Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếng trống trong lệ cầu an

08:09, 23/09/2022

Kỳ yên với nghĩa là cầu an, lệ cúng hằng năm theo âm lịch ở các ngôi đình làng.

Kỳ yên với nghĩa là cầu an, lệ cúng hằng năm theo âm lịch ở các ngôi đình làng.

Chánh điện và tượng thần đình Phước Lư (TP.Biên Hòa)
Chánh điện và tượng thần đình Phước Lư (TP.Biên Hòa)

Trước đây, người dân hay gọi là lệ cúng đình và ngày nay quen dùng từ lễ hội. Thời kỳ đầu khai khẩn vùng đất Nam bộ, cư dân mỗi làng, thôn, xã, ấp ở Đồng Nai thường xây dựng một ngôi đình để thờ thần Thành hoàng Bổn cảnh.

* Thần ở đình làng

Truy nguyên về thần Thành hoàng có nhiều cách giải thích với gốc tích đa dạng, nhưng tựu chung, dân gian quan niệm đơn giản là vị thần bảo hộ trên một địa vực cụ thể mà làng là đơn vị cư trú mang tính phổ quát nhất đối với cộng đồng ngụ cư. Thần Thành hoàng ở Đồng Nai được thờ ở đình, vì thế đình được gọi đình làng, gắn với tên làng, dẫu giờ đây nhiều đình đã “lọt thỏm” trong không gian chen chúc của phố thị.

Tín niệm của người dân, thần Thành hoàng là vị phúc thần công chính, hiển linh, có năng quyền bảo vệ cư dân làng. Tên gọi chung nhất mà người dân địa phương cung kính xưng tụng thần Thành hoàng Bổn cảnh hoặc vắn tắt hơn là thần làng, ông Thần, Đức Ông. Thần được thờ trong chánh điện của đình. Bệ thờ chánh điện thường có một ngai gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ. Vách giữa chánh điện có chữ Hán đại tự “Thần”.

Một số đình ở Đồng Nai có thờ những danh nhân có công với đất nước, xứ sở: Nguyễn Hữu Cảnh (đình Bình Kính), Trần Thượng Xuyên (đình Tân Lân), Nguyễn Tri Phương (đình Mỹ Khánh), Trương Định (đình Tân Vạn, đình Núi Đất), Đoàn Văn Cự (đình Tam Hiệp)… Trong phạm vi đình còn có hệ thống thần linh, đối tượng được tùng tự, phối thờ (tả ban, hữu ban, thần Nông, Thổ thần, thần Hổ, bà Ngũ Hành, bà Chúa Xứ, tiên sư, tiền hiện, hậu hiền, tiền bối, hậu bối, chiến sĩ trận vong…). Một số đình có tượng thờ được tạo tác vị nam thần tư thế ngồi, dáng vẻ uy nghi, đôi mắt sáng, gương mặt phúc hậu. Một số đình có sắc phong từ các triều vua nhà Nguyễn nhưng chiếm đa số từ thời vua Tự Đức. Thần làng phụng mệnh vua chăm lo cuộc sống an lành, bảo vệ xứ sở thái bình, loại trừ thiên tai, dịch bệnh.

* Tiếng trống Kỳ Yên

Kỳ Yên là lệ cúng quan trọng theo định kỳ ở đình trong năm theo âm lịch và đáo lệ 3 năm tổ chức đại lễ. Mục đích lệ Kỳ Yên nhằm tạ ơn thần Thành hoàng và cầu mong cho đất nước thanh bình, dân làng an vui (quốc thái dân an), thời tiết thuận hòa (phong điều vũ thuận), mùa màng tốt tươi (phong đăng hòa cốc)... Trình tự nghi tiết, lễ thức trong kỳ yên theo thứ tự nghiêm cẩn để bày tỏ lòng thành với thần linh, các đối tượng được thờ tự.

Đại lễ Kỳ Yên thường kéo dài trong 3 ngày và đình làng tổ chức xây chầu, hát bội. Đặc biệt, có sự phối hợp giữa các nghi thức cúng tế và hình thức diễn xướng vừa để cúng thần đồng thời người dân tham dự được thưởng ngoạn. Ngày nay, tùy theo điều kiện của làng mà quy mô tổ chức Kỳ Yên mỗi nơi khác nhau, bổ sung và giản lược trong một số lễ tiết.

Trong diễn xướng cúng thần, tiếng trống cùng các nhạc khí vang lên theo nội dung của vở diễn, nhân vật cuốn hút người xem trong qua tiết mục, lớp diễn một cách độc đáo.

Lễ cúng thần cầu an là sự kiện lớn của làng. Trong lễ sử dụng nhiều nhạc khí, nhạc cụ nhưng có lẽ tiếng trống được nghe nhiều nhất từ múa lân, đoàn rước trên các đường làng cho đến các nghi tiết trong các nghi cúng, xây chầu, hát bội, diễn tuồng. Vì vậy, tiếng trống được khởi lên là âm thanh báo đầu cuộc lễ cho mọi người cùng nghe, cùng biết, cùng đến tham dự.

Khí cụ trong lệ Kỳ Yên được đình lưu giữ và sử dụng gồm: mõ, chuông, chiêng, trống (tiểu, trung, đại). Trong các nghi thức, lễ tiết tùy theo điển thức mà khởi các loại khí cụ. Những chấp sự viên được phân công khởi các khí cụ phải giữ mình, tuân thủ theo lệ, thực hành nghiêm chỉnh theo trình tự. Việc khởi trống lệnh (trống nhỏ cầm tay), khởi đại cổ (trống lớn), khởi thái bình (mõ), khởi minh chung (chuông), khởi minh chinh (chiêng) đều được xướng trước đánh sau, mang đầy ý nghĩa của thông suốt cõi trời đất, giao hòa của muôn vật, đem ánh sáng chiếu vào cõi u minh… Nhạc lễ nếu đủ 11 người thì nhiều loại nhạc cụ, trong đó có 2 trống nhạc, 1 trống con, 1 trống cơm trong biên chế dàn nhạc truyền thống (phách, đờn gáo, đờn cò, tum, bạc, kèn, não bạt…).

Tiếng trống của múa lân, đoàn rước theo các hang cùng ngõ hẻm với không khí náo nhiệt. Trên đường làng vào hội của thuở chưa phố thị, đoàn rước với các bậc cao niên áo dài khăn đóng, lễ sinh áo, mũ của quân hầu, cung nghinh kiệu, bộ và dàn nhạc lễ phụ họa âm thanh réo rắt, đội lân nhảy múa… tạo nên một sắc thái sôi động ở làng quê. Bắt đầu xuất phát đoàn rước được khởi 3 hồi trống, chiêng. Sau đó, tiếng trống, chiêng được gióng lên theo 3 tiếng một.

Trống trong đoàn rước lệ Kỳ Yên đình An Hòa (TP.BIên Hòa)
Trống trong đoàn rước lệ Kỳ Yên đình An Hòa (TP.BIên Hòa)

Một số nghi tiết trong các lễ thức được thực hiện với việc khởi trống trước và mõ chiêng tiếp phụ hòa âm (kích phát tam thông) và trống, mõ, chiêng được đánh 3 tiếng xen kẽ nhau 3 lần (thái bình chung cổ tề minh). Trong nghi đọc văn tế, sau mỗi vinh tôn xưng danh thần linh thì cũng khởi các khí cụ mõ, chiêng, trống. Hầu như, trong nghi tiết nào, tiếng trống cũng tham dự từ khởi đầu cho đến hoàn tất.

Xây chầu là nghi thức đánh trống nhằm biểu trưng cho việc khai mở, khai thông “Thuận đạo trời, an đạo đất, hòa đạo người” theo nguyên lý thiên - địa - nhân. Trống trong lễ xây chầu là loại trống lớn. Giữa mặt da trống vẽ vòng thái cực. Khi thực hiện nghi lễ xây chầu với quan niệm đem lại nhiều may mắn, phát đạt cho dân làng cho nên nghiêm cẩn trong những việc liên quan: vị trí đặt trống chọn theo hướng đại lợi, không được dịch chuyển. Người được chọn đánh trống khởi đầu thường ở độ tuổi trung niên trở lên, có phẩm hạnh và biết kiêng cử trước lễ để tâm tịnh, mạnh khỏe. Nghi thức đánh trống chia làm 3 giai đoạn với các quy định cụ thể về số lượng tiếng, cách đánh (nhẹ, mạnh, lơi và nhặt, âm nhỏ, âm lớn) và đọc lời nguyện. Số lượng tiếng trống và nhịp trống đều mang những ý nghĩa tốt lành. Lời nguyện có khác nhau nhưng tựu chung cầu điều an bình, thịnh vượng và xin loại trừ những xúi quẩy, có hại đối với con người, làng thôn.

Biểu diễn lân tại lễ hội Kỳ Yên đình Tân Lân (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phước Tuấn
Biểu diễn lân tại lễ hội Kỳ Yên đình Tân Lân (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phước Tuấn

Trong một nghi đánh trống có 3 hồi, vừa đánh vừa hô nguyện: Nhất điểm lôi oanh Thiên thần cảm ứng hoặc Trừ Càn Khảm (trừ bỏ sự hư, sự bại); Nhị điểm động địa Vạn thánh giáng linh hoặc Lập Trung Chấn Cấn (cô lập sự khóc lóc, sự chết, quỷ quái); Tam điểm bổn thôn phú thọ khương ninh hoặc Tốn Ly Khôn Đoài (Cầu xin phú, lộc, phúc, đức). Ban đầu nhịp trống thưa nhưng càng về sau càng nhặt hơn với quan niệm “Tiền bần hậu phú”, có ý nghĩa cầu cho dân làng ngày càng  thịnh vượng…

* Âm vang trong nhịp sống hiện đại

Tiếng trống có mặt trong các nghi tiết, lễ thức từ khởi đầu cho đến kết thúc của lệ Kỳ Yên ở đình làng. Âm vang của tiếng trống không chỉ là âm thanh báo hiệu mà còn mang những ý nghĩa, khát khao, cầu mong và hy vọng về những điều tốt đẹp. Xưa, thật vui nhộn sau những ngày “đầu tắt mặt tối” làm lụng vất vả, người dân được nghỉ ngơi khi nhìn thấy, nghe xem và hòa vào trong không khí của lệ Kỳ Yên.

Dù cuộc sống và môi trường có nhiều biến chuyển, lệ Kỳ Yên là nét sinh hoạt tín ngưỡng thờ thần của làng chảy xuyên trong đời sống tinh thần của cư dân qua nhiều thế hệ. Trong cảnh quê thuần nông rộng thoáng hay chật hẹp ở không gian phố thị đông đúc, đình làng còn thì lệ Kỳ Yên còn. Tiếng trống Kỳ Yên vẫn được khởi âm với những thanh vang trong các nghi lễ, sinh hoạt náo nhiệt để bao người cứ ngóng trông, mong đợi và cầu mong những điều tốt lành.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều