Báo Đồng Nai điện tử
En

Đội ngũ nhà giáo vững vàng trước thách thức mới

09:11, 18/11/2022

Nghề giáo được ví là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, chính vì vậy mỗi nhà giáo đều tự hào về nghề mình đã chọn. Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng các thầy cô giáo vẫn chắc tay chèo, thầm lặng đưa lớp lớp các thế hệ học trò qua sông đến với tri thức, góp sức xây dựng đất nước phồn vinh.

Nghề giáo được ví là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, chính vì vậy mỗi nhà giáo đều tự hào về nghề mình đã chọn. Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng các thầy cô giáo vẫn chắc tay chèo, thầm lặng đưa lớp lớp các thế hệ học trò qua sông đến với tri thức, góp sức xây dựng đất nước phồn vinh.

Cô giáo Đinh Thị Hồng Lệ cùng các học sinh dân tộc Chăm của Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) trong giờ học
Cô giáo Đinh Thị Hồng Lệ cùng các học sinh dân tộc Chăm của Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc) trong giờ học. Ảnh: C.Nghĩa

Tốt nghiệp ngành sư phạm tại tỉnh Quảng Bình, cô giáo Đinh Thị Hồng Lệ theo chồng vào Đồng Nai lập nghiệp với chính nghề mình đã chọn.

* Nghề giáo ở vùng xa

Cô giáo Lệ chia sẻ, năm 2018 chị được phân công về điểm lẻ của Trường tiểu học Trần Hưng Đạo tại ấp 4, xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc), cách điểm chính 5km. Điểm lẻ này có 250 học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Chăm.

Với giáo viên ở điểm chính Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, hết giờ dạy là có thể ra về, nhưng ở điểm lẻ có khi phải tối mịt, bởi sau buổi dạy thầy cô phải ở lại đi vận động đồng bào Chăm cho con trở lại trường, thăm những học sinh có hoàn cảnh khó khăn... Cô giáo Lệ cho hay: “Giáo viên của trường thường xuyên đóng góp tiền, vận động các mạnh thường quân và cựu học sinh của trường hỗ trợ cho học sinh khó khăn ở điểm lẻ như: góp tiền mua sách vở, mua bảo hiểm y tế. Vì vậy, có những em nguy cơ bỏ học rất cao ngay từ lớp 1 nhưng nay đã học lên lớp 5, nhiều em kết quả học tập không tốt nhưng nay đã trở thành học sinh khá. Chỉ cần các em không bỏ học là giáo viên chúng tôi mừng lắm rồi”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Đồng hành với đội ngũ nhà giáo

Đội ngũ nhà giáo đã có đóng góp không nhỏ trong xây dựng và hình thành những con người Đồng Nai trong thời kỳ mới, đó là những con người có trình độ, nhận thức, hăng say lao động và giàu lòng yêu nước, nhân văn, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển tỉnh Đồng Nai và đất nước. Dù còn nhiều thách thức nhưng lãnh đạo tỉnh sẽ luôn đồng hành với ngành GD-ĐT, với đội ngũ nhà giáo vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện tốt hơn điều kiện môi trường dạy và học, bồi dưỡng đào tạo, chế độ chính sách…

Có gần 25 năm liên tục gắn bó với Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán), ngôi trường vùng sâu nhất của huyện, thầy giáo Nguyễn Hữu Tuân đã chứng kiến biết bao sự thay đổi của ngôi trường này. Thầy giáo Tuân nhớ lại: “Tôi về công tác ở Trường tiểu học Liên Sơn từ năm 1998, khi ngôi trường chỉ là những phòng học dựng tạm, không điện, không nước, không nhà vệ sinh. Ngoài điểm chính còn có 3 điểm lẻ dành cho học sinh ở ấp 3, ấp 7 và 8. Vào mùa mưa, chúng tôi phải thay nhau đi bộ trên những đoạn đường dài để vào điểm lẻ dạy chữ cho học sinh dân tộc vì đường xấu không thể đi xe. Điều kiện công tác khó khăn là vậy, lương thì thấp nhưng chưa khi nào tôi nghĩ sẽ chuyển nghề khác”.

Thầy giáo Tuân tự hào chia sẻ: “Gian truân vất vả trải qua nhiều nhưng hạnh phúc thì cũng không ít. Có những gia đình tôi đã từng dạy tới hai thế hệ, hết cha mẹ, giờ đến con. Có nhiều em nay đã học lên đại học, đã đi làm nhưng vẫn nhớ đến tôi khi gặp lại. Tôi thấy mình không hề uổng công khi ngày xưa có những em vì quá khó khăn, muốn nghỉ học nhưng sau đó tôi vận động tiếp tục đến trường và hôm nay nhiều em trong số đó đã thực sự trưởng thành. Hạnh phúc với những người thầy như chúng tôi thật giản dị, đó là được đồng hành với học sinh, được thấy các em trưởng thành và có ích cho xã hội”.

* Trách nhiệm với học trò

Yêu nghề, trách nhiệm với học trò chính là động lực mạnh mẽ giúp các thầy cô giáo trở nên sáng tạo để làm tròn phận sự của mình. 16 năm công tác tại Trường THCS Sông Ray (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ), cô giáo Bùi Thị Hoa, giáo viên môn Tiếng Anh đã có nhiều năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt năm 2020, cô giáo Hoa đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác và là một trong những điển hình tham dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đồng Nai lần thứ IV (giai đoạn 2020-2025).

Nhận thấy học sinh ở nông thôn không có nhiều điều kiện thuận lợi học tiếng Anh như học sinh ở thành phố, cô giáo Hoa đã mày mò nghiên cứu ra nhiều phương pháp giúp học sinh học tập hiệu quả môn học này. Cô giáo Hoa chia sẻ, muốn học trò tư duy tốt, quá trình soạn bài của giáo viên cũng đòi hỏi phải có sự tư duy, khoa học. Một giáo án tốt kết hợp với phương pháp truyền đạt sinh động của giáo viên sẽ giúp học sinh loại bỏ được điểm yếu, từ nhút nhát sang chủ động tiếp thu kiến thức.

Chẳng hạn với sáng kiến thiết kế các trò chơi tiếng Anh với phần mềm Activinspire đã biến những tiết dạy của cô trở nên sôi nổi, đúng với tinh thần học mà chơi, chơi mà học. Cô Hoa chia sẻ: “Khi tạo cho học sinh có được niềm vui trong học tập ắt sẽ mang lại hiệu quả, và hiệu quả trong trong dạy và học là một trong những mục tiêu quan trọng mà giáo viên luôn hướng đến. Tôi thực sự cảm thấy vui mừng vì những nỗ lực nhỏ bé của mình đã góp phần giúp học sinh xã nông thôn Sông Ray rút ngắn được trình độ học tập tiếng Anh so với học sinh ở những vùng có điều kiện, đặc biệt là ở thành thị”.

Là một trường THPT ở huyện thế nhưng Trường THPT Thống Nhất A (H.Trảng Bom) lại là ngôi trường giàu thành tích trong nghiên cứu khoa học với nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh và cấp quốc gia. Người góp phần quan trọng tạo lên thành tích đó chính là thầy giáo Nguyễn Thành Phương. Bằng tấm lòng yêu nghề của mình, trong nhiều năm qua, thầy giáo Phương đã thành lập và dẫn dắt các CLB sáng tạo khoa học kỹ thuật của trường cho ra đời nhiều sản phẩm không chỉ đoạt giải cao tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia mà còn ứng dụng vào thực tế.

* Sẵn sàng với thách thức mới

Ngành GD-ĐT Đồng Nai đang cùng với cả nước quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) Phạm Thị Nam cho biết: “Cùng với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thay đổi sách giáo khoa, nhà trường đang phấn đấu trở thành một trong những trường học công lập đầu tiên của tỉnh trở thành trường học số. Công nghệ thông tin đang tạo ra những thay đổi đột phá cho công tác quản lý giáo viên, quản lý học sinh và đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy và học thay cho những phương pháp cũ trước đây”.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) Đỗ Thị Cao Sang chia sẻ, suốt từ năm 2020 cho đến nay, đội ngũ nhà giáo đã trải qua một cuộc “thử lửa” khi phải đối mặt và sống chung với dịch bệnh Covid-19. Trong khoảng thời gian này đã cho thấy được sự cần cù, vượt khó và sáng tạo vì học sinh. Nếu không có sự sáng tạo, đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên thì rất khó lòng thực hiện được khẩu hiệu “tạm dừng đến trường chứ không dừng học” ở thời điểm dịch Covid-19 diễn ra rất phức tạp.

