Báo Đồng Nai điện tử
En

Bớt phụ thuộc vào điện thoại

03:04, 02/04/2022

Khi công nghệ càng phát triển, không khó để mỗi người tự sở hữu cho mình một thiết bị di động có kết nối mạng. Với vô vàn tiện ích phục vụ công việc, học tập, giải trí, "cả thế giới trong tầm tay", điện thoại thông minh, máy tính bảng… đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người.

Khi công nghệ càng phát triển, không khó để mỗi người tự sở hữu cho mình một thiết bị di động có kết nối mạng. Với vô vàn tiện ích phục vụ công việc, học tập, giải trí, “cả thế giới trong tầm tay”, điện thoại thông minh, máy tính bảng… đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người.

Thay vì dành thời gian giải trí với điện thoại thông minh, anh Nguyễn Sơn Hoàng (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện với tâm nguyện làm từ thiện suốt đời
Thay vì dành thời gian giải trí với điện thoại thông minh, anh Nguyễn Sơn Hoàng (ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa) dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện với tâm nguyện làm từ thiện suốt đời

Bên cạnh những tiện ích nêu trên, việc quá phụ thuộc vào điện thoại, máy tính bảng khiến nảy sinh các vấn đề về tâm lý, lối sống trong xã hội hiện đại.

Không có điện thoại, không có mạng là không chịu nổi

Tầm quan trọng và tiện ích của điện thoại thông minh là không thể bàn cãi. Rõ nhất là trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, phải thực hiện giãn cách xã hội nhiều tháng liền để phòng, chống dịch, các hoạt động lao động, học tập, giải trí của nhiều người không bị gián đoạn đều nhờ vào điện thoại và các thiết bị thông minh. Vì không thể ra gặp gỡ, mọi người kết nối với nhau thông qua mạng xã hội... Đợt dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ dần được kiểm soạt nhưng với nhiều người, việc sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian dài tạo thành thói quen khó bỏ, “không biết cuộc sống thế nào nếu không có điện thoại”.

Hiện nay, có các tour du lịch về thiên nhiên như các khu rừng, hòn đảo, nơi không sóng điện thoại, không sóng wifi… phục vụ nhu cầu của những người muốn thư giãn, “sống chậm”. Hoặc một số bạn trẻ cùng nhau tổ chức các chuyến đi du lịch không sóng điện thoại, wifi…

Không chỉ trong đợt dịch mà trước đó, nhiều trẻ em từ nhỏ đã được tiếp xúc với điện thoại, máy tính bảng với các trò chơi, clip hấp dẫn. Cảnh tượng quen thuộc dễ thấy là nhiều cha mẹ phải “dỗ” con ăn, chơi bằng điện thoại, máy tính bảng… Nhiều MV dành cho trẻ em có lượt view cao ngất ngưỡng do trẻ coi đi coi lại nhiều lần. Tiêu biểu như “Ngày 13-1-2022, Baby Shark Dance đã trở thành video đầu tiên trong lịch sử đạt mốc 10 tỷ lượt xem trên YouTube… Số lượt xem của Baby Shark Dance thậm chí vượt qua cả con số 7,8 tỷ dân của thế giới, theo số liệu thống kê của Quỹ Dân số LHQ (UNFPA). Như vậy, giả sử tất cả mọi người sống trên Trái Đất đã xem video này thì họ đều hẳn đã xem ít nhất 1 lần trở lên” (theo Đài Truyền hình Việt Nam).

Chị Thu Ng. (có con đang học lớp 6, một trường THCS ở TP.Biên Hòa) cho hay: “Con được đến trường đi học trực tiếp, gặp gỡ thầy cô, bạn bè, vợ chồng tôi mừng lắm. Học kỳ 1 vừa qua, suốt ngày học tập rồi làm bạn với máy tính, khiến con tôi phụ thuộc nhiều vào điện thoại, máy tính. Thường thì giữa các tiết học, nhà trường bố trí 10 phút nghỉ, nhưng con không rời mắt khỏi máy tính mà ngồi đồng hàng giờ liền. Tôi thì không thể ngồi bên cạnh nhắc nhở, kiểm tra việc sử dụng máy tính, điện thoại mọi lúc. Số lần và thời gian con viện cớ học tập để được sử dụng máy tính, điện thoại để lên mạng xã hội chơi, chat (trò chuyện) ngày một nhiều hơn. Cứ tắt máy tính không lâu, con lại thì lại xem điện thoại, như một thói quen, trong khi không phải giờ học…”. Đáng lo hơn, theo chị Thu Ng., do con đang ở tuổi mới lớn nên khi người lớn trong gia đình có ý kiến cấm đoán hay phản ứng thì con bày tỏ thái độ rất gay gắt.

Không chỉ ở lứa tuổi trẻ em, vốn chưa đủ hiểu biết để điều chỉnh, kiểm soát hoạt động, thói quen của mình, mà ngay cả người thành niên, cũng gặp nhiều vấn đề với các thiết bị điện tử thông minh. Cụ thể là, với nhiều người khi đến một địa điểm nào, một trong những điều được mọi người quan tâm là: mạng wifi mạnh hay yếu? mật khẩu thế nào? góc nào có thể check-in được?... Ngoài ra, khi đến quán cà phê, quán ăn, không khó để thấy cảnh tượng nhiều người ngồi cùng nhau nhưng không nói chuyện trực tiếp mà sử dụng điện thoại. Thậm chí, tình trạng nghiện game, nghiện mạng xã hội cũng là vấn đề đáng bàn của xã hội hiện đại.

Điều tiết thói quen, rèn luyện lối sống tích cực

Trở lại câu chuyện của chị Thu Ng., cũng là câu chuyện của nhiều gia đình đô thị. Đến nay, sau khi khuyên giải, phân tích nhiều lần cho con hiểu, để cai mạng xã hội cho con, chị Ng. đặt mật mã (password) mới cho các thiết bị điện tử trong gia đình, dành thời gian trò chuyện với con, đưa con học tập trực tiếp, rèn luyện các hoạt động kỹ năng, vui chơi trực tiếp…

Từ trẻ em đến người lớn sử dụng điện thoại trong lúc ăn uống
Từ trẻ em đến người lớn sử dụng điện thoại trong lúc ăn uống

“Vợ chồng tôi không cấm hoàn toàn việc con sử dụng điện thoại, mạng xã hội mà là điều tiết thời gian sử dụng, uốn nắn con tập trung vào việc học, giao tiếp với người thân, tôi cũng phải “bày” cho con các hoạt động giải trí khác nhau như: mua sách mới cho con đọc, cùng con làm các món đồ thủ công… không để con nhớ rồi cắm cúi sử dụng điện thoại. Gia đình tôi cũng phải thỏa thuận với nhau những khung thời gian các thành viên đều phải dẹp điện thoại, mạng xã hội qua một bên, như: giờ ăn, giờ sinh hoạt chung của gia đình sau bữa tối... Đó là khoảng thời gian cả gia đình chia sẻ thiết thực với nhau nhiều điều” - chị Thu Ng. chia sẻ.

Cũng với suy nghĩ “Nhìn cây sửa đất - nhìn con sửa mình”, nhiều bậc cha mẹ đã thay đổi thói quen để làm tấm gương cho con trong các hoạt động và cuộc sống. Các thành viên trong gia đình tích cực lao động, làm việc, cũng như tìm ra không gian sinh hoạt chung để trò chuyện, quan tâm và trải nghiệm không những giúp gắn kết tình cảm gia đình mà còn giúp mọi người không còn dành nhiều tâm trí, thời gian cho điện thoại, mạng xã hội.

Là một người trẻ, điện thoại và mạng xã hội với anh Nguyễn Sơn Hoàng, ngụ P.Tân Hạnh, TP.Biên Hòa có nhiều lợi ích, là vật không thể thiếu. Nhưng anh cho biết, nếu dành quá nhiều thời gian sử dụng điện thoại sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, dễ đưa mình vào lối sống ảo và khiến mình phụ thuộc điện thoại, từ đó xao nhãng các hoạt động khác như: công việc, học tập, tìm hiểu cuộc sống, cũng như giao tiếp với mọi người… Cảm xúc vì thế nhiều khi bị chai sạn.

“Điện thoại và mạng xã hội chỉ là công cụ giao lưu liên lạc người thân, bạn bè và chia sẻ thông tin. Tôi tự tìm cho mình lối sống tích cực bằng cách: dành thời gian làm việc, chơi thể thao, tổ chức kết nối các hoạt động thiện nguyện… Suốt mấy năm qua, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu những đối tượng yếu thế cần sự giúp đỡ và tổ chức các hoạt động từ thiện - xã hội hỗ trợ họ. Tôi kết nối mọi người và lập nhóm thiện nguyện Từ tâm, định kỳ 2 lần/tháng, chúng tôi tổ chức phát cơm từ thiện cho người yếu thế. Tâm nguyện của tôi là làm từ thiện suốt đời, mong muốn mở tiệm cơm miễn phí cho người lao động, người vô gia cư… Nhìn thấy nụ cười, hạnh phúc của những người yếu thế là niềm vui và cũng là đam mê của tôi…” - anh Nguyễn Sơn Hoàng chia sẻ.       

Lâm Viên

Tin xem nhiều