Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ

Trung Nghĩa
09:58, 11/08/2023

Ngày 13-8 tại TP.HCM diễn ra buổi trò chuyện về nhà văn Sơn Nam và các tác phẩm của ông nhân dịp ra mắt hai tựa sách mới: Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ và Đi và ghi nhớ (NXB Trẻ).

Nhà văn Sơn Nam (1926-2008)
Nhà văn Sơn Nam (1926-2008)

Đại diện gia đình nhà văn Sơn Nam cùng thân hữu, các tác giả có đóng góp cho việc ra đời hai quyển sách cùng hội ngộ trong dịp này. Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ gồm những bài viết độc đáo, riêng tư và nhiều điều thú vị ít ai biết về nhà văn. Còn Đi và ghi nhớ là tập hợp những bài viết giá trị của Sơn Nam trên Tạp chí Xưa & Nay có giá trị tham khảo cao cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa truyền thống cũng như bất cứ ai yêu mến nhà văn Nam bộ này.

* Những góc đời quen lạ về Sơn Nam

150 trang ở tập sách Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ mang đến cho bạn đọc cái nhìn đa chiều về nhà văn lúc sinh thời, thông qua nhiều bài viết từ những bạn văn, bạn báo thân thiết và rất mực yêu quý, nể trọng Sơn Nam: Lý Lan, Phạm Sỹ Sáu, Võ Đắc Danh, Ngô Khắc Tài, Nguyễn Trọng Chức, Lam Điền…

Nhà văn Lý Lan lần theo Hương rừng Cà Mau để tìm về quê quán sinh ra của Sơn Nam (tên thật là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11-12-1926 tại Rạch Giá). Bà nhận định Sơn Nam “góp sức làm phong phú “quốc văn” bằng tài năng ngôn ngữ đặc sắc của một người Việt ở phương Nam, chứ không nhằm tạo ra vẻ Nam bộ hay nét địa phương cho văn chương của ông. Và đây là đóng góp lớn nhất của ông vào văn học và ngôn ngữ Việt Nam”.

Mỗi tác giả này đều có những kỷ niệm, quan sát, nhìn nhận về nhà văn Sơn Nam một cách độc đáo và lý thú. Những hồi nhớ kỷ niệm mang tính “giao tình mật thiết” về nhà văn giúp người đọc thêm hình dung rõ ràng hơn về cá tính, phong cách sinh hoạt, làm việc, giao đãi và đối nhân xử thế “ít tiền mà hào sảng” của ông.

Đặc biệt nhất ở tập sách này chính là những trang hồi ức, bài viết lần đầu tiên được tiết lộ từ chính người con gái lớn của nhà văn Sơn Nam - bà Đào Thúy Hằng. Không phải là cây bút văn chương chuyên nghiệp, bà Thúy Hằng chỉ giản dị ghi chép lại từ góc nhìn ruột rà gia đình về người cha nổi tiếng với hào quang văn nghiệp.

Trong ký ức tuổi thơ của bà Hằng, nhà văn Sơn Nam là người bình dị, tràn đầy yêu thương với người thân lẫn bạn hữu. Ông cũng là người có tố chất độc đáo riêng biệt. Vậy những “bí mật”, góc khuất sâu kín và sự thi vị đằng sau những trang viết văn chương, nghiên cứu, khảo cứu của một tên tuổi lớn như Sơn Nam là gì? Khi làm chồng, làm cha của Sơn Nam có gì đặc biệt? Cuộc đời nhiều phồn tạp thăng trầm với gió sương và năm tháng của ông được nhìn nhận từ phía gia đình ra sao?

