Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh oan rằm tháng 7

08:08, 12/08/2022

Rằm tháng 7 đến rồi. Bao đời nay, đến rằm tháng 7, dân gian có nhiều hoạt động cầu cúng, đời sau làm theo đời trước, cúng cứ cúng, nhưng ý nghĩa như thế nào có nhiều người chưa biết hoặc biết chưa hết. Có người hỏi: Tháng 7 là tháng cô hồn, rằm tháng 7 là ngày rằm cúng cô hồn phải không? Để trả lời câu hỏi này, ắt phải bắt đầu nói về những ngày rằm trong năm.

Rằm tháng 7 đến rồi. Bao đời nay, đến rằm tháng 7, dân gian có nhiều hoạt động cầu cúng, đời sau làm theo đời trước, cúng cứ cúng, nhưng ý nghĩa như thế nào có nhiều người chưa biết hoặc biết chưa hết. Có người hỏi: Tháng 7 là tháng cô hồn, rằm tháng 7 là ngày rằm cúng cô hồn phải không? Để trả lời câu hỏi này, ắt phải bắt đầu nói về những ngày rằm trong năm.

 Ông bà ta xưa theo lịch nhà nông, tính ngày tháng theo âm lịch. Ngày đầu tháng (mồng 1) và giữa tháng (ngày 15) được xem trọng. Ngày đầu tháng - mồng 1 gọi là ngày “sóc”, giữa tháng gọi là ngày “vọng”. Ngày vọng dân gian quen gọi là “rằm”. Do ngày rằm ứng với ngày trăng tròn nên được chú trọng. Ngoài rằm tháng 8 là Tết Trung thu, có 3 ngày rằm quan trọng được cư dân Việt thực hiện lễ thức cầu cúng đặc biệt; đó là rằm tháng Giêng; rằm tháng 7, rằm tháng 10.

Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của các ngày rằm trong năm, dân gian tin là ngày Phật giáng nên tổ chức lễ trọng, lễ hội ở chùa và lễ cúng ở gia đình; “lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.

Cũng có cách giải thích rằm tháng Giêng theo sách vở của người Hoa nên còn gọi rằm tháng Giêng là Tết Thượng Nguyên, Tết Trạng Nguyên, Tết Nguyên Tiêu, nhưng dân gian thiên về ngày lễ của Phật giáo nhiều hơn.

Rằm tháng 7 là rằm “xá tội vong nhân” gắn với tích truyện Mục Kiền Liên và lễ Vu Lan của Phật giáo. Dân gian tin rằng, ngày này vong nhân ở địa ngục được xá tội, các gia đình ở dương thế làm cỗ bàn cúng ông bà, thể hiện sự tha thứ, xóa tội đối với mọi lỗi lầm ở cõi âm cũng như cõi dương.

Rằm tháng 10 nhằm vào lức mùa vụ “cơm mới” các đình làng chuẩn bị cúng Kỳ Yên. Rằm tháng 10 có ý nghĩa như Tết cơm mới của một số vùng thuộc đồng bằng Bắc bộ, nhưng nghi thức theo Phật giáo, lễ cúng như rằm tháng Giêng, rằm tháng 7.

Vào những ngày rằm tháng Giêng, tháng 7, tháng 10, các chùa mở hội lễ Phật, cúng cầu siêu, có thể có chay đàn ứng phú. Ngoài việc dự lễ chùa, người địa phương còn có lễ cúng tại gia, cúng Phật, vào ngày 15 bằng lễ chay và cúng thí cô hồn vào ngày 16 bằng lễ mặn. Đáng chú ý là lễ cúng thí. Lễ cúng thí nhằm cầu siêu và thí của cho thập loại cô hồn mang ý nghĩa nhân đạo thành phong tục phổ biến cả nước.

Lễ cúng thí của người Nam bộ không cúng cháo lá đa như ở miền Bắc mà chủ yếu là đốt vàng mã, rải gạo muối, luôn có món bánh cúng, bánh cấp. Bánh cúng, bánh cấp là loại bánh bằng gạo nếp ngâm lá mồng ngót, gói bằng lá chuối hột, không có nhưn (nhân). Bánh cúng hình dài như chiếc đũa, to bằng ngón tay cái; bánh cấp hình vuông, dẹp, hai cái bó thành một, buộc ngang bằng dây chuối, có người cho rằng bánh này có nguồn gốc từ bánh đòn của người Chăm. Lại có người theo hình dáng mà cho rằng bánh cúng tượng trưng cho Linga, bánh cấp là biểu hiện của Yoni. Trong tín ngưỡng của người địa phương thì bánh cúng và bánh cấp để cúng và cấp cho cô hồn ăn cho “chắc bụng”, còn để mang đi, dùng dần; khác với món cháo lá đa chỉ ăn được tại chỗ và khó no lòng.

Lễ cúng cô hồn cũng có các món vịt với ý nghĩa vịt phù hợp với cõi âm hơn gà. Lễ cúng rằm, nhất là rằm tháng 7 thường có tụng kinh cầu siêu. Những nhà khá giả hay thỉnh ni, sư về nhà tụng kinh suốt đêm rằm, có khi tổ chức cả chay đàn như Đàn Vu già, Đàn Môn Sơn thí thực. Với tục cầu siêu, cúng thí; các lễ cúng rằm của cư dân Việt ở Nam bộ thể hiện lòng nhân đạo qua nghĩa cử “chăm lo cho người khác” mang đậm sắc thái dân tộc và màu sắc Phật giáo. Chính vì vậy nó được phổ biến và có sức sống lâu dài.

Theo đó, rằm tháng 7 có nhiều hoạt động mang tính nhân văn, cúng cô hồn chỉ là một trong những cách thể hiện tinh thần nhân văn đối với người đã khuất không nơi nương tựa. Có thể nói rằm tháng 7 là ngày rằm của tháng công đức vì ngày này, người ta thường cùng nhau bố thí, cúng dường, phóng sinh và làm rất nhiều việc công đức để tích đức, tích phước. Rằm tháng 7 còn là ngày rằm của tháng hiếu thảo vì có ngày Vu Lan thể hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, các gia đình phật tử còn đọc kinh Mục Kiền Liên cứu mẹ theo Phật thoại. Tháng 7 cũng là tháng của tình yêu vị tha gắn với câu chuyện đẫm nước mắt của Ngưu lang Chức nữ. Đối với người theo đạo Phật, tháng 7 còn là tháng tu học bởi vì người xuất gia hay phật tử tại gia đều ra sức học tập, siêng năng học kinh, lễ Phật trong thời gian này.

Như vậy, rằm tháng 7 là ngày rằm của tháng “nhân văn”; có cúng cô hồn, nhưng ai cho rằng tháng 7 là tháng cô hồn, rằm tháng 7 là rằm cô hồn thì… tội quá!

Ong Mật

Tin xem nhiều