Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ nhận định sáng suốt đến kỳ tích trên bầu trời Hà Nội (kỳ 1)

09:12, 10/12/2012

Ngày 19-7-1965, khi đến thăm một Trung đoàn pháo cao xạ của Sư đoàn Phòng không Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “Bê” gì đi chăng nữa, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đã đánh là nhất định thắng”. Thực hiện lời dạy của Bác và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngay từ giữa năm 1966, Quân Chủng Phòng không-Không quân (QC PK-KQ) đã cử một lực lượng quan trọng trực tiếp cơ động chiến đấu và nghiên cứu cách đánh B-52 của Mỹ ngay tại chiến trường Quân khu 4…

Kỳ 1: Đi trước, đón đầu
 

Ngày 19-7-1965, khi đến thăm một Trung đoàn pháo cao xạ của Sư đoàn Phòng không Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “Bê” gì đi chăng nữa, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đã đánh là nhất định thắng”. Thực hiện lời dạy của Bác và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ngay từ giữa năm 1966, Quân Chủng Phòng không-Không quân (QC PK-KQ) đã cử một lực lượng quan trọng trực tiếp cơ động chiến đấu và nghiên cứu cách đánh B-52 của Mỹ ngay tại chiến trường Quân khu 4…

* Một câu hỏi lớn?

Trong căn nhà nhỏ trên đường Trường Chinh, quận Đống Đa, Hà Nội, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không, rồi sau đó là QC PK-KQ (trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Thượng tướng Phùng Thế Tài là Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, người có vị trí quan trọng trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ), bồi hồi kể lại: “Năm 1962, tôi được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phòng không. Trước khi nhận nhiệm vụ mới, tôi được Bác Hồ gọi lên. Gặp tôi, Bác hỏi: “Giờ chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa”? Tôi ngớ người rồi thành thật thưa: “Cháu chưa biết gì về B-52”. Bác cười và nói: “Nói thế thôi chứ chú biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay trên cao 10 cây số mà trong tay chú hiện nay mới chỉ có pháo cao xạ thôi. Nhưng ngay từ lúc này, là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52”.[links(right)]

Nhận ý kiến chỉ đạo của Bác, Tư lệnh Phùng Thế Tài bắt đầu tập trung nghiên cứu B-52. Ông chỉ thị cho các cơ quan tác chiến, quân báo bằng mọi cách phải thu thập toàn bộ tính năng, tác dụng của loại máy bay này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đoàn cao xạ Tam Đảo (25-9-1966)

Tháng 10-1963, Bộ đội Phòng không và Bộ đội Không quân có quyết định hợp nhất thành Quân chủng PK-KQ. Đồng chí Phùng Thế Tài được bổ nhiệm làm Tư lệnh đầu tiên của quân chủng. Đồng chí Đặng Tính, nguyên Cục trưởng Cục Không quân được bổ nhiệm làm Chính uỷ quân chủng. Nhưng thực tế lúc ấy Không quân của ta còn rất mỏng, chỉ có một đơn vị máy bay vận tải, còn một trung đoàn Mig-17 đang huấn luyện ở nước ngoài. Một câu hỏi luôn thường trực trong suy nghĩ của Tư lệnh PK-KQ là “làm thế nào để đánh được B-52?”

Ngày 5-8-1964, cuộc tiến công, ném bom phá hoại quy mô lớn đầu tiên của không quân Mỹ vào miền Bắc được đặt tên là “Mũi tên xuyên”, tiến hành tại khu vực Bến Thuỷ (Vinh), Lạch Trường (Thanh Hoá), Hòn Gai (Quảng Ninh) và Cảng Giang (Quảng Bình). Nhưng không quân Mỹ chịu tổn thất lớn, 8 trong tổng số 64 lần chiếc máy bay cất cánh đã bị bắn rơi. Trong trận này, ta bắt được một giặc lái. Tư lệnh Phùng Thế Tài đã chỉ thị cho cấp dưới khai thác tên giặc lái này về tính năng, tác dụng của B-52.

Ngày 18-6-1965, 30 chiếc B-52 đã được không quân Mỹ thực hiện cuộc ném bom rải thảm đầu tiên trên thế giới, vào khu Bến Cát, Tây Bắc Sài Gòn. Kể từ đó, cường độ hoạt động của máy bay B-52 ngày một tăng. Để đối phó với tình hình đó, một trung đoàn tên lửa phòng không SAM-2, loại vũ khí có thể tiêu diệt được B-52 đã được thành lập.

* Tìm phương án đánh B52

Chỉ một tháng sau ngày Mỹ đưa B-52 vào miền Nam, giữa năm 1966, được sự chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh QC PK-KQ đã điều Trung đoàn 238 (gồm các tiểu đoàn 81, 82, 83, 84), vào Vĩnh Linh (Quảng Trị), tìm cách đánh B-52.

“Tôi nhớ mãi khi tôi báo cáo suy nghĩ đưa tên lửa vào đánh B-52 ở Vĩnh Linh, Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi thong thả nói “Đúng! muốn bắt cọp thì phải vào tận hang….””, đồng chí Phùng Thế Tài nhớ lại.

Ngay đêm đầu tiên vượt sông Bến Thủy, chiếc xe xích cùng bệ phóng tên lửa nặng hơn 20 tấn của Trung đoàn 238 bị rơi xuống sông Lam. Vượt sông Gianh, xe có giàn an-ten đi lạc sang đèo Lý Hòa và bị đổ xuống chân đèo. Tiểu đoàn 84, cánh quân đầu tiên của Trung đoàn 238 đành phải quay trở lại miền Bắc để nhận khí tài mới. Mãi đến đầu năm 1967, các tiểu đoàn hỏa lực của trung đoàn mới đến được Vĩnh Linh, nhưng cả 4 tiểu đoàn đều bị đánh tổn thất nặng.

Anh hùng Phạm Trương Uy bàn cách đánh B52 trên chiến trường Quảng Trị.

Thượng tướng Phùng Thế Tài kể tiếp: Ngày 2-9-1967, tôi lên gặp Bác Hồ để báo cáo tình hình chiến đấu của bộ đội PK-KQ. Bác khen những thắng lợi mà quân dân Hà Nội đã lập được, rồi bất ngờ hỏi “Thế còn B52 đâu?”. Câu hỏi của Bác làm tôi day dứt, suốt đêm đó hầu như tôi không ngủ. Tôi cùng anh Đặng Tính suy nghĩ về vấn đề này. Sau đó, anh Đặng Tính được Bộ Tư lệnh QC PK-KQ cử vào Vĩnh Linh kiểm tra tình hình Trung đoàn 238. Cùng đi có đoàn cán bộ của Tư lệnh Tên lửa do đồng chí Hoàng Văn Khánh, Phó Tư lệnh Binh chủng Tên lửa dẫn đầu, trực tiếp xuống chỉ đạo Trung đoàn 238 quyết tâm bắn rơi bằng được B-52. Phó Tư lệnh Binh chủng Tên lửa đã lăn lộn cùng với bộ đội giữa chiến trường Vĩnh Linh đầy gian khổ ác liệt. Sự có mặt của ông đã giúp cán bộ, chiến sĩ ta thêm vững tin vào chiến thắng. Trung tướng Hoàng Văn Khánh nhớ lại: “Có trực tiếp vào đó mới thấy hết được những khó khăn, gian khổ của Trung đoàn 238…Bản thân tôi cũng mấy lần chết hụt, có lần xe vừa rời sở chỉ huy được mấy phút thì quả bom rơi đúng chỗ xe vừa chuyển bánh. Lại có lần bom đánh trúng hầm ở Vĩnh Chấp khi tôi vừa mới rời khỏi đó…”

Đêm 17-9-1967, từ Vĩnh Linh, đồng chí Hoàng Văn Khánh báo tin, Trung đoàn 238 đã bắn rơi máy bay B-52. Tư lệnh PK-KQ Phùng Thế Tài run lên vì vui sướng và ông nghĩ ngay tới Bác Hồ. Nhấc điện thoại gọi báo cáo Bác, nhưng chưa kịp báo tin thì Người đã hỏi đồng chí Phùng Thế Tài: “Chú Tài đấy à, có chuyện gì thế? bắn rơi B52 rồi phải không?”. Có lẽ bằng linh cảm của một lãnh tụ vĩ đại mà Bác đoán được điều này!.

Tháng 10-1967, đồng chí Phùng Thế Tài chính thức nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng tham mưu trưởng, có nhiều công lao trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, có nhiệm vụ chuẩn bị phương án chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng trong tình huống địch sử dụng B-52 đánh phá.

Năm 1968, khi xuống thăm QC PK-KQ cùng với Đại tướng Hoàng Văn Thái, trước những vũ khí mới mà đồng chí Phùng Thế Tài giới thiệu, Bác trầm ngâm và bảo, kẻ thù đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào chiến tranh, cán bộ khoa học kỹ thuật của chúng ta còn quá ít. Nếu chỉ có lòng căm thù giặc và tinh thần xả thân vì nước vẫn chưa đủ thắng lợi mà phải chú ý đào tạo thật nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiên cứu kỹ kẻ thù thì mới trăm trận trăm thắng.

Ngay sau đó, đồng chí Phùng Thế Tài và các cán bộ của QC PK-KQ xây dựng được phương án đánh B-52. Ngày 31-10-1972, tại hội nghị quân chính của QC PK-KQ, tài liệu “Cách đánh B52 của bộ đội tên lửa” đã được đưa ra bàn bạc kỹ lưỡng. Trong lần họp này, ngoài sự có mặt của các cán bộ quân chủng, sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và các cơ quan, còn có nhiều trắc thủ, sĩ quan điều khiển thuộc kíp chiến đấu của các tiểu đoàn hỏa lực. Hội nghị này đã mang đến cho mọi người niềm tin: Chúng ta có thể bắn rơi B-52 tại chỗ!

Theo QĐND Online

 

Tin xem nhiều