Báo Đồng Nai điện tử
En

Cao tốc phía Đông và những cung đường rộng mở

09:05, 27/05/2023

Nghe một anh bạn cho hay đi từ TP.HCM lên Đà Lạt bằng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chưa đến 5 giờ đồng hồ làm không ít người tò mò. Chúng tôi quyết định thử làm một chuyến đi nối từ các tuyến cao tốc vào quốc lộ (QL) 55, 28B để khám phá những cung đường mới và quả thật, qua chuyến đi càng cho thấy vai trò quan trọng của giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội như đi lại, phát triển du lịch và lưu thông hàng hóa.

Nghe một anh bạn cho hay đi từ TP.HCM lên Đà Lạt bằng cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chưa đến 5 giờ đồng hồ làm không ít người tò mò. Chúng tôi quyết định thử làm một chuyến đi nối từ các tuyến cao tốc vào quốc lộ (QL) 55, 28B để khám phá những cung đường mới và quả thật, qua chuyến đi càng cho thấy vai trò quan trọng của giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội như đi lại, phát triển du lịch và lưu thông hàng hóa.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa đưa vào sử dụng đã thu hút đông xe cộ lưu thông. Ảnh: V.Phong
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vừa đưa vào sử dụng đã thu hút đông xe cộ lưu thông. Ảnh: V.Phong

* Nhiều tuyến QL được kết nối

Chúng tôi xuất phát từ Q.7, TP.HCM lúc 15 giờ, chọn lộ trình qua cầu Phú Mỹ để không đi qua nội đô TP.HCM, chỉ non 1 giờ sau đã đi hết tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Một vòng xoay lớn đã được xây dựng để kết nối với tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Cho xe chạy vào làn thu phí ETC, tôi hơi giật mình vì nghĩ trạm này đã thu phí rồi dù hôm 29-4 khánh thành, nhà chức trách cho biết tạm thời chưa thu phí. Nhưng khi qua khỏi Trạm thu phí đầu tuyến mới biết là thu cho quãng đường từ nút giao Mỹ Thủy đến Dầu Giây hết 78 ngàn đồng. Đường mới làm phẳng phiu, còn đen bóng màu nhựa nóng và cũng chưa nhiều xe. Xe chạy khá ngọt nhưng nhiều đoạn xe thi công công trình, kể cả xe máy vẫn đang chạy ngược chiều khá nguy hiểm nên cũng không thể chạy bình quân 80km/giờ như quy định.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (đoạn qua tỉnh Bình Thuận) thông xe chính thức từ ngày 29-4-2023
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (đoạn qua tỉnh Bình Thuận) thông xe chính thức từ ngày 29-4-2023

Đến địa phận Hàm Tân, chúng tôi tìm đường rẽ vào QL 55. Đã có sẵn bảng chỉ dẫn nhưng đường nhánh rẽ vẫn đang thi công nên chúng tôi phải chờ xe của người dân địa phương đi dò đường trước rồi mới dám đi theo và chỉ vài phút sau đã vòng lên QL 55 để đi Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc (QL 20). Xe qua những địa danh Tà Pao, Sông Phan của tỉnh Bình Thuận và bắt đầu vượt những cung đường đèo. Đường khá tốt, vắng nên lái xe chỉ việc bám đường mà leo đèo dốc. Sang đến địa phận H.Bảo Lâm (Lâm Đồng) thì trời bắt đầu tối, đường bắt đầu gồ ghề. Vừa đường xấu vừa dân cư hai bên đường ở đông đúc dần nên không thể đi nhanh mà phải căng mắt ra để né ổ gà, vũng nước. Cách QL 20 khoảng 4km thì đường khá hơn và khi thấy được QL 20 thì cảm giác xem như “vừa thoát nạn”. Chúng tôi về đến Đà Lạt khi đồng hồ chỉ 21 giờ 30, trừ đi thời gian dừng chụp ảnh dọc đường thì thời gian đi thực tế chỉ 6 tiếng, nhanh hơn gần một giờ đồng hồ so với đi từ TP.HCM đến Dầu Giây rẽ vào QL 20   

Chuyến về, chúng tôi chọn đi theo QL 28B qua ngã ba Đại Ninh (H. Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) để đi Phan Thiết. Vừa qua khỏi ngã ba được vài km thì đường xấu dần kéo dài đến hết đèo Đại Ninh dài vài chục km, nhất là phía bên kia đỉnh đèo (địa phận Bình Thuận). Ổ gà chi chít, nhiều đến nỗi không né hết, lâu lâu vẫn bị dính. Bù lại khung cảnh thiên nhiên thì đẹp tuyệt vời. Màu xanh đậm của trời làm nền cho những dãy núi chập chùng, hắt ánh sáng xanh cho hồ thủy điện ở dưới thung lũng phía xa tạo nên những bức tranh thiên nhiên hùng vĩ. Xuống đến Lương Sơn, chúng tôi tìm ngã rẽ vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đang chuẩn bị đưa vào sử dụng. Đi qua hàng loạt địa danh của Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc rồi cũng đến Phan Thiết và tuyến đường lại nối thông với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây rồi Dầu Giây - Long Thành - TP.HCM nên chẳng mấy chốc đã về đến Q.7. Trừ đi thời gian săn ảnh dọc đường, và dù đường phía bên Bình Thuận khá xấu nhưng thời gian đi trên đường chỉ 5 giờ đồng hồ.

* Cơ hội phát triển cho những vùng đất

Chưa bao giờ thời gian di chuyển từ TP.HCM, Đồng Nai đi Phan Thiết, Nha Trang lại nhanh như bây giờ khi một loạt dự án cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đưa vào sử dụng. Nhờ đó, mở ra cơ hội lớn trong liên kết vùng giữa Đông Nam bộ với Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc, qua đó đánh thức tiềm năng của nhiều địa phương bao lâu nay bị kẹt cứng bởi địa hình đồi núi và giao thông cách trở.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vừa đưa vào sử dụng từ ngày 19-5-2023
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết vừa đưa vào sử dụng từ ngày 19-5-2023

Cho đến cuối tháng 5-2023, tổng chiều dài suốt tuyến cao tốc phía Đông đã thông xe tính từ TP.HCM trở ra đã lên đến 300 km và nhờ thông xe toàn tuyến liền mạch 260km nên từ TP.HCM đi Phan Thiết chỉ cần 2 giờ đồng hồ và ra đến Vĩnh Hảo cũng chỉ mất thêm 1 giờ. Đây là điều chỉ có trong mơ ở thời điểm cách đây 2 tháng. Và hiệu ứng đã đến tức thì với du lịch Phan Thiết khi khách đến trong dịp lễ 30-4 đã tăng gấp đôi. Nhưng không chỉ có Phan Thiết mà nhiều địa phương khác của tỉnh Bình Thuận như: Lagi, Tuy Phong sẽ có thêm cơ hội thu hút khách du lịch nhờ thời gian đi từ TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ đã giảm đáng kể.

Có dịp rong ruổi trên cao tốc chúng tôi nhận thấy, điểm cộng của các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm là đã chú ý thiết kế các nút giao, cầu đường kết nối tuyến QL1 huyết mạch qua H.Xuân Lộc, TP.Long Khánh (Đồng Nai), qua các huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) với các tuyến QL 55, 28, 28B (qua địa bàn Bình Thuận), 27B, 27C (qua địa bàn Khánh Hòa) sẽ giúp phát huy hiệu quả của các tuyến cao tốc mới đồng thời mở ra cơ hội phát triển cho những vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa.

Thi công cầu vượt quốc lộ 28B với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Thi công cầu vượt quốc lộ 28B với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Trên đường về, chúng tôi ghé nhà anh bạn ở xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai), cách điểm đầu của tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết chỉ 1,5km. Anh bạn cho biết, cách đây khoảng 10 năm đất gọi là “khỉ ho cò gáy”, bán 1 mẫu đất nông nghiệp “giá chỉ 300 triệu đồng, năn nỉ người ta không thèm mua nhưng nay Nhà nước làm đường ngang đường dọc nên tăng vọt với giá 3 tỷ đồng/sào mặt tiền đường lớn trong xã” và nhờ đó bố mẹ anh có của ăn của để, chia cho các con làm vốn.

Cũng nhờ có tuyến cao tốc Bắc - Nam, với những du khách thích khám phá cung đường mới thì việc từ Biên Hòa, Long Khánh, TP.HCM đi Đà Lạt đang nằm trong kế hoạch. Quá đó, sẽ tạo điều kiện cho du lịch - dịch vụ phát triển và các hãng lữ hành cũng nên nhanh chân nắm lấy cơ hội này mở các tour tuyến mới.

Và để “đánh thức” những cung đường mới, Bộ GT-VT và UBND các tỉnh như: Bình Thuận, Lâm Đồng, Ninh Thuận cần sớm lên kế hoạch nâng cấp, sửa chữa các tuyến QL xương cá nối từ phía Tây với QL 1 và tuyến cao tốc phía Đông để tăng cơ hội lưu thông hàng hóa, đi lại cho người dân và qua đó phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội do các tuyến cao tốc mang lại.

Văn Phong

Tin xem nhiều