Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghĩ về hào khí Đồng Nai

07:01, 15/01/2023

Đồng Nai là tên gọi của cả vùng đất Nam bộ xưa: "Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng", "Hết gạo đã có Đồng Nai. Hết củi đã có Tân Sài chở vô"(ca dao). Trong bài viết này, tôi xin khu biệt về ranh giới địa lý của tỉnh Đồng Nai hiện tại.

Đồng Nai là tên gọi của cả vùng đất Nam bộ xưa: “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng”, “Hết gạo đã có Đồng Nai. Hết củi đã có Tân Sài chở vô”(ca dao). Trong bài viết này, tôi xin khu biệt về ranh giới địa lý của tỉnh Đồng Nai hiện tại.

Bên tượng vua Lý Thái Tổ ở vườn tượng danh nhân Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Lâm Cón
Bên tượng vua Lý Thái Tổ ở vườn tượng danh nhân Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Lâm Cón

Tôi cũng không đi sâu vào tìm hiểu lịch sử của địa danh Đồng Nai, tên gọi Đồng Nai có từ bao giờ nhưng tôi dám tin chắc một điều: lịch sử của vùng đất đang mang tên Đồng Nai với nhiều thế hệ người sống trên vùng đất đó đã thực sự xứng đáng với tên gọi của mình, nối tiếp nhau có những đóng góp cực kỳ quan trọng tạo nên hào khí của cả xứ Đồng Nai - Nam bộ xưa và đang hàng ngày hàng giờ hun đúc, làm rạng danh hào khí ấy.

* Thời nào cũng có anh hùng, thi sĩ

Lịch sử thành văn của vùng đất này được ghi dấu từ năm 1698 khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phước Chu vào kinh lý vùng đất phía Nam còn hoang vu thưa thớt. Lúc ấy dân Việt di cư vào đây từ vài trăm đến vài chục năm trước sống chủ yếu ở các giồng đất hai bên bờ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, mà tụ tập đông nhất là vùng cù lao Phố và vùng Gia Định - Sài Gòn. Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã thay mặt chúa Nguyễn lập ra bộ máy hành chánh đầu tiên ở Đồng Nai và Sài Gòn, ông “lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn” (Gia Định thành thông chí - Trịnh Hoài Đức). Điều tôi muốn khẳng định thêm ở đây là Nguyễn Hữu Cảnh sau này cả xứ Nam bộ đều thờ là “Thần hoàng bổn cảnh”, ông là người đã thay mặt chúa Nguyễn khẳng định vùng lãnh thổ của nước Đại Việt, mở ra một trang mới cho sự phát triển của vùng đất. 

Lịch sử đã đi những bước quanh co, đầy máu xương, nước mắt nhưng không thời nào không có anh hùng, thi sĩ. Hơn 200 năm trước, tại thôn Bình Trước, dinh Trấn Biên (TP.Biên Hòa hiện nay) hai dòng máu Việt - Hoa hòa quyện đã cho ra đời một con người sau này trở thành một nhà văn hóa lớn, ngôi sao sáng nhất trên văn đàn Đồng Nai - Gia Định những năm cuối thế kỷ 18. Ông là Cấn Trai Trịnh Hoài Đức. Công trình văn hóa lớn nhất Trịnh Hoài Đức để lại và cũng là công trình văn hóa lớn nhất thời trung đại ở Nam bộ là bộ sách Gia định thành thông chí. Trịnh Hoài Đức đã ghi lại lịch sử, địa lý vùng đất Nam bộ trong khoảng thời gian hai trăm năm, có những nhận xét, kiến giải khoa học về vùng đất này. Các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa vùng đất Nam bộ trước đây và sau này vẫn còn phải tìm đến bộ sách của ông. Trịnh Hòai Đức còn là một nhà thơ lớn. Thơ ông tha thiết một tình yêu quê hương đất nước.