Ấn phẩm viết về nhà văn Sơn Nam nhân kỳ giỗ thứ 15 của ông
Ấn phẩm viết về nhà văn Sơn Nam nhân kỳ giỗ thứ 15 của ông

* Khi Sơn Nam đi và ghi nhớ

Đi và ghi nhớ là tựa sách mới nhất trong bộ hơn 20 tác phẩm của Sơn Nam mà NXB Trẻ đã hệ thống, biên tập và lần lượt ấn hành sau khi mua toàn bộ tác quyền sách của nhà văn Sơn Nam từ tháng 4-2003. Tác phẩm dày hơn 300 trang, tập hợp 58 bài viết khảo cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, tập quán, ẩm thực của con người Sài Gòn - Nam bộ của nhà văn Sơn Nam từng đăng báo, trong đó có nhiều bài in trên Tạp chí Xưa & Nay cuối thập niên 1990.

“Ba tôi là vậy, rất dân dã đời thường. Thấy chuyện gì cần làm thì làm, không để ý xung quanh, ai khen chê gì cũng kệ” - bà ĐÀO THÚY HẰNG, con gái nhà văn Sơn Nam, viết về cha mình.

Chưa có nghiên cứu thống kê nào đầy đủ tất cả những bài viết và tác phẩm của nhà văn Sơn Nam viết trong sự nghiệp hơn 60 năm cầm bút của ông. Thế nhưng rất nhiều đoạn văn “kinh điển” được Sơn Nam viết ra hẳn mang giá trị trường tồn. Ví dụ như ông viết đại ý có được vùng đất Nam bộ, vùng đất Sài Gòn - Gia Định ngày nay là nhờ “công ơn của tổ tiên thật là to lớn”.

Sơn Nam đã sống và gắn bó “hết lòng hết dạ” với mảnh đất Nam bộ nói chung và Sài Gòn - TP.HCM nói riêng. Thông qua các công trình nghiên cứu, bài báo hay truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết…, ông góp công gìn giữ nhiều giá trị phong thổ vùng miền, lịch sử văn hóa địa phương. Đọc lại những bài báo phong phú về đề tài, tinh tế về chi tiết, sắc sảo về văn phong của Sơn Nam cách đây từ nửa thế kỷ, cảm nhận tình yêu quê hương đất nước, con người Việt Nam vô bờ bến của tác giả.

Ảnh tư liệu về Sơn Nam trong sách Đi và ghi nhớ
Ảnh tư liệu về Sơn Nam trong sách Đi và ghi nhớ

Sơn Nam còn được kính trọng bởi tố chất xông pha đi đó đi đây, thích quan sát, trải nghiệm và ghi chép cụ thể, cẩn thận. Dẫu cho đời sống vật chất không mấy dư dả, có lúc nhiều khó khăn, vất vả, song dấu chân Sơn Nam vẫn bước đến và để lại khắp nơi. Biệt danh “Ông già đi bộ” mà mọi người đặt cho Sơn Nam lẽ đó mà thành. Vừa là thực tế, vừa hàm ý ngưỡng mộ nhà văn luôn lặng lẽ đi và ghi lại những điều giản dị mắt thấy tai nghe trong cuộc sống bằng giọng văn sinh động, hấp dẫn và lôi cuốn bậc nhất.

Về với Bến Tre

Trong bài báo Về với Bến Tre in trong sách Đi và ghi nhớ, nhà văn Sơn Nam viết: “Bến Tre là nơi dân trí cao. Ở góc biển Ba Tri, những phần mộ cụ Đồ Chiểu, cụ Phan Thanh Giản, cụ Võ Trường Toản gom lại, không xa nhau… Tính cần cù, óc sáng tạo xoay trở để sống của vùng đồng bằng được biểu lộ tại Bến Tre hơn ở đâu hết”.

Khi đến thăm Vườn cò Ba Tri, nhà văn sửng sốt khi chứng kiến cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú “hàng vạn chim cò che kín chân trời” nơi rừng chà là bạt ngàn, quanh năm xanh mướt. Sơn Nam tấm tắc khen: “Đứng về chất lượng thì “sản phẩm du lịch” nầy của Bến Tre khó nơi nào sánh kịp. Ta liên tưởng đến đất trời sơ khai, chim cò có trước, người khẩn hoang đến sau!”.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều