Báo Đồng Nai điện tử
En

Người tiêu dùng lo ngại 'làn sóng' tăng giá

08:10, 08/10/2021

Trong khi thu nhập của nhiều người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 thì gần đây giá gas, xăng, một số loại thực phẩm lại đồng loạt 'leo thang' khiến nhiều bà nội trợ, đặc biệt là công nhân, người lao động gặp khó khăn.

Trong khi thu nhập của nhiều người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 thì gần đây giá gas, xăng, một số loại thực phẩm lại đồng loạt 'leo thang' khiến nhiều bà nội trợ, đặc biệt là công nhân, người lao động gặp khó khăn.

Người dân mua hàng tại điểm bán hàng bình ổn giá P.Tam Phước (TP.Biên Hòa)
Người dân mua hàng tại điểm bán hàng bình ổn giá P.Tam Phước (TP.Biên Hòa)

Người tiêu dùng lo lắng các mặt hàng thiết yếu sẽ bước vào “làn sóng” tăng giá đồng loạt vì chi phí nhân công, vận chuyển, nhiên vật liệu đều đã tăng.

Nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá

Liên tiếp trong 2 tuần qua, giá xăng dầu, gas, rau, củ liên tục tăng, đáng chú ý, giá gas tăng bình quân hơn 40 ngàn đồng/bình loại phổ biến 12kg.

Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ đại lý gas Minh Thành, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ ngày 1-10 giá gas tăng khoảng 35-45 ngàn đồng/bình 12kg, tùy loại. Trong đó, hãng gas chị làm đại lý tăng 40 ngàn đồng/bình. Cụ thể, loại bình 12kg tăng từ 340 ngàn đồng/bình lên 380 ngàn đồng.

Theo chị Huyền, trước đây gas rẻ còn có thêm quà tặng. Từ khi gas tăng giá quà tặng cũng bị cắt. “Chúng tôi bán hàng cho công ty, đắt hay rẻ vẫn bán được nhưng bán rẻ thích hơn. Khách hàng không phàn nàn, nhân viên giao hàng cũng đỡ phải giải thích. Một số khách hàng không biết nghĩ chúng tôi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá và đòi chuyển sang đại lý đổi gas khác” - chị Huyền chia sẻ.

Tiết kiệm, sống đơn giản hơn là cách mà nhiều bà nội trợ đang thực hiện để ứng phó với tình trạng vật giá leo thang, dịch bệnh hiện nay.

Giá gas tăng cao khiến tiêu dùng của nhiều bà nội trợ, nhất là công nhân người lao động thêm phần khó khăn. Chị Nguyễn Thị Phương, công nhân Công ty TNHH Cariyan Wooden (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây 5-6 tháng gia đình mới đổi gas. Nhưng thời gian này chị thất nghiệp, 2 con học online tại nhà nên cỡ 3 tháng đã phải đổi gas.

“Tôi ở nhà thu nhập giảm 2/3, trong khi đó chi phí tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền ăn lại tăng thêm gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với khi mẹ đi làm, con đi học” - chị Huyền cho biết.

Nhiều người tiêu dùng cho rằng, không chỉ giá gas, giá xăng, giá cả nhiều dịch vụ, mặt hàng thiết yếu cũng tăng nhẹ. Chẳng hạn rau, củ, quả tăng thêm 5-7 ngàn đồng/kg tùy loại. Bà Lê Thị Hiền, điểm bán hàng bình ổn giá ở KP.Long Đức 1, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) chia sẻ, từ ngày 3-10 bà đã điều chỉnh giá một số loại rau xanh. Nguyên nhân chính là do mưa nhiều làm ảnh hưởng đến năng suất và làm gia tăng tỷ lệ hư hao đối với các loại rau ăn lá. Theo bà Hiền, chỉ cần mưa liên tục 2 ngày giá rau xanh đã thay đổi. Đó là chưa kể xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng. Chi phí xét nghiệm cho tài xế, nhân viên bán hàng cũng được tính vào giá các mặt hàng.

Giá cả hàng hóa tăng, giảm theo quy luật cung cầu của thị trường là tất yếu, nhưng trong điều kiện hiện nay, nó lại khiến nhiều gia đình thêm phần khó khăn.

Xu hướng “thắt lưng buộc bụng”

Người tiêu dùng lo ngại, thời gian tới giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ tiếp tục tăng do nhiên liệu tăng, chi phí sản xuất trong mùa dịch tăng. Trên các diễn đàn, nhiều người chia sẻ kinh nghiệm sống chung với tình trạng giá cả “leo thang” và dịch bệnh lâu dài như: chuyển sang nấu bằng bếp điện và hạn chế các món ăn cầu kỳ để giảm tiền gas; duy trì chi phí sinh hoạt gia đình ở mức tối giản; tiết kiệm điện, nước, đồ ăn thừa; tự nấu ăn thay vì mua đồ ăn sẵn...

Giá cả các mặt hàng nông sản tăng được cho là do tác động của thời tiết và chi phí vận chuyển. Trong  ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại điểm bán của bà Lê Thị Hiền, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa)
Giá cả các mặt hàng nông sản tăng được cho là do tác động của thời tiết và chi phí vận chuyển. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại điểm bán của bà Lê Thị Hiền, P.Tam Phước (TP.Biên Hòa)

Chị Phạm Thị Vy (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết, giai đoạn này gia đình chị đang áp dụng lối sống tối giản nhất có thể. Các khoản tiêu cá nhân, sinh hoạt gia đình, thậm chí ngay trong bữa ăn hằng ngày cũng phải cắt giảm. Các món, lượng đồ được tính theo khẩu phần của từng người để không bị bỏ thừa.

Chị Vy cho biết: “Thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội tôi thích sáng tạo món mới theo công thức trên mạng. Từ tối hôm trước tôi đã nghĩ sáng ăn gì, nấu gì cho bữa trưa và bữa tối. Nghĩ xong thì tìm điểm mua nguyên liệu về chế biến. Nhưng hiện tại, trong nhà có gì ăn đó, miễn sao no, đủ chất. Mặc gì cũng được miễn gọn gàng, sạch sẽ. Khi đi chợ tôi mua thêm củ quả để ăn lâu dài thay vì các loại rau yêu thích nhưng không để được lâu, mua gia vị cũng chọn loại lớn để tiết kiệm chi phí”.

Chị Nguyễn Thị Hằng (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, những ngày giãn cách xã hội chị làm quen với việc tập thể dục vào sáng sớm, đọc sách trước giờ đi ngủ. Điều này giúp chị tiết kiệm được kha khá việc “ngứa tay” mua sắm, giảm bớt thời gian tiếp xúc với thiết bị công nghệ mà vẫn có niềm vui khi ở nhà chống dịch.   

Người tiêu dùng mong muốn ổn định giá cả thị trường

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay giá xăng được điều chỉnh 16 đợt, tính chung xăng tăng hơn 5 ngàn đồng/lít và dầu diezen tăng hơn 4 ngàn đồng/lít, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2020. Giá gas được điều chỉnh tăng 7 đợt, bình quân tăng khoảng 150 ngàn đồng/bình 12kg, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá gas, xăng tăng, cộng thêm các yếu tố bất thường như: nhu cầu mua sắm các mặt hàng tăng cao trong thời gian ngắn (lương thực, thực phẩm, thiết bị công nghệ học online), khâu vận chuyển bị chậm lại do dịch bệnh khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt. Kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới và duy trì bình ổn giá thị trường đối với các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên là mong muốn chung của người tiêu dùng.

Lê An

Tin xem nhiều