Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động quản lý, điều tiết hồ, đập trong mùa mưa lũ

Bình Nguyên
08:39, 21/09/2023

Đồng Nai có nhiều hồ, đập lớn nên thời gian qua, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động từ ban hành kế hoạch, chương trình đến công tác chỉ đạo, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, giám sát an toàn hồ, đập thủy lợi.

Xả lũ tại hồ thủy điện Trị An. Ảnh: B.Nguyên
Xả lũ tại hồ thủy điện Trị An. Ảnh: B.Nguyên

Trong đó, xây dựng phương án điều tiết, nhất là tình trạng xả lũ khẩn cấp và thông tin kịp thời đến người dân vùng hạ du khi xả lũ của các công trình hồ, đập thủy điện rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

* Vừa phòng lũ, vừa chống hạn

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp là nguyên nhân thường xảy ra các thiên tai trên địa bàn tỉnh như: mưa lớn gây ngập lụt, lốc xoáy, mưa đá, sét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường... Trong đó, lốc xoáy xảy ra tại hầu hết các địa phương, trung bình từ 7-10 đợt/năm. Ngập lụt, sạt lở bờ sông thường xảy ra ở vùng trũng, thấp ven sông Đồng Nai, sông La Ngà thuộc các huyện: Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa.

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp hơn mọi năm. Cụ thể, trong 8 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 10 đợt mưa lớn kèm dông lốc. Tổng thiệt hại là 2 người chết, 34 căn nhà tốc mái, 84 căn nhà bị ngập, 189 lồng bè nuôi thủy sản bị cuốn trôi, gần 1,3 ngàn ha lúa, hoa màu và cây ăn trái, 149 ao cá ngập nước… Ước tổng thịệt hại về tài sản khoảng 33 tỷ đồng.

Theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn, vào nửa cuối năm 2023, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng tại các khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ. Đến nay, trên toàn quốc, tổng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Hiện mực nước tại nhiều hồ chứa ở mức rất thấp, một số hồ chứa lớn thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu m3 nước.

Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT TRẦN ĐÌNH MINH, tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm chỉ đạo xây dựng hoàn thành bản đồ ngập lụt vùng hạ du sông Đồng Nai để bàn giao cho Công ty Thủy điện Trị An làm cơ sở để doanh nghiệp lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cũng như việc cắm mốc hạ du cảnh báo cho người dân về tình hình ngập lụt.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết, trên địa bàn tỉnh, lượng mưa đến ngày 25-7-2023 mới đạt hơn 50% so với trung bình nhiều năm. Dự báo tổng lượng mưa tháng 10-11 thấp hơn 10-20% so với những năm trước, mùa mưa kết thúc vào khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Nhiệt độ trung bình tháng 10-12 năm 2023 sẽ cao hơn từ 0,5-10C; mực nước trên các sông, suối xuống dần, cần đề phòng tình trạng thiếu hụt nguồn nước có thể xảy ra.

* Chú trọng điều tiết nước cho vùng hạ du

Đồng Nai ít xảy ra thiên tai so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, tỉnh không chủ quan mà luôn chủ động từ ban hành kế hoạch, chương trình đến công tác chỉ đạo, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai. Đồng thời, tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, giám sát vận hành hồ chứa, nhất là các đập, hồ chứa thủy điện… Vì các dự án thủy điện xả lũ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hạ nguồn là Đồng Nai.

Trong đó, hồ Trị An với diện tích 323km², dung tích chứa trên 2,7 tỷ m³ là nơi trữ nước để cung cấp cho Nhà máy thủy điện Trị An. Hồ chứa này có vai trò điều tiết nước cho vùng hạ du, vừa đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất vào mùa khô và xả lũ vào mùa mưa.

Đoàn công tác của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công thương kiểm tra thực tế tại hồ thủy điện Trị An

Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An Võ Tấn Nhẫn cho biết, mùa khô vừa qua rất căng thẳng, hồ Trị An bị cạn nhưng công ty vẫn đảm bảo nguồn nước cho hạ du; nhất là cấp nước sinh hoạt cho các thành phố lớn là Biên Hòa, TP.HCM và tỉnh Bình Dương. Năm nay, trong mùa mưa đã có 2 đợt lũ, lượng nước đổ về khá nhiều và thủy điện phải xả lũ sớm từ tháng 5, mọi năm thường phải đến giữa tháng 9 mới xả lũ. Công ty rất chú trọng công tác phòng chống thiên tai, điều tiết nước cho vùng hạ du để giảm bớt ảnh hưởng đến việc chăn nuôi, trồng trọt của người dân khu vực hạ du. Theo đó, công ty tăng cường công tác theo dõi khí tượng thủy văn ngắn hạn và theo mùa để có những giải pháp thích hợp trong phương án giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Các đợt xả lũ của Thủy điện Trị An đều được thông báo trước và rộng rãi đến từng địa phương và người dân ở vùng hạ du để có sự chuẩn bị trước.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi Đồng Nai (Sở NN-PTNT) Vũ Quốc Việt cho biết, hiện toàn tỉnh có 18 hồ chứa, 56 đập dâng, 24 công trình ngăn mặn, ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Trong đó, tỉnh luôn chú trọng công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố đê điều, hồ, đập để bảo đảm an toàn cho dân cư ở thượng lưu, hạ lưu hồ, đập.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều