Báo Đồng Nai điện tử
En

Hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023:
Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số

Hải Quân
08:31, 09/09/2023

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu của thời đại. Đồng Nai nói riêng và các tỉnh, thành Đông Nam bộ nói chung ngày càng chú trọng đến tiến trình CĐS trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Đồ họa thể hiện xếp hạng trên cả nước về tỷ trọng kinh tế số trong GRDP và chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022 của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ theo kết quả công bố của Bộ TT-TT. Đồ họa: Hải Hà
Đồ họa thể hiện xếp hạng trên cả nước về tỷ trọng kinh tế số trong GRDP và chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022 của các địa phương trong vùng Đông Nam bộ theo kết quả công bố của Bộ TT-TT. Đồ họa: Hải Hà

Các địa phương trong khu vực đã triển khai nhiều chương trình để nâng cao hiệu quả CĐS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, phát triển các nội dung, sản phẩm, tiện ích về CĐS để phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN)…

* Người dân, DN là trung tâm của CĐS

Một trong những mục tiêu quan trọng của tiến trình CĐS là giúp cho người dân, DN được hưởng lợi. Đây cũng là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong những năm gần đây, đẩy mạnh triển khai CĐS luôn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TP.HCM. Từ năm 2017, UBND TP.HCM đã triển khai đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh. Với quyết tâm cao, đến nay thành phố đạt nhiều kết quả về phát triển hạ tầng số, triển khai kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở…, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và DN trên địa bàn.

Tại Đồng Nai, tỉnh đã đầu tư xây dựng hoàn thiện trung tâm tích hợp dữ liệu; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh (phần mềm một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh) kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã để phục vụ người dân, DN nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng.

Các địa phương trong vùng Đông Nam bộ đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn.

Ngoài ra, cơ sở dữ liệu một số ngành, lĩnh vực trong tỉnh đã được xây dựng, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu mở phục vụ tiến trình xây dựng chính quyền số trên địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh đã thành lập được khoảng 1 ngàn tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số 6,4 ngàn thành viên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ, vấn đề quan trọng trong công tác CĐS ở địa phương là người lãnh đạo, trực tiếp là người đứng đầu cần hiểu và nhận thức rõ ý nghĩa của việc CĐS. Lãnh đạo các địa phương phải hành động quyết liệt để có sản phẩm về CĐS. Sản phẩm, chương trình về CĐS cần được nghiên cứu kỹ để nâng cao chất lượng, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN, từ đó cải thiện, nâng cao những chỉ số thành phần về CĐS phù hợp với tình hình phát triển của địa phương…

* Phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình hành động của Chính phủ thể hiện định hướng chỉ đạo theo tinh thần đổi mới về tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương trong vùng Đông Nam bộ. Trong đó, phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST), CĐS trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng; đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.

Tại hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ vào tháng 7-2023, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu ra 5 nhiệm vụ cần thực hiện để phát triển vùng Đông Nam bộ, bao gồm: quy hoạch vùng về trung tâm dữ liệu lớn; quy hoạch và kế hoạch phát triển hạ tầng số; kế hoạch CĐS và phát triển kinh tế số của vùng với trọng tâm là kinh tế số tăng trưởng hàng năm trên 20%; xây dựng cơ sở dữ liệu vùng phục vụ chỉ đạo, định hướng, quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách và điều phối phát triển vùng; xây dựng trung tâm CĐS vùng.

Ngoài ra, Đông Nam bộ là nơi phát triển kinh tế sôi động nhất cả nước. Do đó, các phong trào, hoạt động khởi nghiệp ĐMST ở các địa phương trong khu vực diễn ra sôi nổi, năng động. Các tỉnh, thành phố trong khu vực đã triển khai nhiều chương trình hoạt động để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST.

Đơn cử, tại tỉnh Bình Dương, hoạt động phát triển hệ sinh thái ĐMST được địa phương đặc biệt quan tâm với mục tiêu hướng đến là phát triển thành phố thông minh Bình Dương trong tương lai. Hiện nay, tỉnh tập trung phát triển vùng sản xuất thông minh, vùng ĐMST. Đây được xem như là những bước đi cụ thể và đột phá trong việc xây dựng và phát triển hoạt động ĐMST, xây dựng thành phố thông minh…

Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp quốc gia phía Nam Huỳnh Thanh Vạn chia sẻ, trong thời gian qua, các địa phương trong khu vực Đông Nam bộ như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái về ĐMST nói riêng. Trong đó, có nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối thanh niên, sinh viên khởi nghiệp.

Hải Quân

Tin xem nhiều