Báo Đồng Nai điện tử
En

Thần Nông trong đình làng Đồng Nai

09:04, 01/04/2023

Cách đây nhiều thế kỷ, vùng đất Nam bộ có nhiều lớp di dân đến khai khẩn, mưu sinh. Quá trình tụ cư của người Việt dần ổn định với việc hình thành những làng, thôn, xóm, ấp. Tại các địa bàn cư trú, người Việt xây dựng thiết chế đình làng, thờ thần Thành hoàng và hệ thống thần linh phối tự. Trong các đình làng, thần Nông là một trong những vị được thờ khá phổ biến, hầu như đình nào cũng có.

Cách đây nhiều thế kỷ, vùng đất Nam bộ có nhiều lớp di dân đến khai khẩn, mưu sinh. Quá trình tụ cư của người Việt dần ổn định với việc hình thành những làng, thôn, xóm, ấp. Tại các địa bàn cư trú, người Việt xây dựng thiết chế đình làng, thờ thần Thành hoàng và hệ thống thần linh phối tự. Trong các đình làng, thần Nông là một trong những vị được thờ khá phổ biến, hầu như đình nào cũng có.

Đàn thờ thần Nông ở đình Tân Lân Biên Hòa
Đàn thờ thần Nông ở đình Tân Lân Biên Hòa

Thần Nông không thờ trong chánh điện, tùy thuộc mỗi đình mà vị trí bàn thờ khác nhau: trước sân đình hoặc một góc trong khuôn viên. Bàn thờ thần Nông xây bằng gạch, tôn cao hơn nền sân đình, trên để trống, có vách phía sau, 3 mặt trống, không mái. Vách cao vừa phải, có danh vị thần Nông theo chiều dọc với dạng tự Hán (社 稷) hoặc chữ quốc ngữ (viết nét to, đắp nổi, cách điệu). Trên bàn thờ bài trí  lư  hương, đĩa, chén, ly, bình đựng bông… Phía trước một số bàn thờ, họa những cảnh quê, hình tượng một lão nông tóc bạc, phúc hậu, mập mạp với một tay cầm hái, ôm bó lúa nhiều hạt.

Thần Nông trong tín niệm của người dân là người dạy cho con người biết trồng lúa từ xa xưa và ban phúc cho những người làm nông nghiệp để đảm bảo cho cuộc sống an lành, đầy đủ từ mùa màng bội thu. Truy nguyên về vị thần này có nhiều cách lý giải, dựa vào truyền thuyết, nguồn gốc từ nền văn hóa của một số quốc gia. Đối với văn minh Trung Hoa, thần Nông được xem là vị hoàng đế thời Tam hoàng (Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế hoặc Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông…). Đối với văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng thờ thần Nông chính là thần được thờ ở đàn Xã Tắc. Một số tư liệu cho biết: Xã là thần Đất đai, Tắc là thần Lúa, tức là thần Nông, một dạng thu gọn đàn xã tắc và đàn tiên nông ở kinh đô. Thuở ấy, ông cha ta rất kính trọng đàn xã tắc: Sơn hà gắn liền với xã tắc. Thờ thần Đất gắn liền với thần Lúa bắt đầu từ nhà Đinh khi đặt ra lễ nghi, xây dựng đàn xã tắc. Các triều đại phong kiến Việt Nam luôn xem trọng đàn xã tắc, quy định quy thức nghiêm ngặt trong lễ tế. Thời triều Nguyễn, vua Gia Long cho xây đàn Nam Giao ở phía Nam kinh thành Huế để tế trời 3 năm một lần và lập đàn xã tắc gần hoàng thành để cúng thần Nông mỗi năm 2 lần vào tháng 2 và tháng 8. Vào năm 1832, vua Minh Mạng có chỉ dụ cho các địa phương có đàn xã tắc, theo quy định của triều đình thực hiện lễ tế với mục đích là cầu phúc cho dân. Đây cũng là thời điểm tỉnh Biên Hòa trong “lục tỉnh Nam kỳ” được xây đàn xã tắc theo kiểu dáng, phương hướng chiếu theo hội điển thực hiện. Đàn xã tắc ở tỉnh Biên Hòa do quan đầu tỉnh Võ Quý và Tuần Phủ kiêm Bố Chánh thực hiện. Vị trí đàn xã tắc được mô tả tại phía Tây tỉnh thành, thuộc địa phận thôn Bình Thành, H.Phước Chính. Hiện nay, đàn xã tắc tỉnh Biên Hòa không còn dấu vết kiến trúc. Tục thờ thần Nông duy trì trong tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng gắn liền với các đình làng. Tuy nhiên, ở một số khu vực, địa bàn dân cư, có những miếu thờ thần Nông độc lập. Với loại hình miếu thờ này, thần Nông được thờ chính trong kiến trúc có mái che, không giống được thờ trong đình làng.

Tượng thờ thần Nông ở miếu thờ Bà tại Nhơn Trạch
Tượng thờ thần Nông ở miếu thờ Bà tại Nhơn Trạch

Lệ cúng thần Nông của các đình làng trước đây theo hội điển với những quy thức; trong đó có các lễ trọng Kỳ yên, lễ Hạ điền, lễ Thượng điền và lễ Cầu bông... Thần Nông là đối tượng chính được cúng vào lễ khai hạ/khai sơn (7-1 âm lịch). Lệ Hạ điền, Thượng điền và Cầu bông đều liên quan đến nông nghiệp, canh tác lúa của người Việt. Thời gian tổ chức các lễ này cũng tùy thuộc vào lệ làng nhưng hầu hết trong các khoảng thời gian theo âm lịch liên quan đến canh tác, thu hoạch mùa vụ trong năm. Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa (tháng 4, 5), bắt đầu xuống đồng vào vụ mùa, Lễ Thượng điền tổ chức vào cuối mùa mưa (tháng 11, 12), mang ý nghĩa tạ ơn sau khi thu hoạch, lễ Cầu bông được tiến hành khi lúa bắt đầu ngậm sữa (lúa mùa), mong muốn lúa tốt tươi, đơm bông.

Khi đình tổ chức lễ tiết nào thì các bàn thờ ở đình, trong đó có thần Nông đều có thắp hương. Tùy theo tính chất của lễ mà có những lễ nghi với hình thức, quy mô khác nhau. Thông lệ, nghi thức cúng thần Nông tổ chức trước sân đình, do hương chức đảm nhiệm, có chiêng trống, thịt, xôi, bánh, trái, nhang đèn. Có nơi làm đơn giản nhưng cũng có nơi làm đầy đủ nghi thức tế lễ, có văn tế, nhạc lễ, giống như các lễ nghi khác. Về sau, một số đình đã nhập lễ Cầu bông vào lễ Hạ điền. Lễ cúng thần Nông thường phải có bò, heo, dê, hương đăng, trà, hoa quả, xôi. Có nơi chỉ cúng 1 con heo sống (đã làm xong), để nguyên con. Ngày nay, lễ thức cúng thần Nông ở nhiều đình, một số nơi lễ vật cũng có những thay đổi như: thịt heo chín, trái cây, bông hoa… , các loại nông sản (thúng lúa, hoa, quả…)

Trong nghi thức cúng thần Nông vào dịp Kỳ yên, mỗi đình tổ chức với quy mô tùy thuộc vào địa phương. Khi tổ chức lễ lớn đều tuân thủ những nghi tiết dâng hương, trà, rượu, đọc và hóa văn tế, có khí cụ, nhạc lễ… nghiêm cẩn. Ngày nay, nhiều khu vực có đình làng đã chuyển lên đô thị, canh tác nông nghiệp không còn đóng vai trò chủ đạo trong đời sống nhưng tục thờ này vẫn duy trì trong hệ thống tín ngưỡng dân gian được hình thành qua nhiều thế hệ trên vùng đất Đồng Nai.

Tục thờ thần Nông là tín ngưỡng thể hiện tính chất cầu an trong canh tác trồng lúa có cội nguồn xa xưa của Việt Nam, phản ánh những nguyện vọng, ước mong chính đáng của con người nhằm đảm bảo về nhu cầu quan trọng là lương thực.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều