Báo Đồng Nai điện tử
En

Xúc tiến thương mại điện tử giữa các địa phương trong vùng

07:10, 15/10/2022

Bên cạnh các hình thức kết nối truyền thống, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trên không gian số là hướng đi tất yếu.

Bên cạnh các hình thức kết nối truyền thống, hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trên không gian số là hướng đi tất yếu.

Doanh nghiệp Đồng Nai ký kết biên bản ghi nhớ kết nối sản phẩm với sàn thương mại điện tử Mekong Expo trong khuôn khổ hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp Đồng Nai và TP.Cần Thơ vào tháng 9-2022. Ảnh: H.Hà
Doanh nghiệp Đồng Nai ký kết biên bản ghi nhớ kết nối sản phẩm với sàn thương mại điện tử Mekong Expo trong khuôn khổ hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp Đồng Nai và TP.Cần Thơ vào tháng 9-2022. Ảnh: H.Hà

Việc xúc tiến thương mại điện tử (TMĐT) là giải pháp được các địa phương, doanh nghiệp (DN) thúc đẩy nhằm kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường, trong đó có các địa phương khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh, thành phía Nam.

* “Cánh cửa” mở rộng thị trường

Những năm gần đây, TMĐT ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia, các chuỗi cung ứng cũng đang dần thay đổi theo hướng hiện đại hơn khi có sự hỗ trợ từ số hóa và công nghệ thông tin. Đặc biệt, từ sau đợt dịch bệnh Covid-19, thị trường TMĐT đang trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu giúp cho các DN quảng bá, mở rộng thị trường. Các địa phương ngày càng quan tâm đến các hoạt động TMĐT.

Theo các chuyên gia, các sàn TMĐT sẽ là “cánh cửa” giúp cho cộng đồng DN ở các địa phương mở rộng, phát triển thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Tại Đông Nam bộ, nhiều tỉnh, thành đã chủ động phát triển và đưa các sàn TMĐT của địa phương vào thí điểm, vận hành. Đơn cử như các sàn TMĐT của Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Các sàn này được thiết kế là một sàn giao dịch TMĐT vừa có chức năng B2B, mô hình kinh doanh TMĐT trong đó giao dịch xảy ra trực tiếp giữa các DN với nhau; vừa có chức năng B2C, là mô hình giao dịch, mua - bán giữa DN với người tiêu dùng cuối cùng, hay lĩnh vực bán lẻ, đáp ứng nhu cầu không chỉ cho các DN, hộ kinh doanh mà còn cho cả người tiêu dùng.

Nắm bắt sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT, từ cuối năm 2021, hàng loạt tỉnh, thành ở khu vực Đông Nam bộ đã thành lập các sàn TMĐT địa phương để thúc đẩy giao thương trực tuyến. Việc kết nối và triển khai nhiều kênh, nhiều phương án kinh doanh thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trên các nền tảng số không chỉ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân mà còn hỗ trợ DN địa phương ứng dụng TMĐT ở khắp các tỉnh, thành phố. Từ đó, mang đến làn gió mới trong sản xuất, kinh doanh của DN, chứng tỏ họ sẵn sàng thay đổi và thích ứng với công nghệ số.

Sàn TMĐT với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản.

Bà Trang Đài (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, ngoài các sàn TMĐT lớn như: Shopee, Lazada, Tiki, Voso..., thông qua báo đài bà còn biết đến các sàn TMĐT địa phương như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Đặc biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn ra mắt sàn TMĐT du lịch quy tụ các sản phẩm đặc sản, các dịch vụ du lịch, lưu trú, nhà hàng, khách sạn… trên địa bàn tỉnh vô cùng tiện lợi và hấp dẫn.

“Tham khảo trên các sàn TMĐT, tôi nhận thấy không ít đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản đã nhanh chóng hòa cùng dòng chảy chung của thị trường TMĐT. Các đơn vị này có sự chăm chút, đầu tư về mặt hình ảnh, thông tin minh bạch, nhưng còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào vận hành. Do đó, nếu các sàn có sự liên kết, hỗ trợ qua lại cho nhau để đa dạng thêm mặt hàng, rút ngắn khâu vận chuyển, sẽ ngày càng thu hút lượng khách từ khắp các tỉnh, thành. Từ đó góp phần đưa sàn TMĐT địa phương trở thành nơi giao thương phổ biến, không giới hạn địa lý khi cần tìm bất kỳ đặc sản, sản phẩm nào” - bà Trang Đài chia sẻ.

Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT (Cục TMĐT và kinh tế số, Bộ Công thương) Nguyễn Văn Thành chia sẻ, để hàng hóa, sản phẩm địa phương được nhiều người quan tâm, chọn mua trên các sàn TMĐT của địa phương, các DN cần tích cực kêu gọi, hỗ trợ DN tham gia sàn; tăng sự tương tác, tiếp nhận thông tin phản hồi từ khách hàng và trả lời, giải đáp thắc mắc đơn hàng, thông tin phản hồi. Qua đó, góp phần đem lại niềm tin cho khách hàng, không chỉ mua một lần mà còn tiếp tục ủng hộ ở những lần tiếp theo.

* Hỗ trợ DN mở rộng các kênh tiếp thị trên nền tảng số

Trên thực tế, Đông Nam bộ là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động, các hoạt động thương mại, trong đó có bán lẻ trực tuyến có tốc độ phát triển nhanh trong những năm qua. Điều này góp phần giúp các DN, cơ sở sản xuất ở các địa phương trong khu vực có thêm các cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, song song với đó, địa phương cần có thêm các phương án để tăng cường hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) quảng bá sản phẩm trên môi trường trực tuyến, nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn TMĐT địa phương; khuyến khích các DN địa phương thiết lập, mở rộng các kênh bán hàng trên các sàn TMĐT lớn…

Ông ĐÀM QUỐC DŨNG, Quản lý Cơ sở Nem Việt Huy (P.Xuân Bình, TP.Long Khánh) chia sẻ, hiện sản phẩm nem của cơ sở đã đạt chuẩn OCOP và sản phẩm nông thôn tiêu biểu của địa phương. Cơ sở mong muốn mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu cho sản phẩm. Thời gian qua, Sở Công thương và địa phương đã hỗ trợ đưa sản phẩm của cơ sở lên Sàn TMĐT của tỉnh. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá đặc sản của địa phương trên kênh trực tuyến, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp mở rộng cơ hội quảng bá, giới thiệu cho sản phẩm…

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc phát triển thị trường miền Nam của Công ty CP Công nghệ Sapo - một công ty chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý bán hàng, kinh doanh trực tuyến chia sẻ, các sàn TMĐT lớn đều triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các sản phẩm, thương hiệu của địa phương tham gia quảng bá, bán hàng, đặc biệt là hướng tới các đặc sản vùng miền, sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP của các địa phương. Trong đó có các hỗ trợ về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ đưa các sản phẩm OCOP của địa phương lên sàn TMĐT… Bên cạnh đó, nhiều địa phương, trong đó có Đồng Nai, ngày càng quan tâm và có nhiều chương trình để hỗ trợ các sản phẩm địa phương tiếp cận, mở rộng thị trường trên các nền tảng số.

Tương tự, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc truyền thông Công ty TNHH Truyền thông số Mekong Expo - đơn vị vận hành Sàn TMĐT Mekong Expo chia sẻ, sàn TMĐT Mekong Expo chủ động hỗ trợ kết nối sản phẩm của các địa phương của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai và các tỉnh, thành Đông Nam bộ. Sàn luôn quan tâm, chú trọng hỗ trợ quảng bá, thiết lập kênh bán hàng đối với các sản phẩm OCOP, các sản phẩm khởi nghiệp của DN địa phương…  thông qua đội ngũ tư vấn viên chuyên nghiệp, hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu, hỗ trợ về SEO để lượng tương tác, quảng bá và bán hàng cho các sản phẩm địa phương tăng cao hơn.

“Tiềm năng hợp tác, kết nối giữa các sản phẩm địa phương trên các kênh TMĐT nói chung và trên Mekong Expo là rất lớn, nhất là trong bối cảnh TMĐT, kinh tế số ngày càng phát triển, xu hướng, thị hiếu tiêu dùng của người dân có nhiều chuyển biến và các địa phương, DN ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các kênh quảng bá, xúc tiến TMĐT” - bà Phương Thảo nhấn mạnh.

Hải Hà

Tin xem nhiều