* Tỏa rạng trong mỗi người con yêu nước

Cũng như ở mọi miền đất khác, những người “dân ấp dân lân” ở vùng đất này luôn cặm cụi lam làm, vun vén cuộc sống gia đình đầm ấm yên vui. Họ là người yêu cuộc sống hòa bình hơn ai hết. Ruộng vườn của họ, sông nước của họ, làng quê của họ, mắc mớ chi kẻ ngoại bang nhảy vô giày xéo. Ngày 2-2-1859 giặc Pháp kéo vào Gia Định. Ngày 17-2-1859, thành Gia Định thất thủ trong một buổi sáng. Ngày 16-12-1861, giặc kéo lên Biên Hòa. Quan quân triều đình nhà Nguyễn sau một vài kháng cự yếu ớt, đớn hèn bỏ ngỏ thành Biên Hòa chạy ra Bình Thuận. Nhưng nhân dân và sĩ phu Nam bộ đã vùng đứng dậy “sống mái” với giặc ngay khi chúng vừa kéo tới. Họ tự đứng ra tổ chức thành những toán dân dũng vô danh và tụ tập dưới ngọn cờ nghĩa của “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định, của lãnh tụ nông dân Nguyễn Trung Trực tập kích vào các đồn giặc, đốt cháy tàu giặc trên sông Nhật Tảo.

Hào khí Đồng Nai ở những bà mẹ hy sinh đến người con cuối cùng cho Tổ quốc. Là máu xương của hàng ngàn, hàng vạn những anh hùng đổ xuống đất này vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân...

Ở Biên Hòa, nhân dân đã cùng với lực lượng của lãnh binh Nguyễn Đức Ứng dàn trận cản giặc ở Long Thành. Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh đã hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu không cân sức này. Ông và nghĩa binh của mình là những liệt sĩ đầu tiên hy sinh trên đất Đồng Nai trong công cuộc chống thực dân Pháp xâm lược.

Ở Đồng Nai, có một địa danh ít được nhắc đến nhưng lịch sử vẫn còn ghi, đó là Rừng Lá (Xuân Lộc), thuộc địa phận các xã Xuân Hòa, Xuân Hưng bây giờ. Những ngày đầu khởi nghĩa chống Pháp, sau khi Bình Tây đại nguyên soái Trương Định hy sinh, Trương Quyền - con trai của ông đã rút quân từ Gò Công - Tân An về nơi đây lập căn cứ chống Pháp suốt mấy năm trời. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, nơi đây cũng là căn cứ địa của ta.

 Hào khí Đồng Nai luôn tiềm tàng và tỏa rạng trong mỗi người con yêu nước xứ này. Từ ngày có Đảng, hào khí Đồng Nai được nâng lên thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Ngọn lửa cách mạng nhen nhúm từ những đồn điền cao su Cam Tiêm, Phú Riềng, những xóm thợ Dĩ An, nhà máy cưa BIF… Ở xã Bình Trước, Q.Châu Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là TP.Biên Hòa) có người thanh niên yêu nước Lưu Văn Viết (Tư Chà), dưới lớp áo người bán bánh mì đã đi khắp nơi tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, gây dựng lại phong trào cách mạng. Chính ông đã giác ngộ em trai mình (Lưu Văn Văn) và kết nạp nhiều đồng chí khác vào Đảng. Và với sự vận động của đồng chí Hoàng Minh Châu đại diện Liên Tỉnh ủy Miền Đông, đã thành lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Biên Hòa: Chi bộ Bình Phước - Tân Triều.

Ở Biên Hòa còn có một thanh niên yêu nước - một người cộng sản ưu tú nữa là Nguyễn Văn Nghĩa ngày ngày đi bán dầu cù là để làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng để một sớm mùa thu Tháng Tám dẫn đầu quần chúng cướp chính quyền, cắm lá cờ đỏ sao vàng lên nóc Tòa thị chính Biên Hòa (Tòa Bố). Cũng chính ông - Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh đầu tiên của tỉnh Biên Hòa năm 1946, khi sa vào tay giặc đã thể hiện chí bất khuất kiên trung, hy sinh lẫm liệt trên dòng sông Đồng Nai lịch sử. Một Huỳnh Văn Nghệ với những vần thơ yêu nước cháy bỏng và tài lãnh đạo quân sự, xây dựng chiến khu, đánh giặc bền bỉ suốt 9 năm trường. Một Ngô Bá Cao, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa (1957-1959) bị giặc bắt, kết án tử hình, đã cùng đồng chí, đồng đội nêu cao khí tiết người cộng sản, biến tòa án giặc thành nơi tố cáo tội ác của chúng...

Ngày nay hào khí Đồng Nai đang được Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai tiếp nối, phát triển bằng thành tích của một tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước, liên tục tăng trưởng cao, văn hóa - xã hội phát triển, an ninh - quốc phòng giữ vững, đang tiến bước mạnh mẽ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hào khí Đồng Nai sẽ trường tồn và phát triển như những mùa Xuân, như sức Xuân của dân tộc.     

Tùy bút của Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều