Báo Đồng Nai điện tử
En

Rèn luyện y đức, nâng cao y thuật cho thầy thuốc

11:02, 25/02/2022

Những năm gần đây, ngành Y tế Đồng Nai đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Đặc biệt, qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Những năm gần đây, ngành Y tế Đồng Nai đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Đặc biệt, qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua cho thấy vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng. Ảnh: HẠNH DUNG
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng. Ảnh: HẠNH DUNG

Đáp lại sự tin yêu, tôn vinh, kỳ vọng của cộng đồng, bản thân mỗi thầy thuốc đang ra sức rèn luyện y đức, nâng cao y thuật.

* Trưởng thành hơn từ thực tế

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho biết, toàn ngành Y tế Đồng Nai hiện có hơn 9 ngàn cán bộ, nhân viên y tế cả khối công lập và ngoài công lập. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội, bản thân ông lo ngại nếu số ca bệnh Covid-19 tăng lên vượt quá vài chục ngàn ca bệnh, ngành Y tế sẽ khó lòng “đỡ” nổi bởi thiếu nhân lực, trang thiết bị, máy móc... Thế nhưng, nhờ sự quyết tâm, đồng lòng cùng những hy sinh không lời nào kể hết của lực lượng cán bộ, nhân viên y tế, các lực lượng tuyến đầu và toàn xã hội mà đến nay, khi tổng số ca bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh lên đến hơn 300 ngàn ca, ngành Y tế Đồng Nai vẫn đứng vững. Không những vậy, qua đợt dịch Covid-19 vừa qua, bản thân mỗi y, bác sĩ và các bệnh viện, cơ sở y tế đều trưởng thành hơn, vững mạnh hơn rất nhiều.

BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ, suốt hơn 2 năm qua, anh chưa có ngày nào được ngủ đủ giấc bởi trong đầu lúc nào cũng hiện lên 2 từ “chống dịch”. Với trách nhiệm được giao là người tham mưu các hoạt động chống dịch Covid-19 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói riêng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 nói chung, BS Phúc phải thường xuyên tiếp nhận tài liệu, những thông tin chỉ đạo từ Bộ Y tế và các cấp lãnh đạo để nắm chắc tinh thần chỉ đạo xuyên suốt. Cộng với năng lực của bản thân, BS Phúc đưa ra những nhận định, chỉ đạo liên quan đến công tác điều tra, truy vết, xử lý các ổ dịch phức tạp, điều tiết các hoạt động chuyển bệnh, phân luồng ca bệnh, chỉ định xét nghiệm, trực điện thoại đường dây nóng bất kể ngày, đêm…

Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc trẻ sinh non là con của sản phụ F0
Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chăm sóc trẻ sinh non là con của sản phụ F0

“Sau 2 năm chống dịch, không chỉ riêng tôi mà tập thể cán bộ, y, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế đều tích lũy thêm được nhiều kiến thức, kinh nghiệm đáng quý” - BS Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, theo TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, dịch bệnh Covid-19 là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các bệnh viện nâng tầm, đội ngũ y, bác sĩ được trui rèn cứng cáp hơn.

TS-BS Phạm Văn Dũng nhớ lại, thời điểm tháng 7-2021, khi thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại khu nhà 10 tầng đang xây, bệnh viện thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt là nhân lực và máy móc, trang thiết bị. Số lượng bác sĩ có khả năng hồi sức khi đó của bệnh viện chỉ đếm được trên đầu ngón tay, đó là chưa kể có những bác sĩ hồi sức không may bị nhiễm Covid-19 chưa hồi phục. Lực lượng nhân viên y tế của bệnh viện bị phân tán nhiều nơi, làm nhiều nhiệm vụ chống dịch khác nhau khiến ông vô cùng lo lắng. Thế nhưng với sự hỗ trợ của các cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện K 71…, các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa làm vừa được đào tạo. Bác sĩ đàn anh dìu dắt, hỗ trợ bác sĩ đàn em, người trước chỉ bảo cho người sau. Đến nay, khi toàn bộ nhân lực của các bệnh viện tuyến trung ương rút đi, Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng được bàn giao lại cho Sở Y tế Đồng Nai, mọi hoạt động của trung tâm vẫn duy trì và hoạt động trơn tru, hiệu quả. Số bệnh nặng và tử vong giảm sâu, có những ngày không ghi nhận ca tử vong do Covid-19.

“Từ một vài bác sĩ hồi sức, đến nay bệnh viện đã có thêm nhiều bác sĩ ở nhiều chuyên khoa khác nhau có thể làm tốt hồi sức. Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ được trui rèn qua đại dịch trưởng thành hơn rất nhiều cả về chuyên môn, tay nghề lẫn đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, các bác sĩ của bệnh viện đã tự tin tiếp nhận, điều trị thành công nhiều ca bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch, làm chủ nhiều kỹ thuật cao như: kỹ thuật chạy ECMO, siêu lọc máu liên tục…” - TS-BS Dũng nói.

* Học hỏi từ các chuyên gia

Cách đây 4 năm, 4 chuyên gia (chuyên về bệnh lý về mạch máu, tim mạch, cột sống - cơ xương khớp, viêm gan - ký sinh trùng) đang công tác, giảng dạy tại TP.HCM nhận lời BS CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh về bệnh viện này để khám, chữa bệnh cho người dân địa phương; đào tạo tại chỗ, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ trẻ của bệnh viện.

TS Nguyễn Thế Luyến, chuyên gia về cơ, xương khớp tại TP.HCM đã gắn bó 4 năm với Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh
TS Nguyễn Thế Luyến, chuyên gia về cơ, xương khớp tại TP.HCM đã gắn bó 4 năm với Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh

TS Nguyễn Thế Luyến (nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Chấn thương chỉnh hình Trường đại học Y dược TP.HCM, chuyên gia phẫu thuật cột sống của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cố vấn của Bệnh viện Bưu điện TP.HCM) phụ trách phòng khám chuyên gia về cột sống - cơ xương khớp tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ, ông và các chuyên gia khác thấu hiểu cái tâm và tầm của lãnh đạo bệnh viện đối với sự phát triển chung của bệnh viện và phục vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao cho người dân. Những năm qua, TS Luyến đã trực tiếp mổ, chỉ dạy, chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật cao cho các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh như: gãy cột sống, trượt đốt sống, hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm. Nhờ thực hiện được các kỹ thuật này nên bệnh viện đã tạo được lòng tin đối với bệnh nhân. Có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện để xin mổ chứ bệnh viện không phải năn nỉ để mổ như trước kia.

“Nhờ được “cầm tay chỉ việc” mà tay nghề của các bác sĩ trẻ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh được nâng lên rõ rệt. Phòng mổ lúc nào cũng tất bật, các bác sĩ trẻ đã mổ được nhiều ca khó, bác sĩ gây mê thì gây mê được nhiều ca mổ lớn, có những ca mổ dài 6 tiếng đồng hồ. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục chuyển giao các kỹ thuật cao như mổ cột sống cổ, vẹo cột sống cho các bác sĩ của bệnh viện” - TS Luyến nói.

BS Hồ Huỳnh Thế Bảo, Khoa Ngoại thận - tiết niệu Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, trong 4 năm làm việc tại bệnh viện, anh và nhiều bác sĩ trẻ được lãnh đạo bệnh viện quan tâm, tạo điều kiện tham gia các khóa học ngắn hạn tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM, được các chuyên gia đầu ngành ở TP.HCM về bệnh viện “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, anh có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm nghề. Đến nay, BS Bảo đã thực hiện được nhiều ca phẫu thuật như: nội soi hông lưng lấy sỏi, nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser, tán sỏi ngoài cơ thể, mổ hở lấy sỏi bàng quang, mổ hở lấy sỏi thận, mổ hở tạo hình niệu quản… Trước mỗi cuộc mổ, BS Bảo chuẩn bị kỹ càng những vấn đề liên quan, giải thích rõ ràng cho bệnh nhân về phương pháp mổ, các nguy cơ có thể xảy ra trong cuộc mổ, chuẩn bị tâm lý, tinh thần, giúp bệnh nhân có thể trạng tốt để cuộc mổ được an toàn, sau mổ thuận lợi. Bên cạnh đó, chuẩn bị kỹ về phương tiện máy móc, trang thiết bị, dự kiến trước những tình huống có thể xảy ra trong cuộc mổ và cách xử trí những tai biến có thể xảy ra.

* Không ngừng nỗ lực

ThS-BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tâm sự, điều khiến bà trăn trở nhất hiện nay là vấn đề thiếu nhân lực, không chỉ riêng bác sĩ mà cả điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên hành chính. Có nhiều nguyên nhân khiến các y, bác sĩ nghỉ việc nhiều, trong đó có vấn đề thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống và áp lực, nguy cơ lây nhiễm cao. Từ 170 bác sĩ, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai chỉ còn 137 bác sĩ. Lực lượng điều dưỡng cũng còn thiếu hơn 50 người.

BS Hà cho rằng, hầu hết thầy thuốc là đam mê, yêu nghề. Song với cơ chế thị trường như hiện nay, chỉ đam mê và yêu nghề thôi thì chưa đủ để người thầy thuốc gắn bó với nghề. Việc giữ chân thầy thuốc phải là thu nhập. Người thầy thuốc phải có thu nhập khá để ổn định cuộc sống thì mới có thể toàn tâm, toàn ý vì người bệnh, theo đuổi đam mê.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của bệnh viện, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang tiếp tục kêu gọi các bác sĩ trẻ mới ra trường về bệnh viện làm việc. Đồng thời, tiếp tục gửi bác sĩ đi đào tạo ở TP.HCM ở các chuyên khoa: gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực chống độc, phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật sơ sinh… Bên cạnh đó, bệnh viện liên tục mời các chuyên gia ở TP.HCM đến bệnh viện giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến; tổ chức học trực tiếp tại bệnh viện, mời hội chẩn liên viện, kết nối từ xa…

Còn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, BS Phan Văn Huyên cho hay, bệnh viện đang bỏ ra một khoản chi phí rất lớn để cho hơn 30 bác sĩ, điều dưỡng đi học sau đại học nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo BS Huyên, đối với người thầy thuốc, tay nghề cao cực kỳ quan trọng. Song song với tay nghề cao, bệnh viện đặc biệt quan tâm đến vấn đề y đức, tinh thần, thái độ phục vụ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Lãnh đạo bệnh viện đang nỗ lực xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực trẻ có tài, có đức, có tâm để người dân trong khu vực được tiếp cận với dịch vụ chất lượng cao. Không những thế, khi vào bệnh viện, tiếp xúc với nhân viên y tế, người bệnh cảm thấy an toàn, an tâm, được chia sẻ, thấu hiểu và tôn trọng.

Hạnh Dung


TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế:

Trăn trở về thu nhập của bác sĩ

Thực tế hiện nay cho thấy, thu nhập của các bác sĩ, điều dưỡng chưa tương xứng với sức lao động họ bỏ ra, không đảm bảo cuộc sống của nhân viên y tế. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng đã phải nghỉ việc tại cơ sở y tế để làm công việc khác có thu nhập cao hơn. Thậm chí, lương của bác sĩ sau khi học 6 năm ra trường đi làm không bằng lương của một công nhân phổ thông. Đây là nghịch lý mà ai cũng thấy và cần chỉnh sửa. Chính phủ phải có sự thay đổi trong chính sách đãi ngộ nhân lực ngành Y tế. Hoặc tùy theo tình hình ngân sách của các địa phương mà cho phép HĐND các tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ nhân viên y tế phù hợp. Bên cạnh đó, ngành Y tế phải có hành lang pháp lý rõ ràng để y, bác sĩ được an tâm làm việc, cống hiến, tập trung vào công tác chuyên môn, chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, không phải lo nghĩ những vấn đề như: đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, máy móc…

BS CKI Nguyễn Thị Đố, chuyên gia về viêm gan, ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM:

Mong các bác sĩ trẻ thực sự yêu nghề

Tôi hy vọng các bác sĩ trẻ hiện nay năng động hơn, tranh thủ thời gian mọi lúc mọi nơi để học hỏi từ các chuyên gia những vấn đề như: cách tiếp cận bệnh nhân, ứng xử, xử lý tình huống khi bệnh nhân có những thắc mắc hoặc xử trí các tình huống lâm sàng, nhận định bệnh nhân ban đầu, chẩn đoán, điều trị, hướng dẫn bệnh nhân sau điều trị. Để gắn bó lâu dài với ngành Y và có được chỗ đứng trong lòng người bệnh, bản thân mỗi bác sĩ phải thực sự yêu nghề, không được phép cẩu thả trong hành nghề bởi chỉ cần một phút giây cẩu thả của bác sĩ, cái giá phải trả là tính mạng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, các bác sĩ trẻ cần quan tâm hơn đến vấn đề hậu điều trị, hậu phẫu thuật cho bệnh nhân.

BS CKII Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai:

Nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh

Thời gian qua, cùng với ngành Y tế Đồng Nai, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng cao. Để nâng tầm bệnh viện, những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vẫn đang được bệnh viện nỗ lực triển khai, giúp người bệnh không phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm chi phí, công sức. Công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế được lãnh đạo bệnh viện đặc biệt quan tâm. Trong thời gian tới, bệnh viện tiếp tục triển khai các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế. Qua đó, đem đến sự hài lòng cho người bệnh khi đến với bệnh viện.

BS Hồ Huỳnh Thế Bảo, Khoa Ngoại - thận niệu Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh:

Nỗ lực tiến xa hơn nữa

 Là một bác sĩ trẻ, tôi tự nhận thấy mình chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng bù lại, tôi có tình yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ngần ngại trong việc chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Các bác sĩ đàn anh từng nói với tôi, mỗi bệnh nhân là một cuốn sách để người thầy thuốc nghiên cứu, học tập. Mỗi bệnh nhân là một cá thể khác nhau nên cách cầm dao của bác sĩ cũng khác nhau. Cơ thể con người là một cá thể hoàn chỉnh nên cần hạn chế tối đa việc dao kéo. Trường hợp bắt buộc phải can thiệp dao kéo thì bác sĩ cố gắng can thiệp tối thiểu để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bệnh nhân. Nghề y là nghề học cả đời. Tôi sẽ cố gắng học hỏi hơn nữa, rèn luyện tốt hơn nữa để trở thành thầy thuốc có tâm, có tài, phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Trong năm nay, tôi sẽ hoàn thành học chuyên khoa I, tương lai xa sẽ cố gắng thực hiện ước mơ là đi Pháp để trau dồi chuyên môn về ngoại tiết niệu trong 1 năm. Sau đó, tôi sẽ quay trở lại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh để tiếp tục phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện.      

   An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều