Bắt đầu từ 20 giờ, khi mọi mái ấm gia đình tề tựu bên tivi để hưởng niềm vui sum họp hoặc chìm trong giấc ngủ ấm áp sau một ngày lao động, học tập thì những công nhân quét rác bắt đầu “ngày” làm việc của họ trên các con đường TP.Hồ Chí Minh.
Bắt đầu từ 20 giờ, khi mọi mái ấm gia đình tề tựu bên tivi để hưởng niềm vui sum họp hoặc chìm trong giấc ngủ ấm áp sau một ngày lao động, học tập thì những công nhân quét rác bắt đầu “ngày” làm việc của họ trên các con đường TP.Hồ Chí Minh.
Công việc đơn điệu này không chỉ nhọc nhằn mà đôi lúc còn cực nhục vì những hành vi thiếu ý thức của cư dân đô thị.
* Nhọc nhằn nghề quét rác đêm
Sau những cơn mưa kéo dài trong đợt ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới 2 tuần qua, trong cái lạnh của mưa đêm, công nhân vệ sinh ở TP.Hồ Chí Minh nhiều nơi phải làm việc gấp đôi trong những tuyến đường bị ngập vì rác bẩn “tự nhiên ùa về”. Chị Bế Thị Lan, một công nhân dọn rác trên đường Nguyễn Hữu Cảnh nói rằng, ngay cả khi có sự kiện lớn như đội bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan thì dọn rác cũng không cực bằng dọn rác sau ngập. Bởi sau mưa, rác kèm với bùn, vừa hôi thối, vừa khó thu gom”.
Công nhân vệ sinh ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: L. Nguyễn |
Có những công nhân làm trong nghề này đã 15 năm, “cha truyền con nối”. Anh Nguyễn Văn Hai, 28 tuổi, đã có 4 năm làm nghề quét rác theo nghề của mẹ, kể rằng: “Công việc của chúng tôi từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, tùy ngày. Nhiệm vụ của mỗi người là phải thu gom hết rác trên mấy đoạn đường dài 3km”.
Với những người trẻ như anh Hai, quét rác không mệt, không vất vả lắm nhưng khổ nhất là “vừa quét xong quay lại đã thấy có rác… mới”. Mà theo anh, chuyện này trở thành chuyện gặp hàng ngày.
Nhiều người làm nghề quét rác thuộc lòng từng cung đường họ phụ trách. Ông Lê Năm, một công nhân quét rác ở TP.Hồ Chí Minh cho hay, ông nhớ từng cột điện nào nhiều rác, từng ổ gà nhỏ, vũng nước trên đoạn đường mình phụ trách. Do vậy, ông phải chọn “phương án” quét và gom rác hợp lý cho đỡ cực. Mỗi mùa mưa, nắng cũng có cách quét rác khác nhau, thức khuya dậy sớm khác nhau.
* Nghề nguy hiểm
Ai đã từng dọn rác thải có nguồn lây nhiễm bệnh, như: bơm kim tiêm, bông băng gạc… do con nghiện hay dân “xã hội đen” bỏ lại đều rùng mình. Chỉ một phút sơ sẩy là có thể bị kim đâm dù họ đã được trang bị đôi găng tay. Xác động vật chết hay các loại chất thải của những người kém ý thức cũng là nỗi ám ảnh kinh người của công nhân vệ sinh sau giờ lao động!
Tình trạng lô cốt, bùn đất, xi măng công trình vương vãi khắp đường, ổ gà hố ga xuất hiện thêm… từ các công trình giao thông cũng góp thêm vào nỗi nhọc nhằn và nguy hiểm cho công nhân quét rác. Đôi lúc, công nhân vệ sinh còn phải hứng chịu nhiều đống bùn lớn do các xe đổ trộm giữa đêm trên đoạn đường mình phụ trách.
Anh Trần Thời, công nhân quét rác ở quận 11 kể rằng: "Dù quét rác ban đêm và có dùng khẩu trang nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận mùi bụi từ các xe ben. Bùn khi còn ướt thì hốt gọn nhưng khi khô đi thì phải dùng chổi quét bụi cũng đầy bụi. Tôi cũng lo lắm vì các bác sĩ nói tiếp xúc với bụi nhiều dễ gây ung thư phổi khi về già".
Ngoài bụi và bùn, dân quét rác còn sợ bê tông rơi vãi. "Bê tông rớt xuống đường một thời gian ngắn thì cứng và bám chặt vào lòng đường, quét không được, phải dùng vật cứng cào ra" - anh Thời nói thêm.
Nước và rác trong mùa mưa cũng là nỗi ám ảnh bệnh tật của công nhân nữ. Nhưng điều nguy hiểm dễ thấy trong nghề quét rác là thức đêm. Đa phần những công nhân lớn tuổi chọn quét rác vào thời gian gần sáng cũng vì sợ nỗi nguy hiểm của nghề làm đêm!
Nỗ lực tuyên truyền nếp sống văn minh đô thị chưa đạt kết quả khả quan khi chuyện vứt rác bừa bãi vẫn còn xảy ra thường xuyên. Một đêm theo chân những người công nhân quét rác ở Sài thành, chúng tôi thấy rõ điều đó. Bao ny-lông, giấy và vỏ chai nước giải khát là những thứ được người ta vứt ra đường nhiều nhất.
Điều đáng buồn là có khi, nhát chổi của người công nhân chưa kịp “nguội” trên đường thì cũng đã có kẻ xả rác ngay sau đó. Sau những cuộc vui “bay đêm” của công dân trẻ khi có sự kiện bóng đá chẳng hạn, rác ngập đường, trong số rác ấy có khi còn có cả cờ đỏ sao vàng của những kẻ thiếu ý thức vứt đi.
Giá như những chủ các công trình xây dựng, các tài xế xe tải ý thức hơn trong việc giữ vệ sinh môi trường và từng người dân thành phố không tiện tay vứt rác bừa bãi, thì cuộc sống của những công nhân quét rác đỡ cơ cực hơn, họ sẽ có thời gian cho gia đình nhiều hơn.
Lam Nguyễn