Báo Đồng Nai điện tử
En

Để bạo lực gia đình không còn 'nấp' trong bóng tối

08:11, 05/11/2022

Bạo lực gia đình là nỗi đau giấu mặt, không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự của các thành viên trong gia đình, mà còn vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là nỗi đau giấu mặt, không chỉ gây tổn thương đến cuộc sống, sức khỏe, danh dự của các thành viên trong gia đình, mà còn vi phạm pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội.

Gia đình được xem là tổ ấm, là nơi để yêu thương, hãy nói không với bạo lực gia đình. Ảnh minh họa: V.H
Gia đình được xem là tổ ấm, là nơi để yêu thương, hãy nói không với bạo lực gia đình. Ảnh minh họa: V.H

Sau 14 năm đi vào cuộc sống, Luật Phòng, chống BLGĐ đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân trong phòng, chống BLGĐ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến BLGĐ cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với mô hình gia đình hiện đại, đặc biệt là nhận diện đầy đủ các hành vi BLGĐ và đưa chúng ra ánh sáng.

* “Điểm mặt” các hành vi BLGĐ 

Gia đình được xem là tổ ấm, nơi để yêu thương, nơi mà mỗi người cảm thấy được bình yên, che chở khi trở về, thế nhưng BLGĐ đã và đang “giết chết” tình yêu, hạnh phúc và sự an toàn trong mỗi gia đình. BLGĐ đang diễn ra dưới nhiều hình thức như: đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân; cưỡng hiếp; khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội; bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc...

Luật Phòng, chống BLGĐ ra đời từ năm 2007, đến nay sự thay đổi mô hình gia đình hiện đại khiến nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế.

Theo báo cáo tổng kết 14 năm triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ của Viện Gia đình và giới, cả nước đã phát hiện gần 320 ngàn vụ BLGĐ.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (ngày 26-10-2022), Quốc hội đã thảo luận và đề xuất sửa đổi, bổ sung một số hành vi vào dự án Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi. Vấn đề này đang được đông đảo người dân quan tâm, bởi thời gian qua, nhiều vụ BLGĐ có tính chất nghiêm trọng, gây tổn thương, thậm chí dẫn đến chết người diễn ra khá thường xuyên.

Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Minh Châu, một giáo viên về hưu (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, ông đã theo dõi kỳ họp Quốc hội và thấy rằng, việc sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ rất cần thiết. Bởi sau thời gian áp dụng, Luật Phòng, chống BLGĐ đã có nhiều bất cập khi các hành vi BLGĐ ngày nay đã thay đổi từ loại hình, nội dung cho đến mức độ và còn có nhiều vấn đề khác phát sinh cần bổ sung.

Theo ông Châu, chẳng hạn như hiện nay không chỉ phụ nữ bị BLGĐ, mà nam giới cũng bị. Trong nhiều gia đình, tình trạng nam giới bị bạo hành về kinh tế là rất rõ. Chẳng hạn như người vợ kiểm soát hết thu nhập của chồng, thậm chí nam giới bị vợ đánh gây thương tích… thì đối tượng nam giới bị BLGĐ cũng cần được bổ sung vào luật.

Còn BĐ Trần Thị Lam Anh (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, thời gian qua có rất nhiều vụ BLGĐ ở đối tượng người đã ly hôn hoặc người chung sống với nhau như vợ chồng. Theo bà Lam Anh, trong thực tế có nhiều trường hợp nam, nữ chưa kết hôn nhưng sống với nhau như vợ chồng, hoặc vợ chồng tuy đã ly hôn, mối quan hệ giữa họ không còn là quan hệ gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, song đây là những mối quan hệ rất đặc thù, dễ nảy sinh các tương tác, tiếp xúc trong cuộc sống. Từ đó, gia tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực. 

“Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007 không xem vấn đề bạo lực giữa 2 người đã ly hôn hoặc 2 người chưa kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng là BLGĐ vì mâu thuẫn với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, nếu lấy người bị BLGĐ là trung tâm thì mọi hành vi bạo lực xuất phát từ các mối quan hệ của những đối tượng này cũng nên áp dụng quy định của luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị BLGĐ” - BĐ Lam Anh đề xuất.

* Đưa BLGĐ ra ánh sáng

Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành xảy ra nhiều vụ BLGĐ rất nghiêm trọng, có những vụ bạo hành gây thương tích nặng, thậm chí dẫn đến những cái chết thương tâm.

