Báo Đồng Nai điện tử
En

Thơ thiếu nhi cần chân thành, giàu cảm xúc

08:10, 08/10/2021

Trả lời phỏng vấn Đồng Nai cuối tuần, nhà thơ Nguyễn Phong Việt bày tỏ mong muốn văn học Việt Nam đương đại cần có thêm nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi thuyết phục được phụ huynh cho con em họ đọc.

Trả lời phỏng vấn Đồng Nai cuối tuần, nhà thơ Nguyễn Phong Việt bày tỏ mong muốn văn học Việt Nam đương đại cần có thêm nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi thuyết phục được phụ huynh cho con em họ đọc.

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Phong Việt vốn có nhiều tập thơ nổi tiếng và ăn khách cho giới trẻ trong suốt 10 năm qua gây thú vị trong công chúng khi gần đây, anh lại dành thời gian và tâm huyết để sáng tác thơ cho thiếu nhi - một “địa hạt” không nhiều tác giả chú tâm theo đuổi sáng tác, trong khi nhu cầu lại không nhỏ. Phong Việt là tác giả của những tập thơ song ngữ Việt - Anh in màu dành cho thiếu nhi đã ra mắt công chúng như Xin chào những buổi sáng (2018) và mới nhất là Những chiếc ghế trong căn bếp nhỏ (The chairs in the small kitchen, chuyển ngữ tiếng Anh bởi Rosy Trần, minh họa bởi họa sĩ Đặng Hồng Quân) do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành.

Dòng suối yêu thương

Cái nắm tay…

Nguyễn Phong Việt

Mình nắm tay con nhé

Đi vào đến cổng trường

Rồi hôn nhau tạm biệt

Để về khoảng trời riêng.

Con sẽ vui trong lớp

Cùng bạn bè, thầy cô

Ba sẽ nhiều tất bật

Bao công việc đang chờ.

Một người hứa học giỏi

Một người hứa làm hay

Để đến chiều gặp lại

Vẫn yên bình nắm tay!

 

Các tập thơ thiếu nhi của Phong Việt bao gồm loạt sáng tác với câu chữ và nội dung đáng yêu, phản ánh những sinh hoạt thường ngày trong gia đình; tình yêu của cha mẹ dành cho con mình; sự ấm áp, sum vầy, chăm sóc mà các thành viên dành cho nhau; cả góc nhìn trẻ thơ “mắt bé lại lấp lánh, bao nhiêu là yêu thương” (trích bài thơ Bé đi xe máy cùng ba)…

Những bài thơ tiếp nối là những kỷ niệm yêu thương trong mái ấm gia đình thuở ấu thơ, đồng thời như một “nhật ký hành trình” trưởng thành của con trẻ, những điều nhỏ bé nhưng đẹp đẽ ảnh hưởng tốt đến tâm lý phát triển của trẻ em từ lúc vô tư thơ ngây đến khi biết nhiều hơn về thế giới xung quanh.

“Tôi muốn kể lại những câu chuyện trong quá trình được quan tâm, chăm sóc và nhìn thấy con mình khôn lớn lên mỗi ngày. Đồng thời, chính người con cũng là niềm động viên cho cha mẹ vượt qua những lo âu, vui buồn trong cuộc sống. Cảm xúc và tình cảm gia đình như dòng suối mát lành chảy từ hai phía tâm hồn, tạo nên giá trị của tình thương và hạnh phúc được bồi đắp qua năm tháng tuổi thơ con trẻ” - nhà thơ Phong Việt chia sẻ.

Hòa vào thế giới trẻ thơ

 Cảm hứng sáng tác thơ thiếu nhi của anh đến từ đâu? Bao nhiêu là từ thực tế và bao nhiêu là tưởng tượng?

- Tất cả những bài thơ tôi viết đều là cảm hứng đến từ cậu con trai 8 tuổi. Tôi “may mắn” hòa nhập vào được cái thế giới trẻ thơ ấy của con trai mình và nhìn thấy ra được rất nhiều điều mà từ lâu rồi, “thế giới người lớn” trong tôi đã mất đi. Như lời chia sẻ trong tập thơ mới nhất, tôi muốn “kể những câu chuyện bé nhỏ trong quãng đời được nhìn thấy con lớn lên với tất cả những vô tư lẫn khờ dại”. Đó là một quãng đời “không bao giờ lặp lại, với con và cả với ba!”.

Tôi là người thích viết dựa trên trải nghiệm thực tế. Và tôi tin, cũng chỉ có điều đó mới làm cho câu chữ của mình chân thành và giàu cảm xúc. Mỗi người viết sẽ có một cách để kể chuyện khác nhau. Và tôi chọn kể những gì mình nhìn thấy cũng như trải qua.

 Thơ có phải là loại hình dễ đến với trẻ em nhất với nhiều ích lợi như gửi gắm những bài học giáo dục gần gũi, giúp trẻ thêm yêu đọc sách?

- Trước hết tôi chọn viết thơ vì đây là thế mạnh sáng tác của mình từ trước đến nay. Ở góc độ khác tôi nghĩ trong thơ còn có nhịp điệu, tiết tấu và hình ảnh giúp cho không gian tưởng tượng của các bạn nhỏ sẽ phong phú hơn rất nhiều khi đọc. Vì vậy, tôi vẫn tin thơ sẽ dễ tiếp cận với các bạn nhỏ hơn. Đặc biệt là nếu thơ kể được những câu chuyện ý nghĩa dưới lớp vỏ bọc của câu chữ, kèm hình ảnh minh họa ăn khớp.

Tuy nhiên, điều quan trọng không kém nữa là các bậc cha mẹ có nhận ra điều trên hay không. Chính bản thân tôi cũng nghĩ đến việc mình viết cho thiếu nhi nhưng mình còn phải học cách tiếp cận các bậc phụ huynh nữa. Vì chính cha mẹ là người chọn sách cho con. Văn học Việt Nam đương đại cần có thêm nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi, chinh phục được cả trẻ em lẫn người lớn.

  Xin cảm ơn anh!

Trung Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều