1. Trong gần 60 năm qua, hẳn nhiều người vẫn nhớ những câu thơ đầy hình tượng và cảm xúc của nhà thơ Bằng Việt trong bài Bếp lửa, được viết khi tác giả đi học tại Kiev (bây giờ thuộc Ukraine) vào năm 1963:
1. Trong gần 60 năm qua, hẳn nhiều người vẫn nhớ những câu thơ đầy hình tượng và cảm xúc của nhà thơ Bằng Việt trong bài Bếp lửa, được viết khi tác giả đi học tại Kiev (bây giờ thuộc Ukraine) vào năm 1963:
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!...
Cái bếp lửa đó mang tính biểu tượng về một cuộc sống bình dị ở nông thôn, về sự chan hòa với thiên nhiên, về quê hương, đất nước, về tình cảm gia đình ấm áp…
Cũng như vậy, khói bếp đã là một phần của ký ức, một phần của những gì thân thuộc, gắn bó, như nhà thơ Từ Kế Tường đã viết trong Bếp lửa ngày Tết:
Khói bếp cay nồng mắt
Tóc mai ướt sợi dài
Mùa xuân bay lất phất
Rơi thầm vạt áo ai…
Những cái bếp lửa ấy tượng trưng cho đời sống thanh bình, yên ấm. Nên khi lưu lạc, Đỗ Phủ đã thảng thốt: “Mỹ mỹ du thiên mạch/ Nhân yên diễu tiêu sắt”, có nghĩa là “Đi lầm lũi trên bờ ruộng, khói bếp nhà ai tiêu điều xa xa”, mà Nhượng Tống dịch là: “Đồng điền man mác trông vời/ Vì đâu khói bếp, bóng người vắng teo?”. Đó là cảnh đói khổ, tiêu điều do chiến tranh, loạn lạc mà nhà thơ nhìn thấy trên đường đi, được ghi lại trong bài Bắc chinh - Bắc quy chí Phụng Tường, mặc chế phóng vãng Phu Châu tác (Miền Bắc - Làm khi tới Phụng Tường, được vua phê chuẩn cho về Phu Châu). Đã vắng người thì khói bếp cũng thưa và xác xơ, lạnh lẽo…
2. Nhà ba mẹ tôi nhiều năm nay vẫn nấu bếp củi, đã có sẵn một cái bếp ga mới. Mẹ tôi hay nói, nấu củi cho tiết kiệm, vì trong vườn có rất nhiều củi, là các nhánh cây được cắt tỉa thường xuyên, nào bưởi, điều, cà phê… Những ngày nắng ráo, mẹ mang củi phơi quanh nhà, rồi sắp sẵn trong cái nhà kho, để nấu trong những ngày mưa. Dù cái nhà bếp đã cách biệt với các gian nhà khác, nhưng khói vẫn ám đầy trên trần và len vào các tủ quần áo. Cứ vài tháng mặc lại một cái áo nào đó thì cứ như nó vừa được treo ở cạnh bếp với, với mùi khói quyện vào từng sợi vải, hăng hắc mà thân thuộc, cũ kỹ mà nồng nàn…
Bữa cơm nấu bếp củi vẫn có hương vị riêng của nó. Cơm cháy giòn rụm. Cá kho tiêu để nhỏ lửa rất đậm đà. Cá nướng than củi vàng ươm, thơm nức mũi… Thi thoảng, bẻ vội vài trái bắp, thảy vào than nóng, trở tới trở lui một lúc thì đã có bắp nướng ngon ngọt… Chỉ có điều nồi niêu thì hay dính lọ, tay chân người làm bếp lắm lúc lấm lem… Hay gặp bữa củi ướt thì khói mịt mù, không tức giận thì nước mắt cũng ràn rụa không thôi…
Tôi về nhà, ngồi uống trà với ba, vẫn thích tận hưởng mùi hương của trà với mùi khói ám trong ấm nước, vốn đã đen sì. Mỗi sáng sớm, mẹ dậy bắc bếp, nấu thức ăn cho bầy chó và mấy cái bình thủy nước sôi. Có hôm, khi vẫn còn ngái ngủ từ nhà trên cách khá xa so với bếp, tôi đã nghe mùi khói… “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”, nước giếng ngầm xứ Đồng Nai trong vắt và ngọt đậm, làm vị trà thêm đậm đà, lại phảng phất mùi khói bếp, tự nhiên thấy rất thân thương, đầm ấm. Nhưng từ hồi nhà có điện, ba tôi hay dùng bình nấu nước siêu tốc để pha trà. Mẹ cằn nhằn tốn điện thì ba nói: “Tôi nấu bằng bình siêu tốc cho bà đỡ mất công lui cui châm mấy bình thủy nước…”. Mẹ tôi thì bảo: “Chứ không phải để nước mới sôi, ông pha trà mới ngon sao?”. Nói qua nói lại vài câu, thế nào rồi ba tôi cũng bảo: “Nói vậy chứ nước nấu bằng củi pha trà ngon hơn…”.
3. Bây giờ ai cũng thấy rằng nấu ăn bằng bếp củi có hương vị riêng và cái ngon riêng so với nấu bằng bếp dầu, bếp gas hay bếp điện. Nhưng dù vậy, cuộc sống hiện đại đã dần buộc người ta phải chọn các hình thức nấu nướng hiện đại và tiện lợi hơn. Vì vậy, người ta không còn được thấy khói bếp, không còn nghe mùi khói bếp, không còn được tận hưởng với cái “ám khói” đặc trưng khó lẫn lộn. Các bếp củi, bếp than chỉ còn ở vùng nông thôn hay xuất hiện trong các nhà hàng có phong cách riêng ở đô thị.
Với nhiều người, mùi khói bếp và màu khói bếp đã in đậm trong tâm trí, là một ký ức khó phai nhòa. Hình ảnh màu khói lam thoát ra từ mái lá, mái tranh uốn lượn theo làn gió rồi quyện ở các lùm cây, ở các ngọn tre đã mang tính biểu tượng để nỗi nhớ quê, nhớ nhà. Thôi Hiệu thấy khói sóng hẳn là nghĩ đến quê nhà nên bất giác “sử nhân sầu”. Huy Cận thì cũng vậy, thấy màu khói sóng giữa tràng giang mà tưởng là khói hoàng hôn và dâng lên nỗi nhớ nhà da diết. Còn với chúng ta, nếu đi đâu đó xa quê, thấy màu mây xám bạc thì hẳn liên tưởng đến khói bếp đâu đây, tưởng rằng ai đó đang chuẩn bị bữa cơm chiều…
Mùi khói, màu khói đã một phần của tuổi thơ, một phần của cuộc đời với rất nhiều người. Nên với họ, khói bếp luôn gần gũi, thân thuộc, dù với nhiều người khác, khói bếp còn mang tính biểu tượng đặc trưng!
Nguyễn Minh Hải