Báo Đồng Nai điện tử
En

Lung linh lễ hội Đèn lồng

09:02, 04/02/2023

Ánh sáng thường là biểu tượng của tình yêu, hy vọng, hòa bình… và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống được tôn vinh theo nhiều cách khác nhau trên thế giới. Lễ hội Đèn lồng là một hình thức phổ biến để ánh sáng thể hiện vai trò của mình. Đèn lồng được thả trên mặt nước, thả lên bầu trời hoặc trang trí nhà cửa, đường phố tùy theo truyền thống văn hóa và tôn giáo của mỗi quốc gia.

Ánh sáng thường là biểu tượng của tình yêu, hy vọng, hòa bình… và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống được tôn vinh theo nhiều cách khác nhau trên thế giới. Lễ hội Đèn lồng là một hình thức phổ biến để ánh sáng thể hiện vai trò của mình. Đèn lồng được thả trên mặt nước, thả lên bầu trời hoặc trang trí nhà cửa, đường phố tùy theo truyền thống văn hóa và tôn giáo của mỗi quốc gia.

Thả đèn hoa đăng tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Nguồn: afar.com/Kobby Dagan/Shutterstock
Thả đèn hoa đăng tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Nguồn: afar.com/Kobby Dagan/Shutterstock

Với mục đích tôn kính thần Nước, Đức Phật ở Thái Lan; tôn vinh đại dương ở Nhật Bản hay tưởng nhớ tổ tiên ở một số quốc gia…, lễ hội Đèn lồng thực sự là một nét đẹp văn hóa nên được lưu truyền.

* Việt Nam

Lễ hội Đèn lồng Hội An, Việt Nam đã được Tạp chí Truyền thông du lịch AFAR (Mỹ) xếp hạng đầu tiên trong tốp 7 lễ hội Đèn lồng rực rỡ trên khắp thế giới tính đến thời điểm tháng 11-2022.

Một trong những sự kiện phổ biến và thu hút du khách đến thành phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) là lễ hội Đèn lồng. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức vào đêm 14 âm lịch hàng tháng, còn được gọi là Đêm huyền thoại hoặc Tiệc trăng tròn.

Khi diễn ra lễ hội, tất cả đèn điện ở Hội An được tắt, thắp sáng bằng đèn lồng và nến đầy màu sắc. Theo truyền thống Phật giáo, trăng tròn được coi là thời điểm lý tưởng để mọi người thiền định, suy ngẫm, thực hiện các nghi lễ tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Những chiếc đèn lồng nhiều màu sặc sỡ được thả lên bầu trời hoặc thả trôi trên dòng sông mang theo ước nguyện của mỗi người đến với tổ tiên.

* Trung Quốc

Lễ hội Đèn lồng mùa Xuân hàng năm ở Hong Kong báo hiệu sự kết thúc của Tết Nguyên đán và đất trời vào Xuân. Lễ hội Đèn lồng năm nay được tổ chức vào ngày 5-2. Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ nói tiếng Trung Quốc, mặc dù phong tục mỗi nơi khác nhau nhưng các hoạt động phổ biến nhất liên quan đến lễ hội thường là thắp đèn lồng, giải câu đố trên đèn lồng, ăn tangyuan (bánh gạo nếp thường có nhân đậu đỏ hoặc mè đen) và xem biểu diễn múa lân - sư - rồng. Lễ hội Đèn lồng mùa Xuân lớn nhất của Trung Quốc diễn ra ở Nam Kinh, thủ phủ nằm ở phía Đông tỉnh Giang Tô; các đô thị quốc tế: Thượng Hải, Bắc Kinh và nông thôn.

Lễ hội Đèn lồng tại Trung Quốc. Nguồn: newsletter.co.uk
Lễ hội Đèn lồng tại Trung Quốc. Nguồn: newsletter.co.uk

* Đài Loan

Tại Q.Pingxi - vùng núi phía Đông thủ đô Đài Bắc cũng tổ chức lễ hội Đèn lồng mùa Xuân hàng năm. Vào ngày trăng tròn đầu tiên của năm, thường rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3, lễ hội Đèn lồng diễn ra ở các làng nông thôn Jingtong, Pingxi và Shifen, sôi động nhất là làng Shifen. Hàng ngàn người tề tụ để viết những điều ước lên những chiếc đèn lồng giấy đầy màu sắc trước khi thả lên trời với hy vọng sự cầu nguyện thành hiện thực. Việc thả đèn lồng là hoạt động đánh dấu sự kết thúc của Tết Nguyên đán, được coi là biểu tượng của việc đón nhận tương lai lạc quan.

* Thái Lan

2 lễ hội Đèn lồng diễn ra cùng một ngày hàng năm là Loy Krathong và Yi Peng, vào đúng ngày trăng tròn lần thứ 12 theo âm lịch của Thái Lan, tương ứng với tháng 11 theo lịch phương Tây. Ngày tổ chức lễ hội thay đổi hàng năm tùy thuộc vào trăng tròn, năm nay diễn ra vào tối
27-11.

Đèn lồng hoa sen được thả nổi để bày tỏ lòng tôn kính đối với thần Nước và Đức Phật là đặc trưng của lễ hội Loy Krathong.

Lễ hội Đèn lồng Yi Peng là một sự kiện lễ hội xưa bắt nguồn từ Vương quốc Lanna cổ đại (vào cuối thế kỷ XIII) để đánh dấu sự kết thúc của mùa gió mùa và bắt đầu mùa mát mẻ. Người dân Thái Lan thả đèn lồng lên không trung, chỉ được tổ chức ở miền Bắc Thái Lan, đặc biệt là ở TP.Chiang Mai.

Thả đèn lên không trung trong lễ hội Đèn lồng Yi Peng ở Thái Lan. Nguồn: asiahighlights.com
Thả đèn lên không trung trong lễ hội Đèn lồng Yi Peng ở Thái Lan. Nguồn: asiahighlights.com

* Nhật Bản

Suốt 15 ngày đầu tiên của năm mới, TP.Nagasaki đánh dấu sự khởi đầu của mùa Xuân bằng lễ hội Đèn lồng Nagasaki, được cho là bắt nguồn từ những người nhập cư Trung Quốc và trở thành ngày lễ chính thức của thành phố vào năm 1994. Hàng năm lễ hội được tổ chức tại khu phố người Tàu sinh sống ở TP.Nagasaki - khu phố cổ nhất ở Nhật Bản, vì ngày xưa Nagasaki là cảng duy nhất mở cửa cho thương nhân nước ngoài trong thời kỳ Heian và Edo. Ngoài màn khoe sắc tuyệt vời của hơn 15 ngàn chiếc đèn lồng, người dân và du khách còn thưởng thức các điệu múa lân - sư - rồng Trung Quốc, cuộc diễu hành, cuộc thi sắc đẹp và màn nhào lộn. Nhiều quầy đồ ăn nhanh dọc các tuyến phố bán các món ăn cổ điển của Nhật Bản như yakitori (thịt nướng bằng than hoa) và takoyaki (bạch tuộc bọc trong bột mặn).

Ngoài ra, Nhật Bản còn có Ngày Hàng hải, được tổ chức vào ngày thứ hai tuần thứ 3 của tháng 7. Dịp này, lễ hội Đèn lồng cũng được tổ chức trong 2 ngày trên bãi biển Odaiba của thủ đô Tokyo với mục đích tôn vinh đại dương. Hàng ngàn chiếc đèn lồng giấy đa sắc với thiết kế tinh tế được thắp sáng và đặt trên bãi biển. 

* Ấn Độ

Không giống các quốc gia khác tôn vinh ánh sáng bằng đèn lồng, người Ấn Độ dùng những chiếc đèn dầu bằng đất sét (còn gọi là diyas) được thắp sáng vào ban đêm và đặt trong nhà cũng như đường phố ở khắp nơi trong lễ hội Diwali (còn gọi là lễ hội Ánh sáng), được người theo đạo Hindu tổ chức trong tháng 10 hoặc tháng 11. Lễ hội Diwali tượng trưng cho sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác. Người Ấn Độ thực hiện nghi lễ để cầu mong sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc.

* Mỹ

Vào dịp lễ hội Đèn lồng thường diễn ra vào cuối tháng 5, hàng ngàn người dân và du khách quy tụ trên bờ biển phía Nam ở Oahu  - đảo lớn thứ 3 của quần đảo Hawaii để tôn vinh và tưởng nhớ những người thân yêu đã chết. Mở đầu buổi lễ là một loạt màn biểu diễn nhạc truyền thống, tiếp đến là buổi cầu nguyện, cuối cùng là thả đèn lồng có thông điệp cá nhân trên mặt biển khi mặt trời lặn. Những chiếc đèn lồng sau đó được thu gom và làm sạch, sửa chữa để sử dụng cho các lễ hội khác. Từ năm 2002, lễ hội Đèn lồng đã được tổ chức tại bãi biển Ala Moana, một dải cát giữa bãi biển Waikiki và TP.Honolulu.

Lịch sử của lễ hội Đèn lồng được cho là bắt đầu từ thời nhà Hán, Trung Quốc (25-220 Công nguyên), không ai chắc chắn về thời điểm và cách thức tổ chức. Qua nhiều thế kỷ, truyền thống lễ hội Đèn lồng đã lan tỏa khắp thế giới thông qua thương mại, nhập cư và kết hợp với nền văn hóa, phong tục của nước sở tại. Hiện lễ hội Đèn lồng diễn ra ở bất cứ nơi nào có đông người gốc châu Á sinh sống trên thế giới.

Minh Huyền

(biên dịch theo afar.com/asiahighlights.com)

Tin xem nhiều