Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trên cả nước vẫn trầm lắng, người bán nhiều hơn người mua. Do đó, trong 10 tháng của năm 2023, đã có hơn 1 ngàn doanh nghiệp BĐS ở Việt Nam phá sản hoặc rút lui khỏi thị trường. Những doanh nghiệp BĐS còn lại cũng phải tiến hành tái cơ cấu, cắt giảm hàng ngàn lao động để tiết kiệm chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động. Một số “ông lớn” trong ngành BĐS cũng phải mạnh tay cắt giảm lao động như: Đất Xanh giảm hơn 4 ngàn lao động so với cùng kỳ năm trước; Vinhomes trong dịp đầu năm nay đã giảm hơn 1,5 ngàn lao động; Novaland giảm gần 1 ngàn lao động trong hơn 3 năm qua…
Tính đến đầu tháng 11-2023, số tiền đang nằm trong các dự án BĐS là trên 295 ngàn tỷ đồng và hầu hết các doanh nghiệp trên lĩnh vực này, từ nhỏ đến lớn đều gặp khó khăn. Trong đó, có 3 khó khăn lớn nhất là vướng về thủ tục pháp lý, vốn để đầu tư tiếp dự án, sản phẩm ít người mua.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, không riêng lĩnh vực BĐS mà các lĩnh vực khác sẽ phục hồi chậm hơn so với kịch bản đầu năm 2023. Nhiều khả năng đến giữa, cuối năm 2024, thị trường BĐS mới ấm dần lên khi mọi vướng mắc được từng bước tháo gỡ.
Tại Đồng Nai, hiện có gần 300 dự án BĐS của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài, tập trung ở các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa... Thực tế, có những dự án BĐS đã quy hoạch 10-15 năm chưa hoàn thành và đã chuyển nhượng qua tay nhiều doanh nghiệp theo hình thức bán cổ phần doanh nghiệp làm chủ dự án hoặc chuyển nhượng dự án. Vì thế, người dân trong vùng quy hoạch dự án mong muốn tỉnh rà soát lại từng dự án BĐS, năng lực của chủ đầu tư; nếu thấy dự án không còn phù hợp hoặc chủ đầu tư không đủ khả năng triển khai thì thu hồi dự án, tránh để quy hoạch “treo”. Quá trình rà soát năng lực chủ đầu tư trên phạm vi rộng cả nước, tránh có doanh nghiệp đang làm chủ 30-50 dự án BĐS và mỗi dự án đều có vốn đầu tư vài ngàn tỷ đồng đến vài chục ngàn tỷ đồng, vượt xa số vốn, năng lực của doanh nghiệp.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin