Báo Đồng Nai điện tử
En

Giỗ Bác Hồ ở Văn miếu Trấn Biên

09:08, 20/08/2022

Ngày 18-8-2022, tại Văn miếu Trấn Biên, lễ giỗ Bác Hồ được tổ chức trang trọng. Có người hỏi: Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2-9-1969, sao lại giỗ Bác vào ngày này?

Ngày 18-8-2022, tại Văn miếu Trấn Biên, lễ giỗ Bác Hồ được tổ chức trang trọng. Có người hỏi: Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2-9-1969, sao lại giỗ Bác vào ngày này?

Tưởng niệm 53 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham dự lễ dâng hương kỷ niệm 53 năm Ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cúng giỗ là tập quán truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt Nam trong ứng xử với tổ tiên, người đã khuất. Việc giỗ thực hiện theo âm lịch. Ngày mất của Bác Hồ đúng vào ngày 21-7 năm Kỷ Dậu, năm nay ứng với ngày 18-8-2022.

Ngoài việc kỷ niệm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 2-9, hằng năm, vào ngày 21-7 âm lịch, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến Khu di tích K9 cùng Vườn quốc gia Ba Vì tổ chức giỗ Bác Hồ theo phong tục cổ truyền. Tại khu lưu niệm ở quê Bác và nhiều nơi có đền thờ Bác cũng giỗ Bác Hồ theo âm lịch, phù hợp với tín ngưỡng dân gian.

Ở Văn miếu Trấn Biên, việc tổ chức giỗ Bác Hồ bắt đầu từ năm 2002, đến nay tròn 20 năm. Việc này có ý nghĩa đặc biệt, hiện chỉ có ở Đồng Nai. Văn miếu Trấn Biên được phục dựng ở Đồng Nai phụng thờ biểu tượng Hồ Chí Minh nên việc giỗ Bác là chuyện bình thường. Nhưng khác thường là ở chỗ, chủ tế thực hành nghi thức giỗ Bác là Ban Quý tế đình làng luân phiên mỗi năm với nghi thức cúng đình dành cho “Thành hoàng bổn cảnh”.

Đình là thiết chế văn hóa thuộc tín ngưỡng dân gian của người Việt dành để thờ cúng tri ân thành hoàng bổn cảnh, anh hùng dân tộc, các nhà văn hóa lớn. Bác Hồ là anh hùng dân tộc được nạp vào hệ thống tín ngưỡng dân gian một cách tự nhiên, đình miễu nào cũng có hình thức thờ cúng gắn với lễ hội kỳ yên. Mỗi đình, miễu có cách riêng, hoạt động riêng lẻ. Một nhà nghiên cứu văn hóa ở địa phương đặt vấn đề: Cần có hoạt động chung để kết nối niềm tin chung về Bác Hồ kính yêu. Tất cả Ban Quý tế các đình miễu trên địa bàn TP.Biên Hòa nhất trí, hoan nghênh, hăng hái tham gia. Ý kiến thống nhất: Luân phiên, mỗi năm, Ban Quý tế một đình, miễu làm chủ tế, các đình khác tham dự.

Những năm đầu số lượng khoảng 30 đình miễu, nay số lượng đã lên 63. Có vị Trưởng ban Quý tế một đình sốt ruột: Mỗi người tham gia chủ tế ắt chỉ được một lần, vì phải 63 năm sau mới đáo lệ lần hai!

Theo thỏa thuận, đơn vị chủ tế thực hiện đầy đủ nghi thức theo lễ trọng của đình miễu nơi mình, các đình miễu khác tham dự, góp ý, bổ sung, bổ khuyết. Năm trước định chủ tế của năm sau.

Năm nay, đình Tân Bản làm chủ tế. Từ ngày 17-8 (20-7 âm lịch), công việc bày trí, lễ vật, chương trình đã được phân công chuẩn bị chu đáo. Ngày chánh lễ, lãnh đạo tỉnh và đại diện các tổ chức nhân dân tham dự, dâng hương. Sau lễ dâng hương là lễ tế theo nghi thức cổ truyền, đủ lễ: Khởi thái bình, chinh, cổ; nhạc sanh, tấn tước, hiến tước, chúc văn; có lễ sinh và đào thài hành lễ. Hơn 200 vị lão niên các Ban Quý tế trong lễ phục trang nghiêm cùng dự.

Có chứng kiến hoạt động này, mới thấu hiểu giá trị thiêng liêng cao cả của Bác Hồ trong lòng dân. Cái gì được nạp vào lòng dân thì đời đời bền vững “hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Huỳnh Tới

Tin xem nhiều