Báo Đồng Nai điện tử
En

Thầm lặng 'làm sạch' dữ liệu dân cư

09:12, 24/12/2021

Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 2 dự án lớn do Bộ Công an làm chủ đầu tư (dự án còn lại là dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân), có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Dự án này đã và đang được lực lượng công an các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện.

Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 2 dự án lớn do Bộ Công an làm chủ đầu tư (dự án còn lại là dự án Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân), có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Dự án này đã và đang được lực lượng công an các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện.

Các cán bộ, chiến sĩ Công an P.An Bình (TP.Biên Hòa) tra cứu, rà soát thông tin, dữ liệu về dân cư trên hệ thống máy tính. Ảnh: T.Danh
Các cán bộ, chiến sĩ Công an P.An Bình (TP.Biên Hòa) tra cứu, rà soát thông tin, dữ liệu về dân cư trên hệ thống máy tính. Ảnh: T.Danh

Hằng ngày, các cán bộ - chiến sĩ (CB-CS)  công an các đơn vị, địa phương vẫn miệt mài với việc “làm sạch” dữ liệu dân cư (DLDC) để đảm bảo thông tin DLDC chính xác, thống nhất. Theo đó, các CB-CS thực hiện kiểm tra, đối chiếu dữ liệu thông tin dân cư với thông tin công dân trong sổ sách quản lý về cư trú, tàng thư hồ sơ hộ khẩu, tàng thư đảm bảo thông tin công dân “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đồng bộ lên hệ thống.

* Khắc phục nhiều khó khăn

Vừa nhận chuyển giao ca trực từ đồng đội, thượng úy Nguyễn Văn Việt, cảnh sát khu vực KP.1, P.An Bình (TP.Biên Hòa) cho biết, đã nhiều tháng nay anh và các CB-CS Công an phường luôn miệt mài với công việc thu thập, chỉnh sửa và cập nhật dữ liệu dân cư.

Với nhiệm vụ của một cán bộ cảnh sát khu vực, thượng úy Nguyễn Văn Việt cũng như các cán bộ khác phải rà soát số nhân, hộ khẩu trên địa bàn khu phố do mình quản lý để cập nhật các thông tin, dữ liệu của người dân một cách đầy đủ, chính xác. Qua công tác rà soát, nếu phát hiện các trường hợp thông tin dữ liệu như: tên, tuổi, địa chỉ, ngày, tháng năm sinh... hoặc số lượng nhân khẩu trong cùng gia đình có di biến động thì cán bộ cảnh sát khu vực sẽ bổ sung, chỉnh sửa hoặc cập nhật lại trên hệ thống cho đúng.

Theo Công an TP.Biên Hòa, đến nay lực lượng công an các phường, xã trên địa bàn thành phố đã triển khai thu thập được hơn 852 ngàn dữ liệu thông tin về dân cư trên địa bàn thành phố. Hiện các CB-CS đang tập trung vào thu thập thông tin các trường hợp có đăng ký thường trú nhưng không có mặt tại địa phương để hoàn thiện thông tin.

Đối với những người dân tạm trú hoặc người sinh sống vãng lai, không có nơi ở ổn định nhưng hiện vẫn có mặt tại địa phương thì các cán bộ cảnh sát khu vực P.An Bình cũng rà soát lập danh sách và thu thập thông tin cho người dân. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế gặp rất nhiều khó khăn.

Thượng úy Nguyễn Văn Việt cho biết, nhiều trường hợp mặc dù hộ khẩu còn đăng ký tại địa phương nhưng trên thực tế những người này đã bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống; có người nhà vẫn còn nhưng bỏ đi làm ăn xa... Chính vì vậy nên khi cán bộ Công an phường đến xác minh không thể thu thập được thông tin.

Đặc biệt, thời gian vừa qua do điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc cán bộ cảnh sát khu vực tiếp cận để thu thập thông tin từ người dân gặp nhiều khó khăn.

Thượng úy Nguyễn Văn Việt cho biết: “Chúng tôi đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để thông báo và yêu cầu người dân cùng phối hợp cung cấp thông tin. Bên cạnh những người dân hợp tác thì cũng có người từ chối cung cấp thông tin. Trong đó một vấn đề khá khó khăn hiện nay là việc mượn sổ hộ khẩu để cập nhật thông tin thì nhiều người dân đã từ chối. Nhiều người cứ nghĩ rằng công an thu sổ hộ khẩu nên đã không hợp tác”.

Thường xuyên theo dõi công tác thu thập DLDC của Công an P.An Bình, thiếu tá Nguyễn Duy Khanh, Phó trưởng Công an P.An Bình cho biết, là một địa phương có lượng dân cư tạm trú đông, các di biến động về dân cư khá phức tạp, thời gian vừa qua công an phường đã huy động nhiều CB-CS cùng tham gia công tác “làm sạch” DLDC.

Thiếu tá Nguyễn Duy Khanh cho biết, với hệ thống trang thiết bị hiện có, gần như ngày nào Công an phường cũng bố trí các cán bộ thay phiên nhau làm việc 24/24 giờ để rà soát DLDC nhằm đảm bảo tiến độ. Đã nhiều tháng nay, gần như bộ phận thu thập, rà soát, cập nhật DLDC đều làm việc thâu đêm. Các hoạt động phần lớn trên hệ thống máy móc nhưng đòi hỏi các cán bộ phải thật cần mẫn, tỉ mỉ với từng con số, thông tin để tránh sai sót.

Ngoài P.An Bình, hiện một số phường có số dân cư đông ở TP.Biên Hòa như: Trảng Dài, Long Bình, Long Bình Tân..., các cán bộ cảnh sát khu vực đang “căng mình” để cập nhật dữ liệu, điều chỉnh, bổ sung để cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục đích trước mắt là để giúp cho người dân làm thẻ căn cước công dân thuận lợi. Ngoài ra, còn để có nguồn dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” cung cấp cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

* Nỗ lực vì nguồn dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”

Trung tá Đào Tiến Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.Biên Hòa cho biết, việc xây dựng cơ sở DLDC quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội của người dân.

Trước mắt, DLDC chia sẻ và hỗ trợ trên các lĩnh vực quốc phòng, giáo dục, y tế, lao động việc làm, bảo hiểm... Đây đều là những lĩnh vực thiết yếu, gần gũi và có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân. Xác định được vai trò quan trọng đó, công tác xây dựng DLDC đã và đang được các CB-CS triển khai thực hiện một cách quyết liệt, khẩn trương và bài bản.

Người dân cung cấp, đối chiếu thông tin cho cán bộ Công an P.An Bình (TP.Biên Hòa)
Người dân cung cấp, đối chiếu thông tin cho cán bộ Công an P.An Bình (TP.Biên Hòa)

Tuy nhiên, cũng theo trung tá Đào Tiến Hùng với một khối lượng công việc lớn, việc thu thập DLDC đã tạo áp lực lớn đối với mỗi CB-CS. Trong đó, đặc biệt tại các địa phương có số dân tạm trú, dân nhập cư đông, công tác thu thập dữ liệu lại càng khó khăn hơn. Ngoài bộ phận tham gia phòng, chống dịch, còn lại đơn vị cũng đã huy động tối đa lực lượng hỗ trợ công an các phường, xã để rà soát, điều chỉnh thông tin, số liệu cho phù hợp. Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an thành phố và Ban chỉ huy đội cũng thường xuyên đến các địa bàn để kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho các
CB-CS trong công tác nghiệp vụ.

Trực tiếp chỉ đạo công tác thu thập DLDC thời gian qua, trung tá Trương Anh Đức, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, công tác thu thập DLDC tập trung chủ yếu ở công an các phường, xã. Trong đó có rất nhiều nội dung mà các CB-CS phải thực hiện như: xử lý thông tin bị trùng lặp; thiếu, thừa thông tin về chủ hộ (có những trường hợp không xác định chủ hộ, nhưng cũng có trường hợp có hơn một chủ hộ trong một địa chỉ đăng ký); thiếu các trường thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (thường trú, tạm trú)…

Theo trung tá Trương Anh Đức, TP.Biên Hòa là thành phố thuộc tỉnh có dân số đông dân nhất nước, với hơn 1,2 triệu dân, do đó khối lượng công việc của đội ngũ làm công tác DLDC là rất lớn. Tuy nhiên, với một quyết tâm cao, lực lượng công an cơ sở, nhất là các cán bộ cảnh sát khu vực đã rất tích cực, sáng tạo trong công tác thu thập dữ liệu dân cư.

Đối với một số khó khăn, vướng mắc thời gian qua, lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa cũng chủ động kiểm tra, đôn đốc và cùng các CB-CS trực tiếp tham gia tìm cách tháo gỡ.

Đặc biệt, đối với công tác tiếp cận cập nhật thông tin từ người dân địa phương, công an các phường, xã cũng đã tham mưu chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành: lực lượng bảo vệ dân phố, tổ nhân dân, cán bộ khu phố cùng tham gia tuyên truyền, hỗ trợ để người dân nắm bắt chủ trương, qua đó hỗ trợ để lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ.

Trung tá Trương Anh Đức nhấn mạnh, cơ sở DLDC là dữ liệu gốc để các cơ sở dữ liệu khác tham khảo, điều chỉnh. Chính vì vậy, quá trình thu thập, cập nhật thông tin, các CB-CS công an đã rất ý thức trong việc xây dựng một nguồn dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” theo đúng yêu cầu Bộ Công an đã đề ra.

Trần Danh

Tin xem nhiều
Giải pháp dự phòng dữ liệu hiện đại