Báo Đồng Nai điện tử
En

Thăng trầm chiếc gùi S’Tiêng

08:10, 16/10/2012

Đan gùi, rổ, rá bằng tre, bằng lồ ô là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của đồng bào S’Tiêng ở Sóc 28, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Nhưng hiện nay, số người còn biết đan gùi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Làm sao gìn giữ được nét đẹp văn hóa thông qua nghề thủ công này?

Đan gùi, rổ, rá bằng tre, bằng lồ ô là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của đồng bào S’Tiêng ở Sóc 28, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Nhưng hiện nay, số người còn biết đan gùi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Làm sao gìn giữ được nét đẹp văn hóa thông qua nghề thủ công này?

Cả Sóc 28 hiện có hơn 70 hộ đồng bào S’Tiêng sinh sống, nhưng chỉ còn lại 4 nghệ nhân đan gùi, đó là các ông: Điểu Cui, Điểu Le, Lâm Văn Lợi và già làng Điểu Nhiêm.

* Công phu nghề đan gùi

Nếu nương rẫy gắn với người S’Tiêng như một phần đời sống thì chiếc gùi chính là biểu tượng của đời sống, sinh hoạt ấy. Bà con tính năng suất lúa rẫy bằng đơn vị gùi thu được khi gieo một gùi lúa giống. Tất nhiên, công cụ làm rẫy còn có rìu, xà gạc, dao, liềm, gậy chọc lỗ. Nhưng cái gùi gắn bó thân thiết với bà con như một phương tiện vận chuyển chủ yếu, được “gùi” trên lưng với nhiều loại to, nhỏ khác nhau. Chiếc gùi dùng đi xa được trang trí hoa văn qua các đường đan.

Bàn tay nghệ nhân giữ hồn cho chiếc gùi dân tộc.
Bàn tay nghệ nhân giữ hồn cho chiếc gùi dân tộc.

Nghệ nhân Điểu Nhiêm, một già làng hiện còn làm gùi phân phối cho đồng bào địa phương và các vùng lân cận nói: “Già biết đan lâu rồi, ông nội và bố mình cũng làm nghề này. Làm nghề này nếu làm không thạo thì vất vả lắm. Một năm, làm gùi cũng kiếm thêm khoảng 5 triệu đồng, không dư, chỉ đủ ăn. Hiện nay ai đặt hàng, mình mới làm, chủ yếu là đồng bào xung quanh đây đặt gùi, thỉnh thoảng cũng có người từ nơi khác đến mua”.

Theo ông Điểu Cui, để làm được những chiếc gùi phải chọn những cây tre, cây lồ ô đủ tuổi, đủ độ dẻo, đem về phơi khô, chẻ nhỏ lấy cật tre, sau đó tỉ mỉ vót những thanh cật cho vừa mỏng mới đan được. Đế của chiếc gùi được làm từ những loại cây dây leo già rất dẻo, thường là dây lên, độ chịu lực lớn nhưng có thể uốn cong theo hình cánh hoa. Cái dao để chẻ cật và sử dụng lúc làm gùi cũng do các nghệ nhân tự chế cáng bằng cách đẽo gỗ để có hình dáng phù hợp dễ dàng thực hiện công việc. Để có được nguyên liệu đạt chất lượng, già làng Điểu Nhiêm trồng luôn mấy bụi lồ ô sau nhà.

Trước đây, người S’Tiêng nổi tiếng với nghề rèn đạt trình độ khá cao, nhiều công cụ, vật dụng đến nay vẫn là niềm tự hào và còn lưu giữ tại các ấp, sóc, như: cồng, chiêng… Nghề dệt và nhuộm thổ cẩm bằng vỏ cây rừng cũng là một nghề phát triển trong cộng đồng. Hoa văn, màu sắc, kiểu dáng trên khố, váy, khăn của người S’Tiêng đã đạt trình độ tạo hình cao. Hoa văn trang trí trên những chiếc gùi, trên những vật dụng đan lát, những hình vẽ trang trí trên cồng, chiêng... được các nghệ nhân S’Tiêng chế tác rất tinh xảo.

Kích cỡ của chiếc gùi tùy thuộc vào yêu cầu của người đặt mua với giá vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng. Già làng Điểu Nhiêm kể lại: Màu đen, nâu để tạo hoa văn được lấy từ vỏ cây lộc vừng, chà lên 2 bên; sau đó dùng nhựa cây trâm bầu quét lên 2 đến 3 lần tùy độ đậm nhạt. Công đoạn kỳ công nhất là đốt cây chai, dùng mủ và khói cây chai để hong các nan đan, công đoạn này vừa tạo màu sắc đẹp, độ bóng ưng ý và độ bền của sản phẩm. Theo già Nhiêm, nếu thực hiện đúng các công đoạn trên thì chiếc gùi sẽ rất bền và không bao giờ phai màu. Hoa văn trên chiếc gùi cũng rất công phu với gam màu chủ đạo là đen và trắng, những chi tiết trang trí thường là những hình ảnh tượng trưng cho núi rừng đại ngàn, sự liên kết gắn bó của con người và thiên nhiên.

* Nguy cơ mai một làng nghề

Giờ đây lớp trẻ trong làng ít người chịu học làm gùi, những nghệ nhân lớn tuổi như ông Điểu Cui chỉ còn vài người. Hầu hết, những người lớn tuổi ấy vẫn cố duy trì nghề không phải vì kiếm tiền mà sợ nghề bị mất đi. Già làng Điểu Nhiêm buồn bã nói rằng do thu nhập không cao, lớp trẻ chẳng mặn mà với nghề làm gùi dù ông có cố gắng truyền dạy. "Đây là phong tục của đồng bào nên mình cố gắng giữ để cho con cháu đời sau biết. Mình chỉ cho con cháu nhưng tụi nó bỏ hết không theo” - ông Nhiêm trăn trở.

Già làng Điểu Nhiêm đang phơi nguyên liệu làm gùi.
Già làng Điểu Nhiêm đang phơi nguyên liệu làm gùi.

Những trăn trở của ông Nhiêm không phải là không có cơ sở, vì hiện nay không chỉ riêng nghề đan lát mà còn nhiều nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước đang đứng trước nguy cơ mai một. Với chính sách khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống của Đảng và Nhà nước, đã có nhiều nghề truyền thống bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài. Hy vọng ở một tương lai không xa, bà con người S’Tiêng trên đất Bình Phước không những lưu giữ được những ngành nghề truyền trống của dân tộc mình mà còn có nguồn thu nhập chính trang trải cho cuộc sống từ các sản phẩm này. Đây cũng là cơ sở để rộng đường phát triển du lịch Bình Phước theo hướng tìm về bản sắc văn hóa các dân tộc.

Tuyết Ly

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều