Tuần qua, những cơn mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) ngập nặng, gây khó khăn cho người và xe cộ lưu thông trong giờ cao điểm, ảnh hưởng tới công việc của nhiều hộ dân. Đây là thực trạng kéo dài nhiều năm qua nhưng hiện chưa có biện pháp khắc phục khả thi…
Tuần qua, những cơn mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) ngập nặng, gây khó khăn cho người và xe cộ lưu thông trong giờ cao điểm, ảnh hưởng tới công việc của nhiều hộ dân. Đây là thực trạng kéo dài nhiều năm qua nhưng hiện chưa có biện pháp khắc phục khả thi…
Cao điểm của chuyện ngập nước tuần qua ở TP.HCM là hai cơn mưa lớn ngày 26-9 và sáng kéo dài đến trưa ngày 28-9 đã làm 17 điểm ngập úng nặng nề ở khu vực quận 11, Tân Phú, Tân Bình, Thủ Đức, Bình Thạnh.
* Người dân bức xúc
Trên các con đường lớn, như: Nguyễn Hữu Cảnh, Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), giao lộ Nguyễn Ảnh Thủ - Phan Văn Hớn (Hóc Môn), Bàu Cát 9 (quận Tân Bình), nước ngập sâu 30cm khiến nhiều xe bị chết máy. Trong số này, nhiều nơi, nước cống tràn lên hôi thối. Người đi đường và người dân địa phương hết sức bức xúc khi thấy nước bẩn kèm với rác từ các cống rãnh trào lên đường phố.
Khu vực bùng binh Cây Gõ bị ngập trong cơn mưa chiều 26-9. Ảnh: Xuân Vinh |
Tại các khu dân cư nằm dọc đường Đồng Đen, Âu Cơ (quận Tân Bình), Kinh Dương Vương (quận 6), nhiều hộ buôn bán không thể mở cửa vì bị nước dâng cao. Bà Nguyễn Thị Trâm, chủ hộ bán bánh trung thu trên đường Kinh Dương Vương than thở: “Khi các xe ô tô chạy qua, nước ngập tạo thành các đợt sóng ập vào nhà kinh khủng lắm!”.
Ngập nước dẫn đến tình trạng kẹt xe diễn ra trên diện rộng, nhiều tuyến điểm lớn đều bị kẹt xe trong và sau cơn mưa nhiều giờ liền. Ở con hẻm nhỏ tại những khu vực ngập nặng, nhiều hộ dân phải chung sống với nước ngập và rác thải hôi thối. Ông Trần Bình Hà, một người dân ở trong hẻm nhỏ thuộc phường 22, quận Bình Thạnh, bức xúc: “Chỉ cần mưa 15 phút là hẻm này bị ngập. Tháng 9 vừa qua khu phố ngập hơn 10 lần. Bà con khu phố này giờ ai cũng bị nước ăn chân”.
Các cơn mưa trong tuần qua diễn ra trên diện rộng, lượng mưa 55mm nên hậu quả ngập nhiều tuyến đường cũng đã được dự báo trước. Nỗ lực của Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TP.HCM là lắp đặt các trạm bơm để khơi thông dòng chảy cho các kênh thoát nước. Tuy nhiên, do lượng mưa lớn và kéo dài nên không thể khắc phục nhanh sự cố ngập nặng được.
* Không chỉ tại ông trời
Tất nhiên, chuyện mưa lớn gây ngập cục bộ là “chuyện thường ngày” xảy ra nhiều năm qua ở TP.HCM mà hàng loạt các giải pháp: từ xây bờ bao, hồ điều hòa, đến khơi thông cống rãnh tốn tiền tỷ đồng hàng năm vẫn chưa thể giải quyết hết.
Điều đáng nói là chuyện ngập không hoàn toàn cho trời mưa lớn. Ông Lê Minh Hùng, Chủ tịch UBND phường 11, quận Tân Bình - nơi thường xuyên bị ngập - cho rằng, việc thi công kênh Tân Hóa - Lò Gốm đã thu hẹp dòng chảy thoát nước trong khu vực khiến nước rút chậm và gây ngập.
Thời gian qua, TP.HCM chỉ mới xử lý sự cố ngập chứ chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Bài toán “xóa ngập” từ nay đến năm 2015 của TP.HCM còn nhiều vướng mắc, trong đó có cả vướng mắc về cơ chế lẫn kinh phí. |
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM cũng cho biết thêm: “Những ngày qua do lượng mưa lớn và dồn dập, trong khi mặt bằng thi công đặt cống thoát nước ở khu vực gần đường Âu Cơ (quận Tân Phú) quá hẹp nên nước thoát không kịp, gây ngập đường Âu Cơ và Bàu Cát 9. Nhằm hạn chế thấp nhất nạn ngập nước trên các tuyến đường, ban quản lý dự án đã yêu cầu nhà thầu mở rộng rãnh thoát nước và tăng cường nhân công thu gom rác ở các miệng hố ga.”
Một nguyên nhân khác cũng được đề cập đến là việc các hồ thủy điện xả lũ. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, trong tuần qua, vào thời điểm mưa lớn, hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn và hồ Dầu Tiếng đều xả lũ với lưu lượng 500 - 1.000 m3/s.
* Bao giờ hết ngập?
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, trong năm qua, địa phương đã xóa cơ bản 8/10 điểm ngập ở khu vực đường: Gò Dưa, Quang Trung, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Đức Thọ, Lê Văn Sỹ… Tuy nhiên, có đến 14 điểm tái ngập do ảnh hưởng thi công dự án, trong đó có 7 điểm ngập nặng.
Trong thời gian tới, TP.HCM còn phải tiếp tục nạo vét cống thoát nước; duy tu các tuyến kênh rạch và cửa xả; sửa chữa hàng ngàn hầm ga, nắp cống, máng; mở rộng miệng thu nước nhiều hố ga, đồng thời vận động nhân dân tham gia nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh, rạch và cửa xả.
Những nỗ lực ấy vẫn như “muối bỏ bể” vì bên cạnh các công trình tiêu thoát nước, TP.HCM còn phải xây dựng sửa chữa các công trình giao thông. Bởi lẽ, tiến độ các công trình đường sá, cầu cống cũng ảnh hưởng lớn đến tình trạng ngập cục bộ trong mùa mưa.
Mạnh Trần