Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch tỷ USD

07:08, 18/08/2022

Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã bỏ ra số tiền gần 4,6 tỷ USD để nhập khẩu 4 mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Dù các DN đã cố gắng tìm nguồn cung trong nước nhưng không đáp ứng được.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã bỏ ra số tiền gần 4,6 tỷ USD để nhập khẩu 4 mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Dù các DN đã cố gắng tìm nguồn cung trong nước nhưng không đáp ứng được.

Sản xuất mạch điện tử tại Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: K.Minh
Sản xuất mạch điện tử tại Công ty TNHH FICT Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Ảnh: K.Minh

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, có 4 mặt hàng các DN Đồng Nai nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là: hóa chất, chất dẻo, sắt thép, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng. Trong 7 tháng của năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hóa chất hơn 1,24 tỷ USD; chất dẻo gần 1,2 tỷ USD; sắt thép các loại gần 1,1 tỷ USD và máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng hơn 1 tỷ USD.

* Nguyên liệu trong nước vẫn thiếu

Từ đầu năm 2020, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, các DN bắt đầu chú ý hơn đến việc tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để bớt nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều loại nguyên liệu trong nước không đáp ứng được số lượng, chất lượng nên các DN tại Đồng Nai vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập hàng về phục vụ cho sản xuất. Các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng do hàng loạt khó khăn nên chưa thể tăng tốc đáp ứng đủ nhu cầu của các khách hàng trong và ngoài nước.

Trưởng phòng Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Thép SeAH Việt Nam (ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2) Trần Tấn Phát chia sẻ: “SeAH chuyên sản xuất các loại thép ống tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng khá nhiều nhưng lại gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Hiện công ty phải nhập lượng lớn thép cuộn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vì nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30%”.

Cũng theo ông Phát, hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 dẫn đến chuỗi cung nguyên liệu từ các nước thường xuyên bị đứt gãy, hàng hóa của đối tác thường xuyên giao chậm hơn kế hoạch, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của công ty.

Thời gian qua, nguyên liệu nhập khẩu từ các nước hầu hết gặp tình trạng hàng giao chậm hơn so với hợp đồng đã ký kết với nhiều lý do như: dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy tạm dừng sản xuất; thiếu container để đóng hàng, một số thành phố bị phong tỏa…

Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (ở Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom) Quách Thuận Đức nói: “Hóa chất là nguyên liệu nhiều ngành công nghiệp sử dụng cho sản xuất và nguồn cung trong nước rất ít, phải đặt mua từ các nước. Tuy nhiên, nguồn hàng nhập khẩu về không ổn định do ảnh hưởng chung của toàn cầu và nguyên nhân từ dịch bệnh, cuộc chiến giữa Nga - Ukraine. Các DN tại Việt Nam nếu có sản phẩm cùng loại, chất lượng đảm bảo sẽ nhận được các đơn hàng lớn và dài hạn từ nhiều nhà máy”.

* Nhu cầu tăng cao

Các mặt hàng trên là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất, đồng thời khi DN có nhu cầu mở rộng, xây dựng mới nhà xưởng đều phải mua máy móc thiết bị lắp ráp dây chuyền. Mặc dù chịu tác động xấu từ dịch bệnh, cuộc chiến Nga - Ukraine nhưng nhiều DN tại Đồng Nai vẫn khôi phục và mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư thêm nhà máy mới, nhu cầu nhập 4 mặt hàng trên trong những tháng gần đây liên tục tăng.

Đơn cử như: mặt hàng hóa chất có kim ngạch nhập khẩu trong 7 tháng của năm 2022 tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước; chất dẻo tăng gần 9%; sắt thép các loại tăng hơn 37%... Trong những tháng đầu năm nay, ngoài các DN khôi phục hoạt động sản xuất thì cũng có hàng chục nhà máy đầu tư mới hoàn thành đi vào sản xuất, nhu cầu về nguyên liệu tăng cao.

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đánh giá các DN trong khu công nghiệp phục hồi sản xuất khá tốt, hiện nhiều nhà máy đã trở lại hoạt động bình thường như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, có những DN mở thêm các dây chuyền sản xuất mới để tăng công suất, đáp ứng các đơn hàng. Do đó, kim ngạch xuất nhập khẩu ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong 7 tháng của năm 2022 tăng cao.

Nếu so sánh kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay thì tăng trưởng xuất khẩu cao gấp hơn 2 lần so với nhập khẩu. Đây là dấu hiệu tốt cho sản xuất công nghiệp vì cán cân thương mại đã nghiêng về phía Đồng Nai. Thế nhưng, vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của các DN là tự chủ được phần lớn nguyên liệu trong nước để sản xuất không quá lệ thuộc vào chuỗi cung ứng nguyên liệu của một số nước.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, nhiều năm nay tỉnh vẫn luôn khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm xuất khẩu, đồng thời tăng giá trị gia tăng. Hiện Đồng Nai đã trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ lớn của cả nước, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Do đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên mời gọi DN nước ngoài đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ để cung ứng sản phẩm đầu vào cho DN trên địa bàn Đồng Nai cũng như cả nước.

Riêng trong các khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai, có 164 dự án đang được xây dựng nhà xưởng; dự tính trong năm nay và năm sau sẽ hoàn thành, đưa vào sản xuất. Như vậy, nguồn nguyên liệu cần cho sản xuất sẽ tiếp tục gia tăng, trong đó có nhiều sản phẩm của DN này là nguyên liệu đầu vào cho DN kia, nếu kết nối tốt giữa các DN để họ cung ứng sản phẩm cho nhau sẽ giảm nhập khẩu và xuất khẩu tiếp tục tăng cao.

Hương Giang

Tin xem nhiều