Báo Đồng Nai điện tử
En

Người nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh

09:02, 24/02/2023

Công tác trong lĩnh vực giáo dục và là người làm công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), PGS-TS PHAN BẢO NGỌC (nhà thiên văn học, Trưởng bộ môn Vật lý, Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) rất quan tâm đến việc "ươm mầm" NCKH trong học sinh, sinh viên.

Công tác trong lĩnh vực giáo dục và là người làm công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), PGS-TS PHAN BẢO NGỌC (nhà thiên văn học, Trưởng bộ môn Vật lý, Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) rất quan tâm đến việc “ươm mầm” NCKH trong học sinh, sinh viên.

PGS-TS Phan Bảo Ngọc, Trưởng bộ môn Vật lý, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) giao lưu cùng học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Ảnh: H.YẾN
PGS-TS Phan Bảo Ngọc, Trưởng bộ môn Vật lý, Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) giao lưu cùng học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Ảnh: H.YẾN

Nhân buổi giao lưu của PGS-TS Phan Bảo Ngọc với học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh mới đây, Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh chủ đề này.

Tạo cơ hội cho học sinh phát triển năng lực cá nhân

* Là người làm công tác NCKH, ông có quan tâm đến cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh cũng như những dư luận liên quan đến cuộc thi này hay không, thưa ông?

- Câu hỏi này liên quan đến nhiều khía cạnh. Thực ra, nếu học sinh thật sự quan tâm đến NCKH thì sân chơi này rất tốt cho các em. Đây có thể nói là nền tảng ban đầu để tạo nên những nhà khoa học, những chuyên gia trên nhiều lĩnh vực sau này cho đất nước. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến cách thức tổ chức, chấm thi, trao giải sao cho cuộc thi thực sự khuyến khích học sinh phát triển được năng lực cá nhân, không biến cuộc thi của học sinh thành cuộc thi của người lớn.

Điều quan trọng là giáo viên phải khuyến khích học sinh tham gia cuộc thi này với tâm thế của một người đam mê tìm tòi, khám phá, nghiên cứu chứ không phải vì mục đích thắng thua. Chúng ta cần quan tâm xem các em học hỏi được gì, tiến bộ như thế nào trong quá trình tham gia cuộc thi chứ không phải là giải thưởng.

PGS-TS PHAN BẢO NGỌC nghiên cứu về lĩnh vực thiên văn vật lý và các ứng dụng không gian. Ông từng nhận giải thưởng Henri Chrétien danh giá của Hội Thiên văn Mỹ và là nhà nghiên cứu có danh tiếng trong giới thiên văn quốc tế.

* Khi còn là học sinh THPT, ông có tham gia làm NCKH hay không? Bài học của cá nhân ông là gì?

- Điều này hoàn toàn xuất phát từ đam mê. Khi còn là học sinh THPT tôi đã thích tìm tòi, học hỏi và làm quen với NCKH. Khi đó chỉ đơn giản là tôi tự tìm đọc thêm những quyển sách về các NCKH hoặc về tấm gương NCKH. Khi lên đại học, tôi mới bắt đầu làm những dự án nghiên cứu nhỏ dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Mình cứ tập trung tìm tòi, mày mò và các thầy cô cũng để cho mình tự tìm tòi, đề xuất trong quá trình nghiên cứu. Thực ra, những công trình nghiên cứu đó không có giá trị nhiều về mặt khoa học nhưng có giá trị nhiều để cho một sinh viên học hỏi, hiểu ra bản chất của nghiên cứu là gì.

Theo tôi, để dẫn dắt học sinh làm quen với NCKH, đầu tiên cần đặt ra một bài toán, một vấn đề, gợi mở trí tò mò của các em. Nếu học sinh thật sự quan tâm và muốn giải quyết vấn đề theo cách riêng của mình thì khi đó nhà trường, thầy cô sẽ hỗ trợ các em bằng nhiều cách. Chẳng hạn như hỗ trợ kinh phí, giao dự án nghiên cứu với những nhiệm vụ cụ thể đồng thời hướng dẫn các em thực hiện. Hoạt động này cần phải được nhà trường tổ chức một cách có hệ thống.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý, học sinh nên thực hiện nghiên cứu trong khoảng thời gian ngắn vì các em cần ưu tiên cho việc học tập. Những vấn đề chưa thể giải quyết được thì giáo viên khuyến khích để học sinh tiếp tục nuôi dưỡng, hướng tới giải quyết trong tương lai, trong hành trình tiếp theo ở những bậc học cao hơn. Điều đó phần nào sẽ giúp các em nuôi dưỡng đam mê đối với NCKH.

Ứng dụng thực tế của những nghiên cứu về không gian

* Trường đại học Quốc tế là nơi đầu tiên trong cả nước mở ngành kỹ thuật không gian và ông là người tham gia xây dựng ngành học này. Ngành học này đào tạo những gì và sinh viên ra trường có thể tham gia những vị trí công việc nào, thưa ông?

- Trường đại học Quốc tế là trường đầu tiên trong cả nước mở ngành kỹ thuật không gian nhằm đào tạo kỹ sư kỹ thuật không gian và đã bắt đầu tuyển sinh từ năm 2016. Chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, tập trung ở 2 mảng chính là: công nghệ định vị, công nghệ viễn thám. Bên cạnh đó, ngành học cũng đào tạo một phần về dữ liệu lớn và ứng dụng của dữ liệu lớn (trong đó có ứng dụng của dữ liệu lớn trong kinh doanh).

Tên gọi là ngành kỹ thuật không gian nhưng trên thực tế những kiến thức của ngành này lại được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực của đời sống hiện nay như: ứng dụng công nghệ vệ tinh, công nghệ định vị trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, quản lý giao thông, môi trường...; khai thác dữ liệu lớn trong kinh doanh…

Trong buổi giao lưu với học sinh Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, ông đã giới thiệu những nội dung gì cho các em? Ông nhận thấy sự đón nhận của học sinh về lĩnh vực này như thế nào?

- Tôi giới thiệu một số nghiên cứu trong ngành kỹ thuật không gian, thiên văn học và ứng dụng của chúng trong thực tiễn cuộc sống, bao gồm: tổng quan về khoa học và công nghệ không gian, đặc biệt là ứng dụng của công nghệ vệ tinh; công nghệ định vị (nguyên lý và các ứng dụng trong đời sống); công nghệ viễn thám (nguyên lý và các ứng dụng trong quan sát môi trường, quản lý tài nguyên, biến đổi khí hậu và quốc phòng - an ninh); dữ liệu lớn (các khái niệm cơ bản, các ứng dụng trong đời sống xã hội).

Nội dung trao đổi đã nhận được rất nhiều câu hỏi, tương tác của học sinh. Điều đó cho thấy những nghiên cứu và ứng dụng trong các lĩnh vực: công nghệ định vị, công nghệ viễn thám, dữ liệu lớn khá hấp dẫn đối với nhiều học sinh.

* Xin cảm ơn ông!

Hải Yến (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích