôi vi sinh vật bản địa IMO, phục vụ sản xuất nông nghiệp trên cây ca cao. Ban đầu, chị Thảo không thực sự tin tưởng vào hiệu quả mang lại của mô hình, nhưng khi áp dụng vào thực tế, giải pháp IMO đã giúp tăng năng suất cây ca cao, giảm chi phí sản xuất.
Chị Thảo cho biết, mô hình này còn giúp gia đình chị giải quyết nhiều khó khăn trong quá trình canh tác cây ca cao. Ví dụ, trước kia gia đình chị phải gom, đốt lá ca cao, tốn nhiều công sức, gây sốc nhiệt cho đất, nguy cơ cháy lan cao, môi trường bị ảnh hưởng khói, bụi...; nay sử dụng giải pháp IMO, lá cây được phân hủy nhanh, giúp vườn cây giữ được độ ẩm, đất được trả lại chất dinh dưỡng, tạo thêm độ phì nhiêu.
Thấy được hiệu quả mang lại của mô hình, chị Thảo không chỉ áp dụng vào sản xuất trên vườn ca cao nhà mình, mà còn chia sẻ, hướng dẫn cách làm cho nhiều hộ nông dân khác cùng thực hiện, trong đó có hộ chị Lê Thị Trinh ở cùng địa phương.
Chị Lê Thị Trinh cho hay: “Qua việc thí điểm ứng dụng này trên mô hình trồng dưa leo của gia đình thấy rất hiệu quả. Do đó, tôi mong muốn nhân rộng thêm ứng dụng để sử dụng trên cây lâu năm như: sầu riêng, mít và chôm chôm…”.
Quy trình nhân nuôi IMO rất đơn giản, nguyên liệu đầu vào dễ tìm, có thể dùng như: bí, khoai lang, đủ đủ, chuối, mật rỉ, men tiêu hóa, men rượu, sữa chua... Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng nhựa có nắp đậy, mỗi ngày mở nắp khuấy 1 lần, sau 7 ngày có thể sử dụng. Tùy theo mục đích của người dùng, từ men này pha loãng với nước có thể dùng ủ phân bón vi sinh, xử lý mùi hôi của rác sinh hoạt và chất thải chăn nuôi hoặc chế tạo thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Do tự sản xuất nên chi phí đầu tư cho sản xuất thấp hơn nhiều so với sử dụng các loại phân bón khác.
Theo Phòng NN-PTNT H.Định Quán, huyện đã triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: mô hình trồng lúa chất lượng cao tại cánh đồng Bàu Kiên (xã Thanh Sơn) và cánh đồng Cao Cang (xã Phú Hòa); các mô hình chứng nhận VietGAP hoặc tương đương như: duy trì 3 mô hình được chứng nhận VietGAP trên cây ăn quả với diện tích 51,9ha tại các xã: La Ngà, Thanh Sơn, Phú Cường, Phú Túc và 1 mô hình cây ca cao được chứng nhận UTZ với diện tích hơn 130ha.
* Nâng tầm giá trị nông sản
Xác định phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những nhiệm vụ đột phá để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới sản phẩm sạch, an toàn và đạo đức là một trong những ưu tiên hàng đầu. Các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, nuôi trồng đang được H.Định Quán tích cực tuyên truyền để mô hình này ngày càng được triển khai nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp và trong đời sống hàng ngày. Bởi thực tế cho thấy, việc ứng dụng mô hình này không chỉ giảm chi phí sản xuất, giải pháp này hoàn toàn an toàn cho sức khỏe con người và môi trường sống xung quanh, bảo vệ nguồn đất, nước, không khí. Đây là phương thức sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, đáp ứng xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại và xu hướng của thời đại.
Gia đình anh Nguyễn Long Phú (ngụ ấp 4, xã Phú Hòa) là một trong những hộ đã áp dụng thành công giải pháp IMO nhiều năm nay. Theo anh Phú, gia đình có gần 1 ha đất, anh kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Cùng với đó, anh sử dụng chế phẩm IMO vào sản xuất. Việc ứng dụng này mang lại nhiều hiệu quả, nâng cao chất lượng cây trồng, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho sản xuất so với khi sử dụng 100% phân hóa học.
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Định Quán Trần Trọng Long cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã triển khai và nhân rộng mô hình IMO này trên những loại cây trồng như cây rau an toàn ở khu vực Suối Nho, cây công nghiệp, cây ăn quả... Kết quả thực hiện mô hình này được nhiều bà con nông dân đánh giá cao. Bởi việc nhân nuôi IMO này dễ làm, nguyên liệu đầu vào cũng dễ tìm như: bí, chuối, mật rỉ, men tiêu hóa… đều có thể mua ở thị trường. Ngoài ra, khi áp dụng ứng dụng này còn giảm được chi phí về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nhân nuôi IMO trong nông nghiệp trên toàn huyện để giúp bà con nông dân giảm chi phí sản xuất và giảm tiếp cận với phân bón vô cơ và thuốc hóa học, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường”.
Hải Quân - Lê Điểm - Đan Nhi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin