Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu ấn đình An Hòa

07:02, 18/02/2023

Đình An Hòa là niềm tự hào của người dân, cùng với lễ hội Kỳ Yên của đình vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm - quy tụ gần 2 ngàn người dân trong và ngoài làng về tham gia lễ hội - đã trở thành nét đẹp văn hóa được duy trì suốt hàng trăm năm nay của làng Bến Gỗ.

Đình An Hòa là niềm tự hào của người dân, cùng với lễ hội Kỳ Yên của đình vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm - quy tụ gần 2 ngàn người dân trong và ngoài làng về tham gia lễ hội - đã trở thành nét đẹp văn hóa được duy trì suốt hàng trăm năm nay của làng Bến Gỗ.

Trưởng ban Quý tế đình An Hòa Nguyễn Văn Khai
Trưởng ban Quý tế đình An Hòa Nguyễn Văn Khai

Đình An Hòa là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.

Nét xưa của đình làng Nam bộ

 Đình An Hòa được nhân dân trong làng dựng năm 1792, vốn là ngôi miếu nhỏ nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai, thờ Thành Hoàng bổn cảnh. Qua thời gian, đình An Hòa đã có dấu hiệu xuống cấp và được tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào các năm 1944, 1953, 1994 và 2009. Hiện nay đình tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 3 ngàn m2. Ngoài các giá trị phi vật thể và nghệ thuật chạm khắc gỗ, đình còn có giá trị tiêu biểu về quy mô kiến trúc nghệ thuật đặc trưng của đình làng Nam bộ thế kỷ XVIII ở Đồng Nai.

Đình bảo tồn khá nguyên vẹn những đặc điểm của nền kiến trúc dân tộc, không chịu ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa như một số ngôi đình khác trên địa bàn. Theo đó, tiền đình nhìn ra sông Đồng Nai đón gió lành. Mặt bằng kiến trúc đình được bố trí dạng chữ Công, gồm Khu chánh điện, Nhà tiền bối và Nhà khách. Ngoài ra đình còn có Nhà võ ca được dựng biệt lập ở phía trước đối diện với khu Chánh điện. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động diễn xướng nghệ thuật, múa lân - sư - rồng trong các buổi lễ đình.

“Suốt cả tháng trước khi diễn ra lễ hội, các thành viên của Ban Quý tế đình ai cũng tất bật công việc chuẩn bị cho lễ hội. Chúng tôi lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Chỉ khi nào lễ hội diễn ra đúng nghi lễ lên các vị Tiền hiền, thần hoàng bổn cảnh, gần 2 ngàn người dân trong và ngoài làng được tham gia lễ hội một cách vui tươi, trọn vẹn, chúng tôi mới thật sự nhẹ nhõm…” - Trưởng ban Quý tế đình An Hòa NGUYỄN VĂN KHAI bày tỏ.

Các hạng mục kiến trúc đình đều có kiểu nhà tứ trụ (nhà vuông) và nhà xiên chính bằng kỹ thuật ghép mộng truyền thống tạo ra bộ khung sườn vững chắc, có tính chịu lực cao. Mái đình lợp ngói âm dương và vảy cá, nền lát gạch Tàu. Bờ nóc mái trang trí họa tiết rồng chầu mặt trời, cá chép hóa rồng bằng gốm men xanh biểu tượng của mây mưa, sấm chớp, thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa, được mùa, mọi việc hanh thông…

Đình An Hòa là ngôi đình hiếm hoi giữ được nét kiến trúc cùng nghệ thuật chạm khắc gỗ tinh xảo các họa tiết, đề tài như: rồng ẩn mây, cá vượt long môn, cúc, mai, dơi ngậm quả, sóng nước…trên hệ thống đầu kèo, xà ngang, cửa võng và các trang thờ. Điều này cũng biểu trưng cho ước mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cuộc sống yên bình của cư dân nông nghiệp, chài lưới làng Bến Gỗ.

Ông Nguyễn Văn Khai, Trưởng ban Quý tế đình An Hòa cho biết, điểm đặc biệt của đình An Hòa là hiện nay đình còn bảo lưu được sắc phong với nội dung “Bản an, Chánh trực, Hữu thiện, Đôn ngưng chi thần” do Vua Tự Đức ngũ niên phong tặng cho Thần Thành Hoàng làng Bến Gỗ vào năm 1852 và hệ thống hoành phi, liễn đối cổ bằng chữ Hán sơn son thiếp vàng ca tụng công đức của các bậc tiền nhân. Ngoài ra, đình còn có các cổ vật quý hiếm được trông coi, gìn giữ cẩn thận.

Theo Ban Quý tế đình, trải qua những thăng trầm thời cuộc, biến động của đời sống, các hiện vật của đình cơ bản vẫn được gìn giữ, bảo vệ nhưng một số cổ vật cũng bị mất, thất lạc. Để trông coi ngôi đình có giá trị lâu đời này, Ban Quý tế đình An Hòa, trong đó trực tiếp là ông Võ Văn Hắc - ông từ đồng thời là Phó trưởng ban Quý tế đình đều tham gia bảo vệ, hương khói đình một cách chu đáo, trách nhiệm.

Ngày qua tháng lại, các ông Khai, ông Từ… đã có hàng chục năm gắn bó, gìn giữ các giá trị văn hóa quý báu gắn với đình An Hòa cho thế hệ mai sau. “Hiện chúng tôi làm việc đình là làm công quả, chỉ mong sao gìn giữ được các giá trị mà các bậc tiền nhân để lại, duy trì nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời trong đời sống hiện đại bằng cái tâm, trách nhiệm của một người dân làng Bến Gỗ xưa” - ông từ Võ Văn Hắc chia sẻ.

Gắn kết cộng đồng dân cư

Hàng năm, vào rằm tháng 8 âm lịch lại diễn ra lễ cúng Thần Thành Hoàng bổn cảnh, chư vị thần linh với ước mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đây cũng là dịp để nhân dân trong làng và người dân xa xứ tụ họp về nguồn cội, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, học tập, vui buồn trong cuộc sống.

Theo Ban Quý tế đình An Hòa, trước đây, lễ cúng diễn ra 2 đêm là đêm rằm và đêm 16-8 âm lịch, nhưng hiện nay chỉ tổ chức 1 đêm. Để lễ hội diễn ra tươm tất, đúng theo trình tự được duy trì từ hàng trăm năm qua, Ban Quý tế và người dân phải chuẩn bị chương trình lễ hội, sắm lễ vật, trang trí lại đình… từ cả 1 tháng trước. Thành viên Ban Quý tế, người cao tuổi phải họp bàn phân công nhiệm vụ các khâu: từ những thành viên chính tham gia cử hành lễ theo đúng nghi thức truyền thống, mời các ban quý tế các đình khác đến dự, thuê đội hình diễn xướng nghệ thuật, đội lân - sư - rồng, tiệc đãi đến gần 200 mâm cỗ…

“Nhiều người dân trong làng, từ cao niên đến thanh niên, đều chung tay góp sức cho việc chung của làng theo khả năng của mình, làm sao để phần lễ được tổ chức nghiêm trang, thành kính, đúng nghi thức, phần hội vui tươi, rộn ràng, đong đầy tình làng xóm, gắn kết cộng đồng dân cư…” - ông Nguyễn Văn Khai chia sẻ.

Trước đây, lễ hội đình An Hòa còn gắn với hội đua thuyền làng Bến Gỗ với sự tham gia của các đội đua là thanh niên trai tráng trong làng và đội đua của các vùng lân cận. Hiện nay các đội đua ở làng Bến Gỗ vẫn được duy trì song không còn thi đấu thường xuyên như trước.

Trong nhịp sống hiện đại hối hả với sự đô thị hóa nhanh chóng, đình An Hòa vẫn giữ được những giá trị văn hóa lâu đời, độc đáo, là công trình có ý nghĩa quan trọng gắn liền với quá trình khai phá, xây dựng và phát triển làng Bến Gỗ xưa.

Thùy Trang - Thảo Nguyên

Tin xem nhiều