Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện về nữ phó giáo sư đầu tiên của Trường đại học Đồng Nai

08:07, 02/07/2022

PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi hiện là Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường đại học Đồng Nai. Từ một giáo viên dạy THPT, cô đã không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học và trở thành nữ phó giáo sư đầu tiên của nhà trường.

PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi hiện là Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo Trường đại học Đồng Nai. Từ một giáo viên dạy THPT, cô đã không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học và trở thành nữ phó giáo sư đầu tiên của nhà trường.

PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi trong buổi lễ bổ nhiệm chức danh PGS do Trường đại học Đồng Nai tổ chức . Ảnh: H.Yến
PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi trong buổi lễ bổ nhiệm chức danh PGS do Trường đại học Đồng Nai tổ chức. Ảnh: H.Yến

Bí quyết thành công của nữ giảng viên này chính là niềm đam mê với nghiên cứu khoa học.

* Không ngừng nghiên cứu

PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi sinh ra và lớn lên ở tỉnh Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm hóa học Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn năm 2001, cô trở về quê dạy học tại Trường THPT Nguyễn Huệ (TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Trong quá trình dạy học, cô giáo trẻ này tiếp tục học lên thạc sĩ (tại Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM) và tốt nghiệp năm 2007. Năm 2008, cô theo chồng vào Đồng Nai sinh sống và chuyển đến công tác tại Trường đại học Đồng Nai.

Chỉ 1 năm sau đó, cô Linh Chi lại tiếp tục chương trình nghiên cứu sinh và được cấp học bổng sang nghiên cứu tại Trường đại học Dược Kobe (Nhật Bản) từ năm 2011-2012. Tại đây, cô may mắn gặp được GS Takao Tanahashi, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Dược Kobe, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về địa y (một loài sinh vật kết hợp cộng sinh giữa nấm (mycobiont) với tảo lục hoặc vi khuẩn lam (photobiont), cũng có thể cộng sinh giữa 3 loài: nấm, vi khuẩn lam và tảo). Cô đã được vị giáo sư này truyền đạt cho rất nhiều kinh nghiệm quý trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là cách nhận định, đánh giá vấn đề để đưa ra phương pháp nghiên cứu, hướng đi phù hợp. Những kinh nghiệm này đã được cô áp dụng một cách hiệu quả trong nghiên cứu và hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 2014.

Cũng trong năm 2014, cô Chi được giao làm Tổ trưởng bộ môn Hóa học Khoa Sư phạm khoa học tự nhiên. Tháng 11-2021, cô được Ban giám hiệu Trường đại học Đồng Nai bổ nhiệm chức Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo. Trong suốt gần 15 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, dù ở cương vị giáo viên THPT, giảng viên đại học hay cán bộ quản lý, nữ giảng viên này vẫn chưa khi nào ngừng nghỉ công việc nghiên cứu khoa học.

* Khuyến khích giảng viên trẻ chủ động nghiên cứu khoa học

Nhờ có đam mê, tinh thần làm việc khoa học, cần mẫn, nghiêm túc, đến nay cô đã có 47 bài báo khoa học, trong đó có 21 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Cùng với hoạt động giảng dạy, hướng dẫn học viên nghiên cứu, các công trình khoa học đã công bố, nữ giảng viên 43 tuổi này đã được Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước công nhận đạt chức danh PGS vào tháng 5-2022. Cô là nữ PGS đầu tiên của Trường đại học Đồng Nai.

Chia sẻ về niềm vui này, PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi cho biết: “Tôi tự nghĩ rằng mình không giỏi mà gặp nhiều may mắn. Trước hết, tôi có một gia đình êm ấm, là “hậu phương” vững chắc, được chồng ủng hộ. Trong nghiên cứu, tôi gặp được thầy giỏi, tận tâm chỉ bảo. Ở trường, tôi được Ban giám hiệu tạo điều kiện thuận lợi để học tập nâng cao trình độ; được đồng nghiệp ưu ái, hỗ trợ… Nhờ đó, quá trình nghiên cứu của tôi có nhiều thuận lợi và đạt được kết quả”.

Thời gian làm nghiên cứu sinh, mỗi ngày, cô Chi phải thức dậy từ 4 giờ sáng để lên làm việc tại Phòng Thí nghiệm (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM). Sau đó, cô quay trở về Biên Hòa để kịp giờ đón con vào lúc 16 giờ.

 

Cũng theo PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi, dù mới 43 tuổi, cô đã thuộc lớp “tuổi già” trong số các PGS được công nhận năm nay. Độ tuổi của các nhà khoa học được phong học hàm PGS đang ngày càng trẻ hóa. Nhiều người trong số đó đã bắt đầu công việc nghiên cứu và có bài báo khoa học quốc tế từ khi còn ngồi trên giảng đường.

Không tính những người đi du học nước ngoài, những giảng viên, nhà khoa học trong nước ngày càng mở rộng giao lưu, hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học trên thế giới. Điều này tạo nên môi trường nghiên cứu thuận lợi, hội nhập quốc tế đồng thời mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới. Từ quan sát, nhìn nhận của bản thân, PGS-TS Linh Chi cho rằng, các giảng viên trẻ nên chủ động, mạnh dạn hợp tác với đồng nghiệp ở các trường đại học lớn trong nước và trên thế giới trong việc nghiên cứu.

PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi (người đứng) hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm
PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi (người đứng) hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm

Đối với sinh viên, hiện nay, mỗi năm Trường đại học Đồng Nai chỉ tuyển sinh khoảng 30 sinh viên sư phạm hóa học. Số lượng sinh viên ít giúp giảng viên có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến từng cá nhân nhưng đồng thời số lượng sinh viên làm nghiên cứu khoa học cũng ít hơn. Mặt khác, việc thực hiện các nghiên cứu hóa học khá tốn kém nên sinh viên không có đủ điều kiện để theo đuổi. Trong khi đó, nhà trường chưa có chính sách hỗ trợ kinh phí cho sinh viên nghiên cứu khoa học.

“Những sinh viên được chọn làm nghiên cứu với giảng viên, kinh phí đều do giảng viên hỗ trợ. Tôi thường làm các đề tài nghiên cứu do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) tài trợ để lấy kinh phí cho sinh viên làm” - PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi chia sẻ.

Ngoài ra, trong thời gian qua, PGS-TS Huỳnh Bùi Linh Chi đã giới thiệu được 3 sinh viên ngành Sư phạm Hóa học của Trường đại học Đồng Nai sang học tập và nghiên cứu tại Thái Lan. Cả 3 cựu sinh viên này hiện nay đều đang tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu khoa học.    

Hải Yến

Tin xem nhiều
Theo học ngành phien dich tieng han tại Đại học Duy Tân