Báo Đồng Nai điện tử
En

Ðời ba gác

08:11, 26/11/2021

Trong số những người có tuổi còn hành nghề xích lô, ba gác chiều hằng ngày vẫn đẩy xe về gửi qua đêm ở nhà chị hàng xóm, tôi đặc biệt chú ý đến ông bởi khuôn mặt già nua đen cháy, da nhăn nheo như là dấu ấn của một đời đạp xe ba gác kiếm sống giữa Sài thành.

Trong số những người có tuổi còn hành nghề xích lô, ba gác chiều hằng ngày vẫn đẩy xe về gửi qua đêm ở nhà chị hàng xóm, tôi đặc biệt chú ý đến ông bởi khuôn mặt già nua đen cháy, da nhăn nheo như là dấu ấn của một đời đạp xe ba gác kiếm sống giữa Sài thành. Và có lẽ cái nghề này sẽ theo ông đến lúc nào chân chồn, gối mỏi không còn chạy được nữa, không còn ai thuê chở nữa mới thôi. Bởi với tuổi của ông giờ cũng chẳng biết làm nghề gì để sống nuôi thân. 

Thấy mọi người trong xóm quen gọi chú Ba, tôi cũng mạnh mồm:

- Hôm nay chạy được khá không chú Ba?

Nở một nụ cười hiền từ, hơi nheo nheo mắt, chú Ba vui vẻ đáp:

- Hổng ra sao, hổm rày hổng dám đậu, phải canh giờ mấy ông đô thị đi. Từ lúc có chủ trương cấm xe thì tui đi gần gần thôi, không dám đi xe tới Tân Bình, Tân Phú… ngày hôm qua không được đồng nào, bữa nay được trăm ngàn. 

Nhẹ nhàng rít một hơi thuốc lá, chú chậm rãi tâm sự:

- Tui vốn quê ở xã Long Trường, Q.9 nhưng sinh ra tại P.Phú Hữu cũng thuộc Q.9. Trước vốn là lính thiết giáp chế độ cũ, hồi đầu thập niên 60 của thế kỷ trước bị bắt đi quân dịch sau đó giải ngũ, đến sau Mậu Thân lại bị bắt vô lính tới ngày giải phóng. Tui học cải tạo 4 ngày…

Minh họa: Công Hoàng
Minh họa: Công Hoàng

Nhà chú Ba trước ở Q.4, ngay đường Bến Vân Đồn, năm 2000 bị giải tỏa để xây trường học thì chú đưa gia đình tất tả dời ra ngoại ô về lại quê cũ. Tiền đền bù được hơn 100 triệu đồng, chú chia cho con mỗi người một ít, còn lại một ít chú xuống phường Long Trường, Q.9 mua lại mảnh đất 107m2 đủ cất một căn nhà cấp 4 rộng rãi làm nơi an cư cho mấy cha con. Hằng ngày, chú vẫn đi xe máy từ nhà đến chỗ gửi tại P.Nguyễn Thái Bình, trung tâm Q.1 để lấy xe ba gác máy ra chạy. Chiếc xe của chú Ba nó cũng cà tàng và có tuổi thọ trên 30 năm. Dù vậy, với con ngựa thồ già nua này, bình quân mỗi ngày chú cũng kiếm được 100 ngàn đồng, trừ tiền xăng khoảng mười mấy ngàn thì cũng đủ chú lo cho bản thân. Hiện chú Ba đang ở chung với vợ chồng con trai, với cháu nội và dùng tiền kiếm được phụ tiền chợ hằng ngày cho con dâu. Cả 4 người con của chú không ai học hết lớp 12 và đến mấy đứa cháu cũng vậy vì “cho đi học cứ trốn học hoài!”.

Tôi hỏi chú:   

- Thành phố đã có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phương tiện làm ăn cho người chạy ba gác, xích lô sao chú không chuyển? Chú liền chia sẻ:

- Chuyển sang xe khác không có vốn, xe lam Trung Quốc 3 bánh thì cũng phải trăm triệu hơn, nghe nói cũng có xe 4 bánh khoảng 70 triệu đồng nhưng không có tiền. Giờ chạy qua ngày thôi.

Mỗi sáng, chú mang xe ra đầu cầu Calmette chờ mối quen gọi. Từ ngày thành phố cấm xe, mỗi khi thấy lực lượng giao thông đô thị hay công an là phải đánh bài né vì cái xe cà tàng của chú cũng không có giấy tờ đàng hoàng dù mua từ hồi mới giải phóng.

Nếu trước đây, khi còn cho chạy thoải mái, có những hôm khách thuê chở từ đây xuống dưới Vũng Tàu, giá cả sinh hoạt lại thấp, bình quân mỗi ngày chú kiếm được khoảng 200 ngàn đồng nên rất dễ sống nhưng nay thì nghề đã hết thời, xe hết đát và người cũng xuống sức theo thời gian rồi mà kiếm tiền thì cũng bữa đực bữa cái nên đã có bữa lo chạy không dám ăn vì giá cơm cũng 18-20 ngàn một đĩa.

Và dường như thông cảm với cảnh ngộ của những người lớn tuổi chạy xích lô ba gác như chú mà anh em hay ngó lơ, có lúc bị giữ lại nhưng nhờ lớn tuổi lại “hoàn cảnh” nên chú lại xin và được cho qua. Về phía chú, vì nể mấy ông cảnh sát giao thông nên buổi trưa bao giờ chú cũng tranh thủ canh chạy, có khi không ăn cơm. 

Một buổi chiều khi trời đã chạng vạng, phố xá bắt đầu lên đèn. Đợi chú cất xe trong con hẻm để về nhà bên Q.9 (nay là TP.Thủ Đức), tôi mạnh miệng hỏi:

- Chạy đến khi nào thì “nghỉ hưu” vậy chú?

Chú hồn nhiên đáp:

- Chưa biết, cứ chạy được lúc nào được, còn kiếm cơm được là còn chạy.

 Tôi nhìn theo cái dáng chú Ba mảnh khảnh từ từ khuất xa nơi con phố chiều mà lòng lâng lâng cảm xúc. Vẫn có những người dù tuổi đã già, sức đã yếu nhưng vẫn ngày ngày lao động để nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.

Hai năm nay, cơn bão dịch Covid-19 càn quét qua đô thị sầm uất nhất nước và thành phố này đã trải qua nhiều đợt giãn cách, những người làm nghề tự do như chú bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tôi cũng rất ít gặp lại chú.

***

Mới đây, khi trở về con hẻm nhỏ sau nhiều tháng giãn cách chống dịch, tôi lạnh người khi nghe nói có đến 3 người thân của những người hàng xóm tôi qua đời vì Covid-19. Đó là một bà bán cà phê đầu hẻm tuổi ngoài 60 bị tật nguyền, thêm một ông to khỏe 54 tuổi, con bà Bảy, có tiền sử bệnh huyết áp, dính Covid-19 đã không qua khỏi và một ông Ba 74 tuổi bị bệnh tim đã 15 năm, dịp giãn cách nghiêm ngặt lên cơn đau nhưng không có bệnh viện nào tiếp nhận thế là về nhà điều trị, sau đó 2 tuần thì chết.

Bất giác tôi nhớ đến chú Ba. Không biết giờ này chú đang ở đâu? Tôi cầu mong cho ông vẫn bình an qua cơn đại dịch và có đủ sức khỏe để hằng ngày kiếm đủ cơm nuôi thân và có những giây phút vui vầy tuổi già bên lũ cháu nội, ngoại sau mỗi ngày đạp xe kiếm sống…

Truyện ngắn của Văn Phong

Tin xem nhiều