Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người lính Điện Biên ngày ấy…

09:05, 06/05/2023

Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, tạo thuận lợi cho miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.

Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, tạo thuận lợi cho miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.

Ông Lê Văn Mậu (thứ hai từ trái qua) trò chuyện với các cựu chiến binh cuối tháng 4-2023. Ảnh: N.HÀ
Ông Lê Văn Mậu (thứ hai từ trái qua) trò chuyện với các cựu chiến binh cuối tháng 4-2023. Ảnh: N.HÀ

Gần 7 thập kỷ qua, những chàng thanh niên mười tám, đôi mươi ngày ấy giờ đã là những cụ ông chân yếu, mắt mờ nhưng khi nhắc về chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, họ vẫn nhớ như in kỷ niệm của những ngày gian khó “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”… để làm nên “Vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” của thế kỷ XX.

* Như ngày hôm qua…

Trong căn nhà tại ấp 2, xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) mang tên tiệm may Ngọc Hà, cựu chiến binh (CCB) Lê Văn Mậu, 90 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng khi nghe tin chúng tôi đến tìm hiểu về kỷ niệm của “Điện Biên ngày ấy”, dù rất mệt nhưng đã ngồi dậy, nói con cháu mang bộ quần áo “một thời Điện Biên” để ông mặc “còn chụp hình cho đẹp”. Chia sẻ câu chuyện kháng chiến, ông Mậu kể rằng, đó là giai đoạn gian khổ, ác liệt nhưng tinh thần dân tộc, quyết tâm kháng chiến, quyết thắng giặc xâm lăng luôn cao hơn hết thảy.

CCB Lê Văn Mậu nhớ lại: “Khi chúng tôi được nghe phương châm chỉ đạo của Tổng tư lệnh, đại tướng Võ Nguyên Giáp về kế hoạch đánh Điện Biên Phủ, anh em chúng tôi vui mừng vì đây là trận cuối cùng quyết định số phận quân Pháp đang sa lầy tại Việt Nam nên tinh thần quyết tâm chiến thắng giặc lúc đó cao lắm”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13-3 và kết thúc vào 7-5-1954. 56 ngày, đêm bộ đội ta “khoét núi, ngủ hầm…”, gian khổ, hy sinh làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau giải phóng Điện Biên, ông Mậu được biên chế về Đại đội 46, Tiểu đoàn 36, Đoàn Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong giai đoạn 1960-1964. Mỗi năm nhắc nhớ về chiến thắng Điện Biên Phủ, ông luôn nhớ về đồng chí, đồng đội một thời đạn bom khói lửa.

Lần mở những kỷ niệm của một thời trận mạc, CCB Lê Thiếu Lang, Trưởng ban Liên lạc CCB Điện Biên Phủ tỉnh Đồng Nai cho biết: “Vào đúng 17 giờ ngày 13-3-1954, Đại đoàn Công pháo 351 của quân đội ta phát hỏa tấn công cứ điểm Him Lam - cánh cửa mở vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng là đợt mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. 56 ngày sau, vào 17 giờ ngày 7-5-1954, tướng De Castries và toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống; lá cờ quyết chiến, quyết thắng tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy địch, báo hiệu sự toàn thắng cho những người lính xuất thân nông dân cày ruộng như chúng tôi”.

CCB Lê Thiếu Lang, nguyên chính trị viên Trung đoàn Sơn pháo 675 thuộc Đại đoàn Công pháo 351 trực tiếp tiêu diệt các trận địa pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại: “Lúc đó, tôi còn là một chiến sĩ rất trẻ, được trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là một may mắn lớn. Thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ sắp diễn ra, ai cũng mong được vào trận quyết chiến cuối cùng để đuổi thực dân đế quốc ra khỏi đất nước”.

* Bài học ý nghĩa

Theo đại tá Nguyễn Như Trúc, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, 69 năm qua, dấu son Điện Biên Phủ vẫn mãi mãi là “vành hoa đỏ, thiên sử vàng” trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc; là bài học vô giá trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đại tá Nguyễn Như Trúc cho rằng, thực tế lịch sử dân tộc đã minh chứng, với quyết tâm bảo vệ trọn vẹn độc lập, chúng ta đã đánh bại âm mưu phá hoại Hiệp định Genève, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ để tạo thuận lợi về sau.

Tiếp nối thắng lợi của Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã viết tiếp bản hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh, lập công hiển hách Điện Biên Phủ trên không năm 1972, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua đó, minh chứng thực tiễn dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Nhân dân ta đồng lòng quyết tâm kế thừa truyền thống Điện Biên năm xưa trong việc đánh thắng các thế lực xâm lăng, giành toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 7 cho rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc vàng lịch sử trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Với sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta cùng vị Tổng tư lệnh mặt trận đại tướng Võ Nguyên Giáp, hàng ngàn người lính Cụ Hồ đều một lòng, cùng hướng về mục tiêu chung đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập trọn vẹn của Tổ quốc.

Qua 56 ngày đêm khó khăn gian khổ, thông qua tác chiến phù hợp, sáng tạo, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, sự tập trung lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch, bằng quyết tâm cao độ; cùng 3 đợt tấn công bất ngờ, sấm sét theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” các lực lượng của quân đội ta đã đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một pháo đài mà thực dân Pháp khẳng định là “không thể công phá” và “bất khả xâm phạm”.

Kết quả, ta đã bắt sống tướng De Castries, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 16 ngàn tên địch, tịch thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng, phương tiện của địch và giành thắng lợi vang dội. Đây là thắng lợi của chính nghĩa, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có hàng ngàn CCB đã từng vào sinh ra tử, đã phải “khoét núi, ngủ hầm…” mới đến ngày toàn thắng vinh quang. Những CCB Điện Biên Phủ còn sống là những nhân chứng lịch sử sinh động để giáo dục truyền thống cách mạng, nêu cao ý thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá HUỲNH CÔNG PHÚC, Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh: Khai thác hiệu quả nguồn tư liệu quý giá

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam.

Trong đó, nhiều CCB với những câu chuyện xúc động như vừa mới diễn ra chính là nguồn tư liệu quý phải tập trung khai thác, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay, trong đó có cán bộ, hội viên CCB, nhằm giữ gìn và phát huy tốt bản chất Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới.

Nguyệt Hà

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích