Bà NGUYỄN KIM THOA có hơn 20 năm cống hiến cho ngành Nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất phân bón nói riêng. Bà là người đồng sáng lập Con Cò Vàng - thương hiệu uy tín, chiếm thị phần lớn của thị trường phân bón tại Việt Nam cũng như xuất khẩu tốt đi nhiều nước trên thế giới.
Bà NGUYỄN KIM THOA có gần 30 năm cống hiến cho ngành Nông nghiệp nói chung và ngành sản xuất phân bón nói riêng. Bà là người đồng sáng lập Con Cò Vàng - thương hiệu uy tín, chiếm thị phần lớn của thị trường phân bón tại Việt Nam cũng như xuất khẩu tốt đi nhiều nước trên thế giới.
Bà Nguyễn Kim Thoa. Ảnh: B.Nguyên |
Khát vọng của người phụ nữ được biết đến với danh xưng nữ tướng của ngành sản xuất phân bón Việt Nam là xây dựng được thương hiệu vàng về chất lượng cho sản phẩm phân bón Việt Nam.
* Phải đạt chất lượng như vàng
* Là phụ nữ, tại sao bà lại chọn gắn bó với ngành sản xuất phân bón nhiều vất vả suốt mấy chục năm qua?
- Ngành phân bón chọn tôi chứ khởi đầu tôi không chọn nghề này. Tôi học về lĩnh vực tài chính nhưng cái duyên tình cờ được chuyển về làm trong lĩnh vực sản xuất phân bón rồi gắn bó đến nay. Nhiều người thắc mắc sao tôi không đổi nghề này, nghề khác để thêm nhiều cơ hội nhưng tôi làm rồi thích và gắn bó mãi đến bây giờ. Tôi vẫn sẽ làm công việc này đến khi về hưu.
Trong ngành sản xuất phân bón chỉ duy nhất mình tôi là nữ gắn bó lâu dài nhất. Theo ngành này cực lắm vì phải tìm tòi học hỏi đế nắm hết kiến thức từ máy móc, quy trình sản xuất; phải nhanh nhạy tiếp nhận những tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất làm ra phân bón có chất lượng tốt; hiểu về từng sản phẩm cũng như mỗi loại cây trồng để tổ chức tốt việc tư vấn, hướng dẫn cho nông dân…
* Là người đồng sáng lập nên thương hiệu Con Cò Vàng, bà có thể chia sẻ về nguồn gốc tên thương hiệu này?
- Trước ngày đất nước thống nhất, chúng tôi được nông dân biết đến với tên gọi Hãng phân bón Việt Nam. Sau năm 1975, vào thời bao cấp, chúng tôi chủ yếu hoạt động theo kiểu cấp - phát. Bước vào thời kỳ đổi mới, chúng tôi mới nghĩ đến việc phải đặt tên cho sản phẩm. Lúc này, nền nông nghiệp của mình không còn là con trâu là đầu cơ nghiệp nữa, muốn phát triển phải hướng đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sau rất nhiều lần sàng lọc, chọn lựa thì cái tên Con Cò Vàng ra đời. Chúng tôi chọn hình ảnh con cò vì nền nông nghiệp Việt Nam gắn liền với những cánh đồng, với hình ảnh người mẹ. Từ vàng ở đây là tính từ, vừa góp phần thay đổi hình ảnh lam lũ, mò cua bắt ốc của con cò; vừa gợi lên màu vàng của cánh đồng lúa chín bao la nhưng ý nghĩa lớn nhất là sự khẳng định doanh nghiệp (DN) sẽ luôn nỗ lực để đạt chất lượng quý như vàng. Người nông dân mà có 1 Con Cò Vàng thì họ sẽ trân trọng và cất thật kỹ. Chúng tôi mong mình sẽ trở thành “Con Cò Vàng” nằm trong két sắt của mọi gia đình người nông dân.
Các sản phẩm của Con Cò Vàng đạt được nhiều danh hiệu: Hàng Việt Nam chất lượng cao; Hàng chất lượng cao, Tiêu chuẩn quốc tế; Thương hiệu nổi tiếng ASEAN, Thương hiệu mạnh Việt Nam; Tốp 20 DN hàng đầu Việt Nam; Sản phẩm tiêu biểu thời hội nhập; Bông lúa vàng Việt Nam… |
* Thời gian qua, giá phân bón tăng cao khiến sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, là chủ DN trong ngành phân bón, bà có chia sẻ gì trước khó khăn của người nông dân?
- Điều tôi mong muốn nhất hiện nay là giá nguyên liệu sản xuất, giá phân bón hạ nhiệt, giá nông sản tăng để người nông dân có cơ hội phát triển nông nghiệp. Trong tình hình giá nguyên liệu sản xuất phân bón nhập khẩu không ngừng tăng cao đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, DN đang nỗ lực tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi đang tập trung phát triển mạnh dòng sản phẩm phân hữu cơ giá rẻ 100% nguyên liệu sản xuất trong nước để có thêm sản phẩm giá tốt cho nông dân lựa chọn.
DN cũng rất quan tâm với nhiều chương trình đồng hành cùng nông dân. Trong đó, DN có chương trình hỗ trợ, đầu tư cho các HTX, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết với nhiều cây trồng chủ lực, chủ yếu là cây lúa và các loại cây ăn trái. DN tổ chức chương trình bán phân bón trực tiếp cho các HTX bằng với giá đại lý để các xã viên mua được nguồn phân bón với giá tốt đồng thời không e ngại mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
* Vượt khó, ổn định sản xuất
* Điều nông dân quan tâm nhất hiện nay là hạ nhiệt được giá các loại vật tư nông nghiệp, nhất là mặt hàng phân bón. Xin bà chia sẻ về tình hình sản xuất cũng như thị trường phân bón trong giai đoạn hiện nay?
- 2 năm qua, ngành sản xuất phân bón gặp rất nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ngay đợt dịch Covid-19 thực hiện 3 tại chỗ, nhờ chính quyền tỉnh và địa phương tạo điều kiện thuận lợi nên DN vẫn nỗ lực duy trì sản xuất. Sau đó là đợt khó khăn do thị trường tiêu thụ bị đình đốn do giá nông sản đầu ra giảm mạnh, nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long bỏ ruộng.
Bà Nguyễn Kim Thoa, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ cao Concovang Hi-tech Group vinh dự nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 2022 |
Gần đây, sản xuất có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa như mong đợi. Dự đoán, ngành sản xuất phân bón vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, nhất là giá nguyên liệu sản xuất nhập khẩu khó hạ nhiệt do thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới.
Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ cao Concovang Hi-tech Group NGUYỄN KIM THOA được trao danh hiệu Doanh nhân tâm tài ASEAN và rất nhiều những danh hiệu cao quý khác. |
* Giải pháp của DN để ứng phó với tình hình khó khăn hiện nay?
- Nhờ ngay từ đầu năm 2022, DN đã ký hợp đồng trước về nguồn nguyên liệu nên sản xuất vẫn khá ổn định. Trước khó khăn giá nguyên liệu sản xuất phân bón vẫn trên đà tăng, DN sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu sản xuất. Trong đó, tập trung đẩy mạnh dòng phân bón hữu cơ 100% nguyên liệu nội địa. DN đã tăng hợp đồng mua than bùn, bã mía, bã dầu… của những DN sản xuất trong nước để có thêm nhiều sản phẩm phân bón hữu cơ ở phân khúc giá bình dân hơn cung cấp ra thị trường.
* Đầu tư tại Đồng Nai, DN sản xuất có được hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn vừa qua?
- Chúng tôi chọn đầu tư nhà máy chính tại Khu công nghiệp Gò Dầu (H.Long Thành) vì có vị trí địa lý rất thuận lợi, nhất là có cảng biển lớn cho việc vận chuyển, xuất khẩu sản phẩm. Hạ tầng khu công nghiệp ở đây được đầu tư rất tốt theo chuẩn vừa sạch, vừa xanh. DN được hỗ trợ rất nhiều khi sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cụ thể trong 2 năm Covid-19 vừa qua, DN được giảm 50% tiền cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, của các bộ, ngành cũng luôn sẵn lòng hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN về mặt hồ sơ, thủ tục.
* Xin cảm ơn bà!
Bình Nguyên (thực hiện)