Cô và trò lớp 9/5 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) phấn khởi mừng đón Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Ảnh: Huy Anh
Cô và trò lớp 9/5 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) phấn khởi mừng đón Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Ảnh: Huy Anh

Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng Lâm Thành Hiển cho hay, đội ngũ cán bộ, giảng viên, những người trực tiếp đứng trên bục giảng là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng quyết định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, nhà trường đã tập trung nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, khuyến khích các nhà giáo nghiên cứu khoa học, có các công trình khoa học được ứng dụng vào thực tế. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường cũng đã từng bước tiếp cận với trình độ giảng dạy và nghiên cứu khoa học cao hơn trình độ trung bình trong nước, đó là hướng đến đạt chuẩn trình độ của khu vực Đông Nam Á và theo các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Trường đại học Đồng Nai là cái nôi đào tạo đội ngũ giáo viên cung cấp cho nhiều cơ sở giáo dục của tỉnh. Hiệu trưởng nhà trường Lê Anh Đức cho biết: “Nhà trường đang quyết tâm đổi mới toàn diện từ công tác tuyển sinh đến đào tạo ngành sư phạm. Ngoài tinh thần yêu nghề, sẵn sàng đổi mới để bắt kịp với xu thế mới thì khả năng nắm bắt công nghệ thông tin là một trong những yếu tố bắt buộc. Nếu công tác đào tạo chậm đổi mới thì những thách thức đặt ra với giáo dục hôm nay sẽ khó lòng giải quyết để đổi mới giáo dục một cách toàn diện”.                                                         


Nhà giáo ưu tú HÀ LÊ ANH (TP.Long Khánh): Phải luôn giữ vững phẩm chất cao quý của người thầy

Tôi tự hào vì đã hoàn thành sứ mệnh của một người “đưa đò”, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức. Càng tự hào hơn khi có nhiều thế hệ học sinh nay đã trở thành những người thầy, bác sĩ, kỹ sư… góp phần xây dựng đất nước. Dù trong hoàn cảnh nào thì điều tôi mong muốn nhất là nhà giáo phải luôn giữ vững phẩm chất cao quý của người thầy. Mỗi thầy cô giáo phải luôn là những tấm gương sáng cho học sinh học tập và làm theo.

Thầy giáo TÔ BÁ THÔNG, Trường THCS Xuân Mỹ (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ): Tình thương yêu dành cho học trò có trong mỗi người thầy

Tôi đến với nghề giáo bằng sự bồi đắp tâm hồn của chính những thầy cô đã từng dạy bảo cho mình khôn lớn, bằng tình yêu thương lớn lao các thầy cô dành cho tôi không gì có thể đo đếm được. Tôi luôn tâm niệm rằng, tình thương yêu dành cho học trò có trong mỗi người thầy. Trên cương vị là người thầy của hiện tại, tôi đã tiếp nối hình ảnh đẹp của người thầy đi trước bằng những việc làm cụ thể, đó là không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tận tâm với học trò.

Em NGUYỄN NGỌC BẢO QUỲNH, học sinh Trường TH-THCS Lương Thế Vinh (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất): Những lời dạy bảo của thầy cô giúp em vững vàng hơn

Nhờ sự quan tâm yêu thương, tận tình chỉ bảo của thầy cô đã giúp chúng em có được sự trưởng thành hơn trong nhận thức, vững vàng hơn trong kiến thức, biết sống tình cảm, yêu thương và chia sẻ. Có thể thầy cô, những người đưa đò sẽ không nhớ hết mình đã đưa bao nhiêu học trò qua sông, nhưng chắc chắn chúng em sẽ luôn nhớ về thầy cô. Chính những lời dạy bảo của thầy cô sẽ giúp chúng em vững vàng trước mọi khó khăn trong hành trình của cuộc đời.

Thành Nam (ghi)


Công Nghĩa

Tin xem nhiều