Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Kế tục và phát huy truyền thống, Đồng Nai sẽ có bước phát triển bền vững

06:01, 15/01/2023

Với tình cảm và trách nhiệm của một nhân sĩ, nhà khoa học, nhà  báo…, đồng thời từng có 4 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai, nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lich sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay, đã dành cho Đồng Nai cuối tuần cuộc trao đổi nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Với tình cảm và trách nhiệm của một nhân sĩ, nhà khoa học, nhà  báo…, đồng thời từng có 4 nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Nai, nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lich sử Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay, đã dành cho Đồng Nai cuối tuần cuộc trao đổi nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Ông cho hay, thời Nguyễn Hữu Cảnh, ngay tên Trấn Biên đặt cho một phần Biên Hòa - Đồng Nai ngày nay đã thể hiện phần nào tính chất “đứng mũi chịu sào”, “phên giậu” của vùng biên viễn tính thời điểm đó. Phiên Trấn “ hàng xóm” lúc đó cũng có ý nghĩa tương tự. Sự “đi trước về sau” trong kháng chiến nay sẽ là “đi trước về trước” trong phát triển kinh tế và cả văn hóa.

* Khi Đồng Nai phục dựng Văn miếu Trấn Biên, theo lời mời của tỉnh, ông cùng các chuyên gia sử học, trong đó có cố GS Phan Huy Lê, vị GS đầu ngành sử học, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, vào giúp Đồng Nai các vấn đề liên quan văn miếu. Do có cái duyên đó nên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giới thiệu ông vào ứng cử tại Đồng Nai. Xin ông nói rõ hơn về việc này.

- Đúng là có cái duyên, theo cách nghĩ truyền thống dân tộc có ảnh hưởng triết lý đạo Phật. Về phía tỉnh, Đồng Nai hết sức có trách nhiệm khi mời các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành giúp Đồng Nai phục dựng Văn miếu Trấn Biên, cả về quy hoạch, xây dựng cơ bản, trang trí nội thất đến thờ phụng, trưng bày… Anh hùng lao động, Nhà giáo Nhân dân Vũ Khiêu được mời viết văn bia Trấn Biên mà nay ai cũng đọc được tại Văn miếu Trấn Biên thể hiện tinh thần cầu thị của Đồng Nai.

Đoàn chúng tôi có chuyến làm việc nhiều ngày, nhiều lần ở Đồng Nai. Đoàn làm việc với trách nhiệm cao nhất có thể.

Sau đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phân bổ một suất ứng cử vào Quốc hội cho Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và tôi được tổ chức hội giới thiệu, đặc biệt GS Vượng khuyến khích. Từ cái duyên làm việc về Văn miếu Trấn Biên, tôi được Ủy ban Bầu cử quốc gia phân về Đồng Nai ứng cử.

Sau này Hội Khoa học lịch sử Việt Nam còn đúc tượng đồng danh nhân xứ Đồng Nai trong chương trình xã hội hóa Một giọt đồng đúc tượng danh nhân. Đồng Nai được tặng tượng đồng một số vị như Nguyễn Tri Phương, anh hùng lực  lượng vũ trang Trần Công An…

* Theo ông, làm sao phát huy giá trị Văn miếu Trấn Biên hiện nay, nhất là chuyện thời sự xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam?

- Văn miếu Trấn Biên được xây dựng đầu tiên ở Nam bộ cho thấy sự quan tâm đến sự học ở vùng đất mới này. Văn miếu Trấn Biên được xây dựng năm 1715, tức chỉ 17 năm sau khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, thiết lập bộ máy hành chính phong kiến quản lý đối với một vùng đất mới, tôi cho đó là sự quan tâm đúng mức.

Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Lưu Thuận Thờ
Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Lưu Thuận Thờ

Mặt khác, cần thấy là trước đó sự học đã có nền móng, phải có cái nền để phát huy. Nói cách khác, vùng Đồng Nai có tầng dày văn hóa nói chung và sự học nói riêng. Sau đó không lâu xuất hiện nhà giáo Võ Trường Toản và môn đệ của ông, trong đó có Gia Định tam gia Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh minh chứng cho điều này. Sau nữa là Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị… Còn Phan Thanh Giản (cũng là học trò Võ Trường Toản) là trường hợp khá đặc biệt, nay đã nhận thức lại vị trí của ông.

Thân Nhân Trung, Phó đô nguyên súy Tao đàn Nhị thập bát tú thời Lê Thánh Tông viết, được dẫn trong Văn miếu ở Hà Nội: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, cũng có phiên bản dựng trong gian nhà thờ Văn miếu Trấn Biên.

Hệ giá trị văn hóa Việt Nam quá rộng và có nhiều ý kiến khác nhau, cập nhật tính chất thời đại ý nghĩa câu của Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân” trong Bình Ngô đại cáo sau khi thắng quân Minh xâm lược, tôi nghĩ hết sức quan trọng.

* Xin ông có vài ý về tương lai gần của Đồng Nai.

- Con người Đồng Nai, vị trí địa chính trị - kinh tế của Đồng Nai đã rõ, cùng với TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai góp phần quan trọng hình thành từ lâu tứ giác phát triển năng động nhất nước.

Tôi tin là Đồng Nai phát huy vị thế của mình tiếp tục có thành công mới. Nói tới Đồng Nai, ai cũng nhắc ngay dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, vừa thực tiễn, vừa là biểu trưng rất lạc quan “cánh bay” nâng tầm Đồng Nai.

Câu ca Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng luôn có ý nghĩa thời sự, tất nhiên Đồng Nai trong câu trên là vùng/miền, không chỉ là  đơn vị hành chính hiện nay. Đồng Nai vẫn có vị thế quan trọng trong Đồng Nai thuở trước và từ thời Nguyễn Hữu Cảnh. Còn “bay” như thế nào, đến đâu để hợp lòng dân, lòng người lại là việc khác.

* Xin cảm ơn ông!

Trung Phi (thực hiện)

Tin xem nhiều