Báo Đồng Nai điện tử
En

Một số ngành sản xuất có dấu hiệu suy giảm

07:09, 29/09/2022

Quý III-2022, sản xuất công nghiệp của Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp (DN) và người lao động. Trong đó, một số ngành có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Quý III-2022, sản xuất công nghiệp của Đồng Nai gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều doanh nghiệp (DN) và người lao động. Trong đó, một số ngành có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.

Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Ảnh: K.Minh
Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu. Ảnh: K.Minh

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, chỉ số sản xuất công nghiệp quý III-2022 giảm gần 0,4% so với quý II-2022. Nguyên nhân là do nguồn cung nguyên liệu bị giảm mạnh, giá nguyên liệu tăng cao, nhiều DN không có đơn hàng sản xuất.

* Xuất khẩu gặp khó khăn

Tính riêng trong quý III-2022, một số ngành hàng có sản xuất, xuất khẩu giảm so với 2 quý đầu năm là giày dép; dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xơ sợi dệt; sản phẩm gỗ; cao su; hạt điều. Trong đó, chủ yếu là do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu tăng cao, kéo theo hàng loạt nguyên liệu, vận tải leo thang. Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia khiến các nhà máy phải đóng cửa, giảm công suất, chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu bị đứt gãy.

Bên cạnh đó, lạm phát, giá các mặt hàng tăng cao khiến người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, chỉ ưu tiên cho những mặt hàng cần thiết nên nhiều mặt hàng bị thu hẹp thị trường. Điều này dẫn đến các đơn hàng bị cắt giảm, sản xuất cũng bị thu hẹp, hàng tồn kho của DN cũng lớn hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG nhấn mạnh, tình hình kinh tế của 3 tháng cuối năm và đầu năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn. Các sở, ngành, địa phương phải đồng hành nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của DN để kịp thời tháo gỡ, giúp DN hoạt động hiệu quả, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Giám đốc Hành chính và nhân sự Công ty TNHH Việt Nam Center Power Tech (ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2, H.Nhơn Trạch) Lưu Châu Bằng cho hay: “Hơn 1 tháng nay, đơn hàng của công ty nhận được chỉ bằng 2/3 so với những tháng đầu năm. Trong đó, đơn hàng giảm nhiều nhất là ở thị trường châu Âu, Ấn Độ, Hoa Kỳ. Công ty đã giảm giờ làm với công nhân và đang nỗ lực tìm thêm những đơn hàng mới từ những thị trường khác”.

Cũng theo ông Bằng, sản phẩm của công ty là các loại pin, ắc-quy, đã xuất được vào các thị trường khó tính như: châu Âu, Hoa Kỳ nên khi tìm những thị trường khác để bù lại cũng không khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã của đối tác. Tuy nhiên, DN thay đổi một thị trường mới cũng đòi hỏi phải có thời gian tìm hiểu nhu cầu, chào hàng, lên kế hoạch sản xuất…

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì dệt may, sản phẩm gỗ, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện không phải là những mặt hàng được ưu tiên mua sắm hàng đầu. Vì thế, nhiều người tiêu dùng tại châu Âu, Hoa Kỳ và một số nước đã cắt giảm bớt chi tiêu, mua sắm. Ngoài ra, trong năm 2021, nhiều nhà bán lẻ trên thế giới lo ngại chuỗi cung ứng bị đứt gãy gây khan hiếm hàng hóa nên đã đặt hàng với số lượng lớn, hiện hàng tồn kho còn nhiều nên cắt giảm đơn đặt hàng.

Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Lê Văn Danh cho biết: “Các DN ngành gỗ, giày dép, dệt may đơn hàng giảm đến 30% nên phải giảm công suất nhà máy. Công nhân thiếu việc làm phải nghỉ việc không lương, nghỉ phép, nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022”.

* Linh hoạt để duy trì sản xuất

Theo dự báo, năm 2022, GDP toàn cầu có thể chỉ tăng trưởng 3,2% thay vì 3,6% như dự báo hồi đầu năm. Về tăng trưởng kinh tế của năm 2023, khả năng chỉ đạt 2,9%. Nguyên nhân do chịu tác động từ 2 nền kinh tế lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc có mức tăng trưởng thấp. Năm 2022, có thể kinh tế Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng 2,3% và năm 2023 là 1%. Tương tự, dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Trung Quốc xuống 3,3%, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát dẫn tới nhiều thành phố lớn ở nước này phải phong tỏa, gây ra tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thế giới.

Mặt hàng gốm của Đồng Nai xuất khẩu nhiều vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu đang gặp khó khăn. Ảnh: K.Minh
Mặt hàng gốm của Đồng Nai xuất khẩu nhiều vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu đang gặp khó khăn. Ảnh: K.Minh

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, chiếm khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Do đó, thị trường này suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, xuất khẩu của DN trên địa bàn tỉnh. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất lớn nhất của tỉnh nên những biến động của thị trường này cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của tỉnh. Hiện dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nếu Trung Quốc tiếp tục phong tỏa các tỉnh, thành bị dịch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất của Đồng Nai cũng như cả nước.

Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH FICT Việt Nam (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2) Lê Đức Vinh chia sẻ: “Thời gian qua, Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số tỉnh, thành, hàng hóa của nhiều nhà máy không xuất xưởng được, dẫn đến nhiều nhà máy ở Việt Nam bị thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Công ty cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tình trạng trên đã được cải thiện nhưng thời gian giao hàng cũng chưa đảm bảo, gây khó khăn cho DN trong việc thực hiện các đơn hàng”.

Theo các DN thì tình hình sản xuất của những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, các DN đều phải linh hoạt trong việc tìm nguồn nguyên liệu trong nước và những nước khác ngoài Trung Quốc để bù lại, đồng thời phải nỗ lực kết nối với tham tán thương mại các nước để gặp gỡ các DN nước ngoài tìm thêm các đơn đặt hàng.

Khánh Minh

Tin xem nhiều