Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến lược thu hút khách hàng của doanh nghiệp logistics - cảng biển

Văn Gia
08:22, 21/09/2023

Xuất - nhập khẩu (XNK) chững lại đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) ngành Logistics, cảng biển. Để gia tăng nguồn hàng cho mình, các DN trên lĩnh vực này đang đẩy nhanh quy hoạch hệ sinh thái hoàn chỉnh về logistics nhằm tạo thuận lợi cho đối tác.

Hoạt động thông quan hàng hóa tại ICD Tân Cảng - Long Bình. Ảnh: V.Gia

Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, bên cạnh sự nỗ lực giải bài toán nguồn hàng, các DN trong ngành cũng đang mong chờ tín hiệu khởi sắc hơn từ hoạt động kinh doanh, XNK của các đối tác.

* DN cảng lo bài toán tăng trưởng thời kỳ khó khăn

Trong năm 2023, ngành Vận tải nói chung và vận tải biển vẫn chưa khởi sắc, nên các DN kinh doanh cảng biển cũng dè dặt với các kế hoạch tăng trưởng của mình. Đơn cử như Công ty CP Cảng Đồng Nai (Cảng Đồng Nai), mặc dù năm 2022 doanh thu hơn 1 ngàn tỷ đồng nhưng năm nay đơn vị đặt mục tiêu khá thận trọng với tổng doanh thu 990 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 216 tỷ đồng. Cảng Đồng Nai đánh giá, diễn biến khó đoán định của nền kinh tế trên thế giới, sự suy giảm của thị trường XNK cũng như tính cạnh tranh trong ngành tăng cao nên các DN logistics cũng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Trong các tháng cuối năm 2023, các DN logistics kỳ vọng giá cước cho thuê tàu tăng và xuất khẩu khởi sắc sẽ cải thiện bức tranh kinh doanh của mình một cách tốt hơn.

Tại Công ty CP ICD Tân Cảng - Long Bình (TP.Biên Hòa) sản lượng hàng hóa của các đối tác đang giảm hơn 10% so với năm trước. Nửa đầu năm, DN thực hiện được 45% kế hoạch doanh thu và 56% mục tiêu lợi nhuận năm.

Theo Giám đốc Công ty CP ICD Tân Cảng - Long Bình Phan Thanh Tuấn, việc XNK hàng hóa của các ngành sản xuất chững lại cũng ảnh hưởng đến các DN vận tải, dịch vụ. Hiện các DN logistics bao gồm cả Tân Cảng Long Bình đang kỳ vọng vào mùa sản xuất cuối năm để vực dậy tăng trưởng.

Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), trong 2 năm 2021 và 2022, nguồn hàng cũng sụt giảm do những thách thức lớn nhất đến từ đại dịch Covid-19. Tiếp đến là xung đột giữa Nga - Ukraine kéo theo hậu quả của việc khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu tăng cao, khu vực châu Âu và Hoa Kỳ bắt đầu bước vào sự suy thoái kinh tế do lạm phát leo thang. Đến tận nửa đầu năm 2023, các cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải nói chung đã không có sự phục hồi như dự báo.

* Tìm giải pháp thu hút khách hàng

Bài toán thu hút khách hàng đang đặt ra rất rõ ràng cho DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sự cạnh tranh đang diễn ra.

Theo Giám đốc Công Ty TNHH MTV Cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải Vũ Hồng Hùng, cảng đang chú trọng việc tiếp cận các nguồn hàng, đẩy nhanh quy hoạch hệ sinh thái hoàn chỉnh để biến cụm cảng thực sự trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của khu vực. DN cảng biển phải chủ động hơn trong việc tiếp cận các thị trường hàng hóa, các DN sản xuất để định hướng được nguồn hàng, bên cạnh việc liên kết chặt chẽ với các hãng tàu để tạo ra được các giải pháp vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới cảng biển XNK và các tuyến vận chuyển. Làm tốt được việc kết nối thì công tác dự báo thị trường mới sát và có giá trị trong việc hoạch định các chính sách quản trị DN.

Trong khi đó, ICD Tân Cảng - Long Bình hiện có hệ thống kho hàng lớn với 30 kho được xây dựng theo tiêu chuẩn cao. Năm 2023, mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của đơn vị. Đầu năm 2023, Bộ GT-VT đã ban hành quyết định công bố mở cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1 với diện tích giai đoạn 1 gần 25ha. Cảng cạn được xây dựng để thực hiện nhiều chức năng khác nhau như: kho ngoại quan, kho nội địa, kho CFS (kho chuyên dùng để lưu trữ hàng lẻ XNK), kho phân phối, kho mát, kho lạnh, kho hóa chất nguy hiểm và các loại kho được thiết kế riêng biệt theo nhu cầu của khách hàng.

Giám đốc Công ty CP Tân Cảng - Long Bình Phan Anh Tuấn chia sẻ, cảng cạn này nằm trong hệ sinh thái cảng - logistics tích hợp mở rộng nhằm kết nối, đem lại những giá trị gia tăng trong dịch vụ cho khách hàng. Cảng cạn giúp tăng năng lực thông quan, tiếp nhận và giải phóng hàng hóa; hỗ trợ các hoạt động phân phối trong chuỗi cung ứng của khách hàng. Điều quan trọng là DN có thể làm thủ tục nhập, xuất hàng hóa tại cảng cạn Tân Cảng - Long Bình mà không phải đến cảng Cát Lái (TP.HCM) hoặc Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) nên sẽ rút ngắn được thời gian, chi phí.

Với Cảng Đồng Nai, đơn vị sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của cảng cửa khẩu và các điều kiện thuận lợi hiện có, tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử, chuỗi cung ứng và phát triển thêm dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đối tác. Đặc biệt, việc chuyển đổi mô hình tổ chức Chi cục Hải quan Long Thành sang Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đồng Nai đã góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, năng lực cạnh tranh.

Văn Gia

Tin xem nhiều