Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng tầm kỹ năng cho người lao động

20:12, 11/08/2023

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát đã bộc lộ khá nhiều lỗ hổng ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, trình độ và kỹ năng của người lao động (NLĐ) Việt Nam gặp khó khăn lớn khi dịch chuyển việc làm, nhất là với những lao động phổ thông. Điều này dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trong khi lưới an sinh chưa đủ sức đảm đương chống đỡ rủi ro cho NLĐ, dẫn tới một bộ phận NLĐ không còn thu nhập, chật vật xoay xở với cuộc sống.

Nguồn lao động dồi dào, giá rẻ từng là lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thế nhưng hiện nay, khi cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, thế mạnh này trở thành hạn chế lớn bởi chúng ta quá thiếu lao động kỹ thuật cao trong khi lại dư thừa quá nhiều lao động kỹ năng thấp. Nguồn lao động có kỹ năng, trình độ, tay nghề trở thành hàng hiếm, được doanh nghiệp (DN) trọng dụng nhưng tìm đỏ mắt vẫn không đáp ứng đủ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lệch pha giữa cung - cầu lao động nhiều năm qua của Việt Nam vẫn là thiếu sự chủ động, liên kết, phối hợp xem thị trường cần gì để cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nấy. Bởi thế, trong khi DN cần lao động ở những ngành như cơ khí, điện tử, trường nghề lại tập trung đào tạo nghề may, mộc. Học viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc kể cả khi được tiếp nhận, buộc phải học lại từ đầu. Một thời gian dài, hầu hết các DN đều phải dành nguồn kinh phí để đào tạo lại nghề cho NLĐ trước khi để họ làm việc chính thức.

Sự nhanh nhạy, linh hoạt, nắm bắt thị trường tốt của một số cơ sở giáo dục gần đây đã thực sự tạo nên diện mạo mới cho công tác đào tạo nghề. Cùng với tâm lý chọn ngành, chọn nghề của học sinh bắt đầu có sự thay đổi, từ mong muốn phải học lên đại học đến học một nghề sớm có thu nhập và vẫn có khả năng học cao lên, trường nghề đã bắt tay với DN cùng các đối tác tiếng tăm trên lĩnh vực này. Nhờ đó, học viên học nghề không những được học những nghề DN đang cần mà còn có khả năng làm việc ở những thị trường lao động khó tính như Nhật Bản hay Đức.

Tất nhiên, việc nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ không chỉ phụ thuộc vào cơ sở đào tạo, DN tiếp nhận lao động mà quan trọng hơn chính là từ ý thức của mỗi lao động. Nếu không nỗ lực, phấn đấu để trở thành những người thợ lành nghề, được DN trọng dụng, có thu nhập tương xứng thì NLĐ sẽ mãi mãi chỉ là những lao động giản đơn mà đối tượng lao động này, trong tương lai không xa sẽ dễ bị thay thế bởi máy móc. Khi đó, khả năng NLĐ mất việc làm là khá cao.

Việt Nam đang đặt ra mục tiêu nâng tầm kỹ năng cho NLĐ nhằm phát triển nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bắt kịp, tiến cùng trình độ của thế giới. Để đạt được mục tiêu này không đơn giản nhưng là nhiệm vụ cấp bách, cần thực hiện bài bản nếu không muốn tụt hậu khá xa so với khu vực và thế giới.

Nguyễn Phượng

 

 

Tin xem nhiều