BLGĐ là “sát thủ” của tình yêu và hạnh phúc gia đình, thế nhưng không phải ai cũng nhận ra mình đang bị hoặc từng bị BLGĐ bằng cách này hay cách khác. Không ít người hiểu rằng, BLGĐ chỉ là hành vi đánh đập thân thể, trong khi Điều 1, Luật Phòng, chống BLGĐ định nghĩa BLGĐ là hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại với các thành viên khác trong gia đình.

Cần chung tay ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Đồ họa: Vĩnh Quỳnh
Cần chung tay ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình. Đồ họa: Vĩnh Quỳnh

Theo báo cáo tổng kết 14 năm triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ của Viện Gia đình và giới (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), cả nước đã phát hiện gần 320 ngàn vụ BLGĐ. Viện này cũng nhận định, đây chỉ là… phần nổi của tảng băng chìm. Bởi với quan điểm không muốn “vạch áo cho người xem lưng” nên nhiều người ngại đứng ra tố cáo hành vi BLGĐ của người thân của mình.

Cũng theo thống kê của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, có tới 54% số vụ là bạo lực tinh thần và hầu hết hành vi bạo lực này vẫn còn nằm trong bóng tối. Bởi sự im lặng, che giấu của nạn nhân và cả việc không nhận diện được đây là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này khiến hình thức bạo lực này khó bị phát hiện, thu thập chứng cứ nên khó khăn trong công tác xử lý của cơ quan chức năng. “Sức công phá” của bạo lực tinh thần rất ghê gớm, song nhiều vụ bạo lực tinh thần diễn ra âm thầm, ở những gia đình có trình độ học vấn cao, có điều kiện kinh tế ổn định…

Do đó, để người trong cuộc nhận diện được hành vi BLGĐ và mạnh dạn đứng ra phản kháng, tố cáo, trước hết người bị BLGĐ hoặc người thân, người quen biết với nạn nhân cần phải mạnh dạn đứng lên.

Từng nhiều năm tham gia công tác hội phụ nữ, bà Lê Ngọc Sương (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết: “Tôi cho rằng, đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý cả những người biết nạn nhân bị BLGĐ mà không tố cáo, gián tiếp dẫn tình trạng nạn nhân bị bạo lực kéo dài, gây tổn hại lớn là đúng. Song, trên hết vẫn phải là chính nạn nhân nhận diện và đưa BLGĐ ra ánh sáng, mới có thể chấm dứt được tình trạng này”.


Phó giám đốc Sở VH-TTDL NGUYỄN THỊ MỘNG BÌNH: Lên tiếng phản ánh đi đôi với hành động bảo vệ

Hiện toàn tỉnh có hơn 3 ngàn mô hình phòng, chống BLGĐ nhưng Đồng Nai vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi người bị bạo hành chưa dũng cảm đứng lên tố cáo, để ngăn chặn kịp thời và được bảo vệ.

Để chấm dứt tình trạng BLGĐ, ngành VH-TTDL đang hành động theo phương châm “Lên tiếng phản ánh đi đôi với hành động bảo vệ”, giúp người bị BLGĐ nhận thức rõ quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực đời sống và xem BLGĐ là hành vi vi phạm pháp luật chứ không chỉ là chuyện trong nhà. Hiện Sở đang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật, dấu hiệu nhận biết BLGĐ cho người dân và có biện pháp giải quyết kịp thời khi có BLGĐ xảy ra.

ThS NGUYỄN CÔNG BÌNH, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức: Cần xử lý cả người bao che cho hành vi bạo hành

BLGĐ không chỉ gây tổn hại thể chất mà còn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần khi nhiều nạn nhân bị BLGĐ đã rơi vào trạng thái luôn bị ám ảnh bởi bạo lực, chán nản, lo lắng, sợ hãi, hoang mang, cảm thấy cuộc sống nặng nề và tuyệt vọng.

Vì vậy, để tránh cho nạn nhân bị BLGĐ rơi vào trạng thái mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần do bị bạo hành kéo dài, trước hết người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức về phòng chống BLGĐ, nhận dạng đúng, đủ các hành vi bạo hành để ứng phó khi cần thiết, đồng thời xử lý nghiêm người có hành vi bạo hành và cả người bao che hành vi bạo hành.  

An Nhiên (ghi)


Phương Liễu

Tin xem nhiều