Hơn 3 năm trở lại đây, dịch bệnh Covid-19, xung đột giữa Nga - Ukraine đã khiến cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế rộng, tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên đã chịu tác động nặng nề. Tuy Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong phục hồi và phát triển kinh tế của thế giới, nhưng vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro. Đặc biệt, trên lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang bước vào cuộc đua khốc liệt để giữ thị phần tại những thị trường lớn như: Hoa Kỳ, châu Âu…
Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề khó khăn các DN Việt Nam tiếp tục phải đối mặt trong quý IV-2023 và năm 2024 là nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu, Trung Quốc mở cửa trở lại. Vì thế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt với mặt hàng cùng loại đến từ Trung Quốc và các nước khác. Trong cuộc đua này, DN Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh do chưa làm chủ được chuỗi cung ứng khi nguyên liệu cho sản xuất vẫn nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, năng suất lao động trong các nhà máy của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc... Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng hơn 11% của Singapore, hơn 35% của Malaysia, 59% của Trung Quốc và gần 65% của Thái Lan.
Ngoài ra, DN xuất khẩu của Việt Nam còn phải đối mặt với 2 nguy cơ khác là 2 thị trường châu Âu và Hoa Kỳ ở khá xa, trong khi một số tập đoàn đa quốc gia đang dự tính đặt nhà máy sản xuất ở gần những quốc gia trên để giảm chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, các thị trường trên đặt ra rào cản là sản phẩm đạt tiêu chí xanh.
Do đó, để giữ thị trường xuất khẩu, DN Đồng Nai cũng như cả nước phải khắc phục được những điểm yếu và đáp ứng được yêu cầu của đối tác.
Khánh Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin