Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩ về hòa hợp dân tộc

07:04, 29/04/2023

Trong trường kỳ lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chống giặc ngoại xâm và thống nhất quốc gia là hai nhân tố vừa là mục tiêu vừa là động lực tập hợp lực lượng dân tộc.

Trong trường kỳ lịch sử dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chống giặc ngoại xâm và thống nhất quốc gia là hai nhân tố vừa là mục tiêu vừa là động lực tập hợp lực lượng dân tộc.

Ngày 15-5-1975, nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng
Ngày 15-5-1975, nhân dân Sài Gòn diễu hành mừng thành phố được giải phóng

Đinh Tiên Hoàng ở thế kỷ thứ X chấm dứt tình trạng cát cứ của “loạn 12 sứ quân” để lập nên nhà nước trung ương tập quyền tự chủ đầu tiên mang quốc hiệu Đại Cồ Việt, còn Hoàng đế Quang Trung ở thế kỷ XVIII chấm dứt nạn Nam - Bắc phân tranh, thống nhất lãnh thổ quốc gia Đại Việt, đánh bại mọi thế lực ngoại xâm. Đó là những gương mặt chói sáng và xác lập những cái mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Hòa hợp dân tộc trên nền tảng lòng yêu nước và khát khao độc lập, tự do

Thế kỷ XX đầy những thách thức buộc dân tộc Việt Nam phải lựa chọn con đường để tồn tại và phát triển. Nền độc lập quốc gia đương đầu với cuộc xâm lăng của phương Tây từ nửa thế kỷ trước đó và khi bước vào thế kỷ XX thực sự đã trở thành thuộc địa của nước Pháp và bị thế lực thực dân chia cắt làm 3 “kỳ” với những chế độ cai trị khác nhau. Tình trạng đó tồn tại gần nửa thế kỷ cho đến cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam độc lập dưới chính thể Dân chủ - Cộng hòa và được xác lập thống nhất trên một lãnh thổ toàn vẹn.

Để đạt được mục tiêu ấy, lịch sử đòi hỏi phải hình thành được một phong trào dân tộc trên toàn bộ đất nước mà cản lực đầu tiên chính là sự chia rẽ trong nội bộ phong trào dân tộc. Trên thực tế, cho đến trước năm 1930 chỉ hình thành những phong trào hay tổ chức yêu nước của từng vùng miền. Ngay tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng tuy có mặt ở nhiều nơi nhưng cuộc khởi nghĩa “non” ở Yên Bái đã chấm dứt khả năng trở thành lực lượng lãnh đạo dân tộc của tổ chức này. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930 với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thực chất nhằm mục tiêu thống nhất các tổ chức có khuynh hướng cộng sản đã hình thành và lựa chọn một cương lĩnh đúng đắn để thống nhất được ý chí và lực lượng toàn dân tộc.

Nhưng chỉ diễn ra sau cái mốc lịch sử này không lâu, việc “thủ tiêu” cương lĩnh đoàn kết mọi lực lượng dân tộc để thay thế bằng một cương lĩnh dựa trên lý luận về “đấu tranh giai cấp” trong cương lĩnh của Đảng Cộng sản nay đã đổi tên từ “Việt Nam” thành “Đông Dương” không thể không coi là một bước lùi. Vì thế mà những “cao trào” cách mạng như: Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) hay Nam Kỳ khởi nghĩa (1941) cho thấy một thập kỷ thất bại của tư tưởng hạ thấp nhân tố Dân tộc trong đường lối chính trị của Đảng.

Sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở về trực tiếp củng cố lại tổ chức Đảng trên cơ sở mở rộng một tổ chức mặt trận rộng lớn mang tên Mặt trận Việt Minh, lấy đại đoàn kết mọi tầng lớp xã hội nhằm mục tiêu ưu tiên là lợi ích dân tộc, giành độc lập và lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước được coi là tiên tiến nhất đương thời: chế độ Dân chủ Cộng hòa chính là nguồn gốc sức mạnh của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc tạo nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Nói cách khác, chính đường lối đó tạo nên sự “hòa hợp dân tộc” trên nền tảng lòng yêu nước và khát khao độc lập tự do của mọi người dân.

Lịch sử đã chứng kiến trong những ngày đầu nước nhà giành được độc lập từ tay phát xít Nhật và thực dân Pháp, một nỗ lực to lớn của toàn dân nhằm củng cố nền độc lập ấy, trước hết bằng một tinh thần đoàn kết chống chia rẽ cho dù không ít tác động từ bên trong cũng như bên ngoài của các thế lực muốn tạo ra sự chia rẽ ấy. Việc Đảng Cộng sản chủ động tuyên bố “tự giải tán” (thực chất là rút vào hoạt động không công khai), việc ban hành các quyền tự do dân chủ mà sau đó được đưa vào bản Hiến pháp đầu tiên (tháng 11-1946), việc tổ chức tổng tuyển cử bầu ra một Quốc hội thu hút nhiều thành phần, tổ chức xã hội, tôn giáo trong đó có việc “đặc cách” đưa vào Quốc hội 72 đại biểu của những đảng phái không tham gia bầu cử, việc nhiều đảng viên cộng sản hay người của tổ chức Việt Minh sẵn sàng “nhường” các chức vụ trong bộ máy hành pháp và lập pháp... cũng chính là nỗ lực “hòa hợp dân tộc” trong một thời kỳ lịch sử rất phức tạp và nhạy cảm...

Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Cũng ngay trong thời kỳ lịch sử này, một nhân tố quan trọng không kém với “độc lập dân tộc” là sự thống nhất quốc gia trên cả hai phương diện nhận thức (văn hóa, tư tưởng) và lãnh thổ. Cái nguyên lý cơ bản “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” được Nhà nước cụ thể hóa bằng những chính sách và những việc làm đầy sức thuyết phục. Các di sản văn hóa của dân tộc được tôn trọng bảo tồn như Sắc lệnh về Bảo tồn cổ tích, về lưu trữ...; việc coi quốc ngữ là ngôn ngữ quốc gia với chính sách chống nạn mù chữ rộng khắp; việc tổ chức đại hội các dân tộc thiểu số cùng với chính sách bình đẳng dân tộc và tôn giáo; các ngày lễ dân tộc trở thành quốc lễ như: Giỗ Tổ Hùng Vương, Giỗ Đức Thánh Trần, Giỗ trận Đống Đa... lần đầu tiên được tổ chức trọng thể có sự tham dự của các vị đứng đầu nhà nước... Hội nghị Văn hóa toàn quốc và sự thành lập các tổ chức xã hội mà thời điểm đó gọi chung là “Cứu quốc” tập hợp mọi lực lượng xã hội (quan lại, binh lính, các nhà công thương, các nhà hoạt động văn hóa...) là những cơ chế tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động vì mục tiêu chung của quốc gia, dân tộc...

Thời gian 48 năm đã trôi qua càng làm cho chúng ta thấm thía hơn những tổn thất, hy sinh quá to lớn mà chiến tranh đã gây ra cho dân tộc Việt Nam. Nhìn lại, chúng ta cũng thấy không ít những sai lầm, những cơ hội để dân tộc ta có thể hàn gắn nhanh hơn những vết thương chiến tranh trên mặt đất cũng như trong lòng người.

Phải nhận rằng Nhà nước ta không thiếu những chủ trương đúng đắn về hòa giải dân tộc nhưng để nó đi được vào cuộc sống vẫn còn một khoảng cách không nhỏ. Bởi lẽ quá trình hàn gắn, hòa giải ấy lại diễn ra cùng lúc với những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội vốn đã phức tạp lại ngày càng phức tạp. Quá trình ấy còn bị tác động bởi chính những hiện tượng tiêu cực nảy sinh ngay trong thời kỳ chuyển đổi những giá trị và trong một thế giới hội nhập với cả cơ hội và những thách thức mới. Và liên tục cho đến ngày nay, môi trường hòa bình vẫn còn mỏng manh bởi sự trỗi dậy của những nhân tố an nguy tới độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và dân tộc ta.

Vào thời điểm lịch sử này, cần nhấn mạnh tới nhân tố mang tính nguyên tắc của Nhà nước Việt Nam độc lập, đó là sự toàn vẹn lãnh thổ và coi mục tiêu thống nhất quốc gia mà hạt nhân là chống lại âm mưu tách Nam bộ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam là một điều kiện tiên quyết, không thỏa hiệp. Thực dân Pháp cũng như một số thế lực phản động coi đây là một thủ đoạn then chốt để chống lại nhân dân và chính quyền non trẻ của nước Việt Nam độc lập. Âm mưu lập ra nhà nước “Nam Kỳ tự trị”, âm mưu tách Tây nguyên ra khỏi lãnh thổ nước ta, chia rẽ dân tộc giữa các sắc tộc, giữa Nam và Bắc... là những thử thách to lớn của lịch sử.

Lịch sử cho thấy, những người cách mạng và yêu nước Việt Nam cũng coi đây là một vấn đề then chốt “sông có thể cạn, núi có thể mòn” nhưng nguyên tắc ấy không thể nào khoan nhượng. Với chính sách ngoại giao mềm mỏng (ứng vạn biến), đã có lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp nhận sự nhân nhượng khi ký Hiêp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 trong đó chấp nhận nước Việt Nam là một “quốc gia tự do trong Khối Liên hiệp Pháp” và sẽ giành được độc lập được phía Pháp trao trả theo một lộ trình thỏa thuận giữa hai bên, nhưng không khi nào chấp nhận việc tách Nam bộ ra khỏi cơ thể (máu của máu, thịt của thịt) Việt Nam. Và trong lịch sử ngoại giao của thế giới cũng hiếm có một vị nguyên thủ quốc gia như Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng đi qua Pháp ban đầu với tư cách thượng khách quốc gia sau đó lưu lại như một nhà hoạt động xã hội và chính trị hơn 4 tháng ròng để vận động cho hòa bình, chống lại âm mưu chiến tranh và chia cắt của giới thực dân Pháp...

Và cũng có thể khẳng định, đêm 19-12-1946 khi kêu gọi toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, trong lời kêu gọi của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến khát vọng hòa bình của nhân dân ta vì không thể chấp nhận sự chia cắt lãnh thổ quốc gia nên buộc phải thực hiện một cuộc chiến tranh dù ban đầu là không cân sức. Tác động của cuộc chiến tranh, âm mưu sử dụng chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”, cùng với những biến đổi sâu sắc của tình hình quốc tế trong thời phân cực và chiến tranh lạnh, trong đó có một sự thực là để tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô ngày một lớn, không chỉ chống lại thực dân Pháp mà còn có sự can thiệp của Mỹ, chúng ta ngày càng lệ thuộc vào nguồn lực viện trợ của Liên Xô và đặc biệt là của Trung Quốc... Những chính sách thực hiện trong thời kỳ kháng chiến cũng như sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp như cải cách ruộng đất, tập thể hóa... đã làm phân hóa nhận thức của xã hội dẫn đến những tác động tiêu cực trong sự đồng thuận và hòa hợp trong nội bộ nhân dân...

Đội tiêu binh diễu hành qua cửa Lăng Bác
Đội tiêu binh diễu hành qua cửa Lăng Bác

Cho dù cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc bằng thắng lợi vĩ đại ở Điện Biên Phủ và buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (tháng 7-1954), đất nước tạm thời bị chia cắt nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc, đơn giản vì mục tiêu thống nhất quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ chưa được thực hiện. Tuy nhiên, mục tiêu ấy đã được thể hiện trong văn bản của Hiệp định Giơnevơ xác nhận nước Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sự chia cắt chỉ là tạm thời trong 2 năm và sẽ thực hiện cuộc tổng tuyển cử để thống nhất quốc gia theo ý nguyện của nhân dân Việt Nam. Việc nước Pháp ký vào một văn bản có giá trị pháp lý quốc tế thừa nhận sự thật hiển nhiên cũng là mục tiêu tối thượng của nhân dân Việt Nam là môt thắng lợi vô cùng to lớn, là nền tảng cho sự hòa hợp lâu dài của dân tộc.

Hóa giải những vấn đề của quá khứ, thực hiện hòa hợp dân tộc một cách bền vững

Vào thời điểm tháng 7-1954, Mỹ và chính quyền Bảo Đại đã không ký vào văn bản cuối cùng ấy, và điều đó cũng phù hợp với mưu đồ và lợi ích của một số nước lớn tạo ra những khu vực đối đầu và thỏa hiệp vì lợi ích của mình trong thời Chiến tranh lạnh giống như ở bán đảo Triều Tiên ở Đông Á và nước Đức ở châu Âu. Mặc dù theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, sự chia cắt chỉ tạm thời trong 2 năm, nhưng cuối cùng đã không được thực hiện.

Hãy nhớ lại, vào thời điểm bản Hiệp định Giơnevơ ký kết (đêm 20 rạng sáng 21-7-1954), trước việc Ngoại trưởng chính phủ thân Pháp của Cựu hoàng Bảo Đại, Trần Văn Đỗ rỏ nước mắt “khóc thương cho đất nước sẽ bị chia cắt” để biện bạch cho việc không đặt bút ký vào văn kiện cuối cùng, thì Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Những ai yêu nước Việt Nam, những ai yêu sự thống nhất Việt Nam thì không cần phải khóc lóc hôm nay. Hãy thực hiện tốt những gì đã ký kết hôm nay, thì 2 năm nữa sẽ có một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, hòa bình và giàu mạnh. Những gì Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa làm trong những năm qua chính là vì mục đích đó. Nước mắt của chúng tôi đổ ra trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp đó nhiều hơn rất nhiều so với những giọt lệ mà quý vị nhỏ ra ở đây”.

Trong lịch sử thể thao Việt Nam còn ghi nhận một sự kiện: khi ở Hà Nội khánh thành sân vận động Hàng Đẫy, Chính phủ Việt Nam đã chủ động gửi lời mời đến chính quyền Sài Gòn đề nghị cử một đội bóng đá ra miền Bắc thi đấu và sẽ cử một đội đua xe đạp vào tham dự “Giải Cộng hòa” ở Sài Gòn và nêu rõ quan điểm “Phong trào thể dục thể thao Bắc Nam vốn cùng chung một lịch sử cũng như nhân dân hai miền vốn chung một huyết thống lịch sử từ ngàn xưa”. Đề nghị thiện chí ấy đã không được đáp ứng. Còn người đứng đầu chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Ngô Đình Diệm thì hô hào “lấp sông Bến Hải Bắc tiến” trước cả khi nhân dân miền Nam tự phát đồng khởi và Đảng Lao động Việt Nam ra nghị quyết về mục tiêu “giải phóng miền Nam”.

Nhưng để đạt tới cái mục tiêu ấy, dân tộc ta phải đi tiếp hai thập kỷ chiến tranh đương đầu với cả sức mạnh của một cường quốc quân sự là Mỹ. Phải đến ngày 27-1-1973, tại thủ đô nước Pháp, đại diện chính phủ Mỹ phải ký vào văn bản Hiệp định Paris chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam, trong đó “cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”. Nói cách khác là phải gần 2 thập kỷ sau khi nước Pháp đã ký ở Giơnevơ, nước Mỹ đã phải thừa nhận nước Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Và chỉ 15 tháng sau đó, một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đã trở thành hiện thực. Vào thời điểm đó, lịch sử còn ghi lại được câu nói của vị Chủ tịch Ủy ban Quân quản, tướng Trần Văn Trà với tướng Dương Văn Minh - cựu Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, người đã góp phần kết thúc cuộc chiến tranh một cách có trách nhiệm của một con dân nước Việt để bớt đi những tổn thất vô ích. Câu nói khẳng định rằng, trong cuộc chiến này với người Việt Nam không có kẻ thắng người thua, chỉ có thất bại của những kẻ xâm lược và mưu đồ chia cắt lâu dài.

Nhắc lại những bằng chứng lịch sử để xác định rằng cái di sản đổi bằng biết bao xương máu để chúng ta có được 48 năm trước, một đất nước Việt Nam thống nhất là một tiền đề lịch sử vô cùng quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình và hội nhập với thế giới tiến bộ. Đó cũng là mẫu số chung của mọi người dân Việt Nam đồng thuận thúc đẩy cho sự hóa giải những vấn đề của quá khứ, thực hiện được sự hòa hợp dân tộc một cách bền vững, xứng đáng với tất cả những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh nay đã lùi về quá khứ.

Nếu coi sự kiện ngày 30-4-1975 chỉ là sự kết thúc của một cuộc chiến tranh thì ngay trong lòng người dân Việt Nam có kẻ thắng người thua, vinh quang và cay đắng cả đối với người đã khuất và người còn sống. Và những tổn thất vô cùng to lớn mà chiến tranh mang đến trở nên vô ích. Nhưng nếu coi cái mốc lịch sử ấy là sự hoàn thành một sự nghiệp cao cả và thiêng liêng, mang khát vọng của cả dân tộc đó là sự thống nhất quốc gia, bảo toàn chủ quyền lãnh thổ thì đó là cơ hội để đất nước Việt Nam trường tồn và phát triển trên nền tảng sự hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc.

Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC

Tin xem nhiều