Trung tuần tháng 3, đông đảo nghệ sĩ như Cẩm Tiên, Phượng Hằng, Ngân Tuấn, Minh Minh Tâm, Hồng Tơ, Minh Trường, Nhã Thi... đã đến chúc mừng NSND Thanh Tuấn ra mắt trung tâm dạy nghệ thuật ca vọng cổ tại số 59, Bế Văn Đàn, Q.Tân Bình (TP.HCM).
Trung tuần tháng 3, đông đảo nghệ sĩ như Cẩm Tiên, Phượng Hằng, Ngân Tuấn, Minh Minh Tâm, Hồng Tơ, Minh Trường, Nhã Thi... đã đến chúc mừng NSND Thanh Tuấn ra mắt trung tâm dạy nghệ thuật ca vọng cổ tại số 59, Bế Văn Đàn, Q.Tân Bình (TP.HCM).
Nghệ sĩ Cẩm Tiên có giọng ca chịu ảnh hưởng Thanh Tuấn, cô đến chúc mừng đàn anh khai trương lớp truyền nghề ca cổ cho các bạn trẻ |
Lớp học của những người mê Thanh Tuấn
Việc nghệ sĩ Thanh Tuấn mở trung tâm là sự kiện gây chú ý trong làng cải lương vì lâu lắm mới có danh ca trực tiếp mở “lò” đào tạo ca vọng cổ. Và bởi vì trước đó, có rất nhiều nghệ sĩ ảnh hưởng theo trường phái ca của Thanh Tuấn như: Tuấn Thanh, Minh Tiến, Ngân Giang, Chiêu Tuấn, Ngân Tuấn, Lương Tuấn, Vũ Tuấn… Chuông vàng vọng cổ năm 2010 Bùi Trung Đẳng cũng được cho là có cách ca ảnh hưởng nghệ sĩ Thanh Tuấn. Thanh Tuấn cho biết ông không nhận ai làm học trò thế nhưng những nghệ sĩ ảnh hưởng trường phái ca của ông mỗi lần gặp mặt đều khoanh tay chào thầy.
Và việc Thanh Tuấn chịu nhận “đệ tử” ở tuổi ngoài 70. Khi show diễn làm không hết, lại còn đảm nhiệm thêm vị trí giám khảo ở nhiều cuộc thi lớn như Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng… mà còn “ôm” thêm việc đào tạo, vốn là công việc rất vất vả, khiến nhiều người bất ngờ.
Bản tính người miền Trung cần cù, chịu khó nên dù đã khẳng định được cách ca riêng nhưng đến nay, Thanh Tuấn vẫn tiếp tục nghiên cứu cách luyến láy, nhấn nhá để câu vọng cổ của mình có độ bay bổng, lạng lách điệu nghệ, không gây nhàm chán. |
Nghệ sĩ Thanh Tuấn chia sẻ, lý do ông quyết định mở lò đào tạo là vì khi ông đi đâu rất nhiều bạn trẻ bày tỏ mong muốn được học cách ca vọng cổ độc đáo của ông. Cách ca đã tạo thành một trường phái ca Thanh Tuấn không lẫn vào đâu được.
Học viên tham gia lớp dạy sẽ được học 3 buổi/tuần theo lịch trình phù hợp từ thứ hai đến thứ bảy. Sau một thời gian được học nhịp nhàng cơ bản từ các thầy đờn, nghệ sĩ Thanh Tuấn sẽ trực tiếp đứng lớp hướng dẫn cách ca theo những nghiên cứu, sáng tạo riêng của ông trong suốt mấy chục năm qua, từ những luyến láy, cách nhấn nhá các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.
Trong buổi khai trương ngày 23-3, Thanh Tuấn cho biết gần 40 học viên đã đăng ký, trong đó có một học viên từ Bình Thuận vì mê giọng ca Thanh Tuấn nên đã đi xe vào TP.HCM thuê nhà ở vài tháng theo đuổi khóa học.
Nghệ sĩ Cẩm Tiên có cách ca ảnh hưởng rất nhiều từ nghệ sĩ Thanh Tuấn tâm sự cô rất thích cách hát của Thanh Tuấn vì ông có những nhấn nhá, luyến láy mà nghe một lần sẽ muốn nghe đi nghe lại hoài.
“Tôi học được rất nhiều từ anh Thanh Tuấn, nhất là cách biết chẻ nhịp mà không chẻ văn mất ý. Nghe anh mở lớp dạy ca vọng cổ tôi vui lắm. Vì trước nay những lớp này thường do thầy đờn mở và họ chủ yếu dạy cách phân nhịp. Còn anh Tuấn là danh ca, anh sẽ huấn luyện cho các bạn cách ca, xử lý bài vọng cổ như thế nào cho hay. Điều đó sẽ giúp các bạn có nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích cho việc theo nghề sau này” - Cẩm Tiên nói.
Giọng ca không lẫn vào đâu
Nghệ sĩ Thanh Tuấn tên thật là Nguyễn Thanh Liêm, ông sinh năm 1950 tại Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Vùng đất miền Trung nổi tiếng với điệu bài chòi, tuồng… nhưng nhà Thanh Liêm cứ mở radio là nghe cải lương suốt, rồi người bà con nhà đối diện có cái máy hát đĩa cứ bật hoài mấy tuồng có nghệ sĩ Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được. Nghe riết mà cậu bé đâm mê mẩn.
Từ vùng quê nghèo, ông lưu lạc vào Sài Gòn. Buổi sáng làm mướn, buổi chiều qua thầy Út Trọn học ca cổ. Người ta học cả năm mới rành rẽ 3 Nam, 6 Bắc. Còn Thanh Tuấn chỉ 3 tháng đã được thầy khen giỏi và thi đứng đầu lớp.
Sau đó, ông chuyển qua học ca diễn với thầy Bảy Trạch (bạn học với NSND Minh Vương). Giọng miền Trung vốn bị cứng và khó nghe, nhưng với nỗ lực của mình, Thanh Tuấn đã ca được tiếng Sài Gòn ngon lành.
Thanh Tuấn tâm sự ông mê bài vọng cổ lắm. Gì đâu mà ca lên nó đã mà nghe đứt ruột. Cách hát cũng không gò bó, thả sức cho nghệ sĩ tự do sáng tạo. Vậy là chàng kép trẻ miền Trung mày mò khai phá. Thanh Tuấn nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần những giọng ca hay như NSND Út Trà Ôn, danh ca Minh Cảnh, Tấn Tài…
Nghe rồi thấy cái nào lạ, hay thì học hỏi. Ông chú trọng từng chữ, từng cung bậc trong bài, chuốt đi chuốt lại tới chừng nào nghe đã, ưng ý mới thôi. Bởi vậy, nghe Thanh Tuấn ca, người ta có thể thấy bóng dáng của những hơi ca nổi tiếng nhưng không thể nói cụ thể là ai. Bởi ông biết cách kế thừa và biến thành nét riêng của mình. Giọng của ông dày, vang, những dấu sắc, huyền, nặng… được chuốt rất độc đáo, xuống trầm không bị mờ mà lên cao bén ngọt. Đặc biệt cách rung, ngân, nhấn chữ của ông đã trở thành “huyền thoại” mà rất nhiều giọng ca cổ sau này bị ảnh hưởng. Nghe là biết kiểu ca theo trường phái Thanh Tuấn không lẫn đâu được. Chính cách ca độc đáo đó mà cuối những năm 1960, đầu những năm 1970, các hãng đĩa thi nhau mời Thanh Tuấn thâu băng.
Một ngày chỉ thâu 2 bài, ông kiếm cả cây vàng. Thời hoàng kim, ông thâu cả 500-600 bài, trong đó có nhiều bài, tuồng tích mà tới nay, người mộ điệu vẫn “đòi” ông hát hoài như: Người câu bóng trăng, Khói sóng tiêu tương, Đường gươm Nguyên Bá, Tây Thi, Người tình trên chiến trận, Xuân này con không về, Nhớ Nha Trang, Chuyến xe Tây Ninh, Dòng dông quê em… Sau này còn có các vở như: Tìm lại cuộc đời, Khúc ly hương, Ánh lửa rừng khuya, Khách sạn hào hoa…
Chính sự miệt mài và đam mê khám phá cách ca vọng cổ mới lạ mà đến nay, sau mấy chục năm theo nghề, các nghệ sĩ trẻ, khán giả mộ điệu vẫn đắm đuối với cách hát của Thanh Tuấn. Hy vọng từ lớp học của ông, với những kinh nghiệm hết sức thiết thực của một danh ca sẽ khám phá ra những giọng ca triển vọng cho làng cải lương.
Trí Trọng