Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh Khó khăn chồng chất

07:10, 09/10/2012

Lòng dân đã thuận nhưng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Tây Ninh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Lòng dân đã thuận nhưng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Tây Ninh hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Ông Trần Văn Nghi, nông dân ở xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, người đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để mở rộng đường giao thông nông thôn tâm sự: “Khi địa phương đến vận động, tôi vui vẻ hiến đất để làm con đường đi qua trên đất nhà tôi. Tôi thấy địa phương mở mang đường sá, bà con đi lại dễ dàng nên phấn khởi lắm”.

* Vốn và chuyện… “đầu tiên”

An Bình là một trong 25 xã được tỉnh Tây Ninh chọn thí điểm chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, An Bình chỉ mới thực hiện hoàn thành 4 tiêu chí. So với bộ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã này còn thiếu rất nhiều, như: chợ nông thôn, bưu điện…; đường giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất.

Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Tây Ninh. Ảnh: D. Anh
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Tây Ninh. Ảnh: D. Anh

Để thực hiện xây dựng nông thôn mới, An Bình còn cần sự đóng góp kinh phí của nhân dân và sự hỗ trợ của cấp trên. Thế nhưng, mỗi năm xã chỉ được hỗ trợ 300 triệu đồng để xây dựng nông thôn mới, không thấm vào đâu so với nhu cầu. Nếu cứ trông vào 300 triệu đồng hàng năm thì không biết đến bao giờ mới có chợ, đường, bưu điện… Vì thế, việc xây dựng nông thôn mới ở một xã thuần nông, lại có xuất phát điểm rất thấp như An Bình là vô cùng khó khăn.

An Bình không là trường hợp cá biệt. Đến nay, ở Tây Ninh, hầu hết các địa phương đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này, đều gặp khó trong việc huy động vốn.

* Muôn thuở vấn đề quy hoạch

Ông Lê Thanh Vân, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã An Bình lại đặc biệt quan tâm đến những bất hợp lý của một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Ông  Vân cho biết, trong 4 ấp của xã An Bình, có 2 ấp nằm gần chợ của các xã bên cạnh nên họ sử dụng chợ của các xã này. 2 ấp còn lại nằm ở trung tâm xã nhưng dân cư lại rất thưa nên cũng không cần thiết phải xây dựng. “An Bình cũng là xã khó khăn về vật chất nhưng xã chúng tôi lại rất gần trung tâm huyện và tỉnh nên không hề thiếu thông tin. Hiện nay, hầu hết mỗi hộ dân đều có mạng internet, và có 2 - 3 điện thoại di động. Chúng tôi xây bưu điện thì cũng chỉ để bỏ hoang mà thôi” - ông Vân cho hay.

Đến cuối tháng 6 vừa qua, sau hơn 3 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Tây Ninh vẫn chưa có xã nào được duyệt đồ án quy hoạch.

Cùng với đó, bộ tiêu chí quốc gia quy định xã nông thôn mới phải giảm lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp xuống còn chưa tới 20%. Trong khi đó, nhiều xã khu vực nông thôn, tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm tới một nửa, đặc biệt như An Bình thì chiếm đến 90%. Mỗi khi vào vụ thu hoạch, các địa phương này đều phải đi thuê lao động ở nơi khác đến. Nếu giảm lao động nông nghiệp cho đạt chuẩn thì không biết ruộng vườn để cho ai và lao động phi nông nghiệp sẽ đi đâu, làm gì?

Ông Nguyễn Văn Lỹ, Chủ tịch UBND huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh nói: “Việc tiến hành quy hoạch nông thôn mới ở Hòa Thành hiện nay rất chậm, đến nay mới chỉ có một vài xã hoàn thành và gửi lên Sở Xây dựng thẩm định. Sau một thời gian chờ đợi thì sở trả lời là bản quy hoạch chưa đạt và phải quy hoạch lại. Với tình hình này thì không biết phải chờ quy hoạch đến bao giờ”.

Diệu Anh

 

 

 

Tin xem nhiều