Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần thêm những điểm hẹn văn hóa

10:05, 20/05/2023

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15-5-2023 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 15-5-2023 phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025.

Theo quyết định này, Chính phủ giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định, cũng như có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa tại địa phương. Trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất, xác định cụ thể nhu cầu về diện tích và vị trí đất dành cho xây dựng công trình văn hóa; dành quỹ đất hợp lý tại các vị trí thuận lợi để đầu tư mới các công trình văn hóa trong khuôn khổ Chương trình; đối với các khu đô thị mới, ưu tiên bố trí diện tích và vị trí đất cho xây dựng các công trình văn hóa trong khuôn khổ Chương trình…

Thực tế, câu chuyện dành quỹ đất hợp lý tại các vị trí thuận lợi để đầu tư mới các công trình văn hóa không phải là mới nhưng luôn là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền lẫn người dân.

Tại Đồng Nai, những năm qua, bên cạnh chú trọng quy hoạch, xây dựng nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư hiện đại, quy mô, thì tỉnh cũng chú trọng phát triển các công trình văn hóa, xã hội, dân sinh, xã hội như: trường lớp, trạm y tế, trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao công đồng… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về an sinh xã hội, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Ngày càng có nhiều trung tâm văn hóa được xây dựng, các công viên được mở rộng… trên địa bàn, trở thành điểm hẹn của rất nhiều người dân đến vui chơi, tập thể dục thể thao, thư giãn… Ngoài ra, nhiều trung tâm, cơ sở văn hóa, thể thao, giải trí do tư nhân tổ chức cũng phát triển không ngừng, góp phần phục vụ đa dạng nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Bởi lẽ, nhìn vào lượng người dân đến công viên Dương Tử Giang vào mỗi tối để vui chơi hóng mát, hay hội chợ sách tại công viên Biên Hùng rất đông cho thấy nhu cầu hưởng thụ, sinh hoạt văn hóa tại các không gian văn hóa được tổ chức bài bản, quy mô như trên vẫn rất lớn. Người dân vẫn rất “khát” những điểm đến cuối tuần mới mẻ, bài bản, hiện đại và quy củ.

Là tỉnh phát triển công nghiệp mạnh mẽ, từ lâu, Đồng Nai luôn là nơi “đất lành chim đậu”, thu hút hàng trăm ngàn người lao động nhập cư cùng gia đình họ đến sinh sống, lao động và học tập. Đây là lực lượng đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán về đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ các không gian văn hóa, của lực lượng công nhân lao động nói riêng và người dân nói chung. Với hơn 3,2 triệu dân, trong đó có đến hơn 1,2 triệu công nhân lao động, nhưng Đồng Nai vẫn chưa có khu phức hợp thiết chế văn hóa quy mô dành riêng cho công nhân lao động như kỳ vọng; các khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em tại các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa đã có nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu… Đơn cử như đến hẹn lại lên, việc cho trẻ học gì, chơi gì để 3 tháng hè của trẻ thực sự an toàn, bổ ích và thiết thực, luôn là nỗi bận tâm của nhiều bậc cha mẹ học sinh, nhất là đối với lực lượng công nhân lao động có điều kiện kinh tế - thời gian hạn hẹp.

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh vào tháng 2-2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng gợi mở, Tỉnh ủy có chỉ đạo cho Tỉnh đoàn thực hiện đề án về phát triển thanh niên, trong đó có xây dựng nhà văn hóa thanh niên; ở cấp tỉnh, chúng ta có Nhà thiếu nhi Đồng Nai, cấp huyện, có nhà văn hóa thiếu nhi ở huyện, để đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của thanh thiếu nhi… Đối với tỉnh có lực lượng lao động hiện nay rất đông, đặc biệt là các khu công nghiệp, chúng ta nên có ý tưởng làm nhà văn hóa công nhân.

Chắc chắn, còn rất nhiều khó khăn trong triển khai đầu tư các công trình công cộng nói chung và công trình, thiết chế văn hóa nói riêng, với nhiều nguyên do từ: qũy đất, nguồn vốn, quy hoạch… Hơn thế, để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống xã hội, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Ngay trong Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025, Chính phủ đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về văn hóa, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đồng thời phổ biến, truyền thông nâng cao nhận thức về Chương trình; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ của nhân dân; phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa; phát triển các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng…

Với sự quyết tâm, chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, hy vọng thời gian tới, diện mạo Biên Hòa - Đồng Nai không chỉ hiện đại, khang trang mà còn có thêm nhiều công trình văn hóa hơn nữa, trở thành điểm hẹn sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa lý tưởng dành cho các tầng lớp nhân dân.

Thùy Trang

Tin xem nhiều