Từ năm 2008, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên thí điểm mô hình “Liên kết 4 nhà” tại 2 xã An Thạnh và Long Chữ, huyện Bến Cầu. Từ mô hình này, cánh đồng mẫu lớn được triển khai ở khắp các tỉnh, thành khác, nhiều hộ nông dân tự nguyện đăng ký tham gia.
Từ năm 2008, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên thí điểm mô hình “Liên kết 4 nhà” tại 2 xã An Thạnh và Long Chữ, huyện Bến Cầu. Từ mô hình này, cánh đồng mẫu lớn được triển khai ở khắp các tỉnh, thành khác, nhiều hộ nông dân tự nguyện đăng ký tham gia.
Trước đây, nông dân tại những cánh đồng của xã An Thạnh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh trồng lúa theo kiểu mạnh ai nấy làm. Vì thế, cây lúa là cây nông nghiệp chủ lực nhưng năng suất thấp.
* Hiệu quả từ cách làm mới
3 năm qua, ông Lữ Văn Vệ, một nông dân ở huyện Bến Cầu nhờ tham gia mô hình “Liên kết 4 nhà” mà năng suất ruộng lúa tăng lên nhiều. Ông Vệ kể lại: “Hồi trước làm lúa năng suất chỉ khoảng từ 5 tấn đến 5,5 tấn/hécta. Từ ngày tham gia mô hình “Liên kết 4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân), được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, năng suất ngày càng cao. Năm đầu áp dụng mô hình này đã cho năng suất lúa 6,5 tấn /hécta, năm sau đó lên 7 tấn/hécta, riêng vụ đông - xuân 2011 - 2012 là 8 tấn/hécta”.
Tham quan cánh đồng lúa theo mô hình “Liên kết 4 nhà” tại Tây Ninh. Ảnh: D.Anh |
Không chỉ năng suất lúa tăng mà chi phí sản xuất, phân bón, thuốc trừ sâu… cũng giảm đi rất nhiều. Mỗi hécta lúa theo mô hình này, nông dân thu lợi nhiều hơn cách làm cũ trên dưới 5 triệu đồng.
Điều đáng nói là với mô hình mới này, bà con nông dân đã có ý thức hơn trong việc sử dụng các loại thuốc hóa chất trên đồng rộng để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ thiên địch có lợi.
Mô hình liên kết này (còn có tên gọi là cánh đồng mẫu lớn) ở Tây Ninh cũng giúp bà con xóa bỏ dần lối sản xuất theo tập quán cũ bằng phương pháp canh tác tiên tiến hơn, có sự liên kết với nhau trong sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa đồng nhất, có chất lượng cao; thay đổi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, gây trở ngại cho việc tiến hành cơ giới hóa trong quá trình sản xuất và thu hoạch.
Hiện nay, nông dân trồng lúa ở Tây Ninh đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác cũ và biết dùng chung giống lúa, sạ thưa, sạ hàng, xử lý dịch hại đúng kỹ thuật, bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa.
Anh Lê Hoàng Nam, một nông dân ở huyện này, cho biết thêm: “Hiện nay, bà con không còn gieo sạ quá dày, quá nhiều nên giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón. Điều đáng mừng là lúa được gieo trồng theo mô hình mới không chỉ cho năng suất cao mà chất lượng hạt lúa cũng tốt nên bán được giá hơn, bà con rất phấn khởi”.
* Khi mô hình được nhân rộng
Từ thành công ở Bến Cầu, UBND tỉnh Tây Ninh quyết định mở rộng quy mô của mô hình lên gần 600 hécta với 455 hộ tham gia trên địa bàn 4 huyện: Trảng Bàng, Gò Dầu, Bến Cầu và Châu Thành. Và từ thành công ở Tây Ninh, tháng 3-2011, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã quyết định xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cả nước.
Trong vụ hè - thu 2011, đã có 6.400 hộ nông dân ở 13 tỉnh Nam bộ tham gia (trên 7.800 hécta), trong đó An Giang là tỉnh dẫn đầu với hơn trên 3.800 hécta, Tây Ninh đứng thứ hai với trên 920 hécta.
Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Tây Ninh là tỉnh tham gia cánh đồng mẫu lớn bắt đầu từ năm 2008. Lúc đầu tỉnh chỉ áp dụng mô hình này cho khoảng hơn 30 hécta nhưng nay đã lên đến 2 ngàn hécta. Đến nay, tỉnh đã có nhiều cánh đồng lúa năng suất cao từ mô hình này. Cục Trồng trọt đánh giá rất cao về những thành quả này. Chúng tôi coi Tây Ninh là tỉnh khởi đầu, đồng thời đây cũng là nền để hỗ trợ phát triển cánh đồng mẫu lớn trong khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh khác”.
Tại hội nghị đánh giá về tình hình sản xuất lúa vụ đông - xuân 2011 - 2012 và phát triển mô hình “Cánh đồng mẫu lớn Đông Nam bộ” được tổ chức vào đầu năm 2012 tại Tây Ninh, các chuyên gia nông nghiệp nhận định: Mô hình cánh đồng mẫu lớn bước đầu cho thấy mô hình phát huy hiệu quả, như: tăng năng suất, đảm bảo khâu tiêu thụ ổn định... Đặc biệt, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng gạo đồng nhất và giảm chi phí trung gian nên từ đó kinh doanh đạt hiệu quả cao.
Diệu Anh