Báo Đồng Nai điện tử
En

"Lạc trôi" chợ nổi Pattaya

07:11, 12/11/2022

Ngoài thủ đô Bangkok, hình như Pattaya là nơi thu hút nhất du khách khi đến xứ sở Chùa Vàng (Thái Lan). Có lẽ vì vậy mà bên cạnh tuyến xe buýt Bangkok - Pattaya cố định, người Thái còn mở ra thêm tuyến xe buýt từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi chạy thẳng ra thành phố biển Pattaya được xem là gần Bangkok nhất, cách đó chỉ 140km.

Ngoài thủ đô Bangkok, hình như Pattaya là nơi thu hút nhất du khách khi đến xứ sở Chùa Vàng (Thái Lan). Có lẽ vì vậy mà bên cạnh tuyến xe buýt Bangkok - Pattaya cố định, người Thái còn mở ra thêm tuyến xe buýt từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi chạy thẳng ra thành phố biển Pattaya được xem là gần Bangkok nhất, cách đó chỉ 140km.

Chợ nổi Pattaya Vài góc chợ nổi
Chợ nổi Pattaya Vài góc chợ nổi

Có một Pattaya rất khác!

Giống như những người từng nhiều lần đến Thái Lan, tôi thật tình không thích Pattaya vì biển ở đây thua xa Việt Nam. Đây chỉ là một đoạn bờ hình bán nguyệt dài chừng 4km và sinh hoạt ở thành phố du lịch nổi tiếng thế giới này rất ồn ào, náo nhiệt, suốt đêm chớp nháy ánh đèn xanh đỏ với mấy con đường, tập trung nhiều nhất là con đường ven biển chen chúc đủ loại quán bar, pub, night club… (được mệnh danh là “tửu quán của thế giới”), khách sạn cao cấp lẫn bình dân cùng các tụ điểm ăn chơi nổi tiếng.

Hút khách hơn cả là những màn biểu diễn của nhiều người mẫu chuyển giới xinh đẹp lộng lẫy, các cô gái quán bar với trang phục truyền thống sặc sỡ vui cười đong đưa cùng mấy ông khách Tây cao lớn, mặt đỏ bừng bừng...

Nổi danh là “thiên đường du lịch” nhờ đủ loại hình ăn chơi, Pattaya đã từ làng chài nhỏ nằm bên vịnh Xiêm La, từ đầu những năm 1960 đã “lột xác” và trở nên nổi tiếng đến tận ngày nay.

Sau đại dịch Covid-19, trở lại Pattaya lần này, tôi thật sự bất ngờ. Con đường chạy dài theo bờ biển vẫn như ngày trước. Đến gần 10 giờ sáng, các hàng quán vẫn then cài cửa đóng, do vừa trải qua một đêm… không ngủ như nếp sinh hoạt thường nhật nơi đây và ngoài bãi biển rất thưa vắng du khách.

Nhưng có một nơi khách tham quan, du lịch đông đến khó ngờ. Hàng dài xe ca, VIP buýt... đổ khách rồng rắn xếp hàng bước vào cổng Pattaya Floating Market. Vé để vào chợ nổi Pattaya có cái tên đầy đủ là Four Regions Floating Market (Chợ nổi Bốn miền) này là 200 bath (khoảng 70 ngàn đồng Việt Nam).

Trong một bát quái đồ

Nằm trên khu 451/304 Moo 12 trên đường Sukhumvit của thành phố biển nổi tiếng ăn chơi, chợ nổi Pattaya nổi bật bên triền sông với mô hình một chiếc thuyền gỗ truyền thống của Thái Lan được cách điệu thật ấn tượng đặt trên cổng vào. Hai bên cổng vào lại có hai tượng chú voi to đùng trang phục lộng lẫy nhìn rất bắt mắt. Một hình ảnh chinh phục cả dân kiến trúc lẫn du khách bình thường là toàn khu chợ nổi được thiết kế thành hình bát quái rất độc đáo. Để du khách không bị lạc vào… “bát quái đồ”, dưới sàn có chỉ dẫn khá khoa học. Theo đó, mũi tên màu đỏ là hướng vào, mũi tên màu xanh là hướng ra.

Nằm trên diện tích 100 ngàn m2, chợ nổi Pattaya phân thành bốn khu vực riêng biệt, biểu trưng cho bốn vùng miền địa lý của xứ sở Chùa Vàng đó là khu chợ Bắc, Trung, Nam và Đông Bắc. Đặc trưng của từng vùng được nhìn thấy rõ nét nhất là bày bán các sản vật địa phương, thức ăn đặc sản… mà “bắt mắt” ngay từ lối kiến trúc nhà và gian hàng, dù phần lớn mái nhà đều làm từ gỗ thiết kế theo dạng gạch viên. Miền Bắc Thái thiết kế mái nhà theo dáng nhọn, đơn giản; còn miền Nam thì trang trí nhà với họa tiết được chạm khắc tinh xảo…. Vì vậy, không lạ khi người Thái đặt tên cho chợ nổi này là Four Regions Floating Market (Chợ nổi Bốn Miền).

Nếu cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ao ước: “Có đường phố nào vui cho tôi qua một ngày…”, thì chợ nổi Pattaya rất đáng là nơi để… “lạc trôi”.

Từng đi chợ nổi Cái Răng, ngồi trên thuyền máy uống cà phê, ăn bún riêu, hủ tiếu…, chợ nổi Phụng Hiệp ngắm cảnh trên bến dưới thuyền bán mua nông sản miền Tây, chợ nổi Phước An (H.Nhơn Trạch) mới 6 giờ sáng đã sạch bóng thuyền ghe; đặc biệt là ngồi nhậu rắn, rùa ở bờ kinh Ngã Bảy nghe bản vọng cổ Tình anh bán chiếu qua giọng hát để đời của Út Trà Ôn…;  tôi thấy chợ nổi Pattaya có sự khác biệt khá rõ ràng từ ý tưởng thiết kế đến việc thi công, xây dựng.

Ra đời sau các chợ nổi tự phát của Việt Nam và các chợ nổi lâu năm trên con kênh Damnoen Saduak ở thủ đô Bangkok, chợ nổi Pattaya mới hoạt động từ năm 2008 và xác định hình thức kinh doanh là “người bán dưới ghe, khách mua trên bờ” (khác với Việt Nam là “trên bến dưới thuyền”). Trong đó, đối tượng khách hàng chủ yếu là người “yêu thích sự thanh bình, tránh xa sự ồn ào náo nhiệt của thành phố”; nên Four Regions Floating Market trở thành một điểm nghỉ chân đầy hấp dẫn của mọi du khách khi đến thành phố biển ăn chơi nổi tiếng Pattaya.

Từ street food thành boat food

Nhiều năm gần đây, du khách không còn lạ gì với thức ăn đường phố (được gọi là street food) ngon - bổ - rẻ khá phổ biến ở khu du lịch các nước Đông Nam Á, thế nhưng ở chợ nổi Pattaya, lần đầu tiên tôi đọc thấy trên thực đơn của mấy gian hàng ăn này có một loại thức ăn được gọi là… “boat food” (thức ăn tàu thuyền)!?

Đọc kỹ trong menu và kêu ăn thử, tôi thấy đây cũng chỉ là những món ăn truyền thống khá nổi tiếng lâu nay của người Thái như: tom yum (lẩu tôm), som tam (gỏi đu đủ), các món thịt nướng satay, cà ri, kao soi (thịt ủ măng chua), mì xào, súp mì… được “lên thực đơn” trở thành boat food.

Trong số hàng trăm thức ăn tàu thuyền này, còn có cả các món dế, bò cạp chiên giòn. Đặc biệt có một gian thuyền làm món kanom krok (bánh dừa) do hai vợ chồng tự tay đổ như bánh căn của Việt Nam thơm lừng, chế biến không kịp bán.

Thái Lan rất sở trường về việc chế biến thức ăn từ nông sản sẵn có. Từ dừa, có các món
sangkha-yaa ma-phrao (dừa sữa - trứng), ta-koh (thạch kem - dừa)… Nghe đâu từ trái chuối, người Thái cho “đẻ” ra đến hơn 20 món như: kluay cap (chuối chiên muối - đường), kluay buat chili (chuối chiên tẩm nước cốt dừa), kluay ping (chuối nướng tẩm nước đường)… Hầu như tất cả những món ăn này đều có mặt trong mấy gian bán thức ăn đặc sản các vùng của Thái Lan.

Cũng khá bất ngờ là trong chợ có cả một nhà triển lãm nghệ thuật dùng làm nơi bảo tàng điêu khắc gỗ và gian hàng hóa trang trang phục truyền thống của đất nước Chùa Vàng. Có một nơi cũng hút khách du lịch nhí là gian hàng dịch vụ foot massage bằng cách ngâm chân cho cá rỉa. Việc ngồi thuyền dạo quanh khu chợ nổi cũng hấp dẫn rất nhiều du khách. Đặc biệt hơn cả là đi vào hoạt động đã 14 năm, tiếp nhận số lượng du khách rất đông mỗi ngày, nhưng hệ thống nước của khu du lịch này không bị ô nhiễm mà lại khá sạch.

                Bùi Thuận

Tin xem nhiều