Báo Đồng Nai điện tử
En

Quan tâm chế độ chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

04:07, 10/07/2021

Với phương châm "làm hết việc, không làm hết giờ, sẵn sàng chờ lệnh điều động", các y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong tỉnh đã và đang căng mình thực hiện nhiệm vụ.

Với phương châm “làm hết việc, không làm hết giờ, sẵn sàng chờ lệnh điều động”, các y, bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 trong tỉnh đã và đang căng mình thực hiện nhiệm vụ.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng số tiền 50 triệu đồng hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Tuy nhiên, so với khối lượng công việc và nguy cơ lây nhiễm mà họ phải đối mặt thì mức thu nhập hằng tháng chưa tương xứng, ảnh hưởng ít nhiều đến tâm tư, tình cảm, đời sống của các y, bác sĩ, nhân viên làm nhiệm vụ trong bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và các khu cách ly tập trung.

* Áp lực cao

Tháng 4-2020, Bệnh viện Phổi Đồng Nai được chuyển đổi công năng từ bệnh viện chuyên điều trị các bệnh về lao, phổi sang bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và cách ly, điều trị các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao.

BS Lương Văn Châu, Giám đốc bệnh viện cho biết, việc chuyển đổi công năng khiến bệnh viện phải dừng toàn bộ hoạt động khám, chữa bệnh thông thường sang chuyên điều trị Covid-19. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, tay nghề chuyên môn của các bác sĩ. Các cán bộ, y, bác sĩ luôn trong trạng thái căng thẳng để phòng, chống dịch. Mỗi đợt điều trị bệnh nhân Covid-19, các kíp trực phải làm việc liên tục, ở trong bệnh viện trung bình hơn 30 ngày. Có những bệnh nhân Covid-19 đã điều trị hơn 50 ngày.

BS Phạm Thị Thắm, Bệnh viện Phổi Đồng Nai chia sẻ, chị nằm trong đội điều trị của bệnh viện, có nhiệm vụ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 và theo dõi các trường hợp nguy cơ cao cách ly tại bệnh viện. Từ khi dịch bùng phát đến nay, BS Thắm đã trực tiếp tham gia điều trị cho 2 bệnh nhân Covid-19 với tổng số 31 ngày ăn, ở, sinh hoạt trong bệnh viện.

Nhân viên y tế Trung tâm Y tế TP.Long Khánh lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F1 trong khu cách ly tập trung
Nhân viên y tế Trung tâm Y tế TP.Long Khánh lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F1 trong khu cách ly tập trung

2 bệnh nhân mà BS Thắm điều trị đều có những điểm đặc biệt khiến chị gặp không ít áp lực. Bệnh nhân đầu tiên là chuyên gia người Ấn Độ, giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh nên khi trò chuyện, BS Thắm không thể diễn tả hết ý muốn nói với bệnh nhân, thi thoảng phải gọi điện cho thông dịch viên của bệnh nhân để nhờ người này truyền đạt lại thông tin. Do khác biệt ngôn ngữ cộng với nhiều yếu tố khác nên tâm lý bệnh nhân không ổn định, thường xuyên gặp các vấn đề về tâm thần như mất ngủ, đôi khi còn có ý định tự tử. Để giải quyết vấn đề này, BS Thắm phải nhờ người trong công ty gọi điện trò chuyện, trấn an bệnh nhân. Mãi đến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính, tinh thần mới ổn định, vui vẻ và thoải mái hơn.

Bệnh nhân Covid-19 thứ 2 mà BS Thắm trực tiếp điều trị là một người Việt Nam trở về trên chuyến bay từ nước ngoài. Bệnh nhân ăn chay hoàn toàn nên không đủ chất dinh dưỡng, kết quả xét nghiệm điện giải ure protein rất thấp. Đáng lưu ý, vào đúng ngày 30 Tết, nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm lần thứ 3 âm tính thì sẽ được xuất viện. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lần thứ 3 bệnh nhân lại tái dương tính với SARS-CoV-2 sau 2 lần có kết quả âm tính nên phải tiếp tục điều trị khiến tinh thần không tốt. Bệnh nhân thường xuyên gọi điện cho BS Thắm để hỏi lý do và nhiều vấn đề khác. Khi đó, BS Thắm lại từ tốn giải thích cho bệnh nhân, động viên bệnh nhân cố gắng tiếp tục điều trị.

“Sau khi các bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, tôi tiếp tục cách ly tại bệnh viện 14 ngày, làm xét nghiệm 2 lần, có kết quả âm tính mới được về nhà. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tôi phải gửi con nhỏ về quê nội để có thể vào bệnh viện làm nhiệm vụ bất cứ lúc nào. Nếu không phải vào ca trực, mỗi cuối tuần, tôi từ TP.Biên Hòa xuống H.Cẩm Mỹ thăm con trong chốc lát rồi lại chạy vội về nhà ở TP.Biên Hòa, chuẩn bị trực chiến” - BS Thắm tâm sự.

* Thu nhập thấp

Từ khi chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19, Bệnh viện Phổi Đồng Nai không có nguồn thu nhập tăng thêm khiến thu nhập của cán bộ, y, bác sĩ đều giảm sút nhiều so với trước đây.

BS Phạm Thị Thắm tâm sự: “Tôi có thâm niêm 5 năm công tác tại bệnh viện. Trước khi bệnh viện chuyển đổi công năng, ngoài lương, chúng tôi có tiền tăng thêm hằng tháng, ngày lễ có tiền thưởng, hè có tiền đi du lịch… tổng thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng. Đến nay, tổng thu nhập chỉ còn khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng, bao gồm: lương cơ bản tính theo hệ số, phụ cấp 70%, phụ cấp độc hại, tiền thu hút bác sĩ của UBND tỉnh”.

Do áp lực công việc lớn mà thu nhập lại thấp, không có thu nhập tăng thêm, không có tiền thưởng như trước và một số lý do khác mà trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 4 bác sĩ của Bệnh viện Phổi Đồng Nai nghỉ việc.

BS Hoàng Thi Thơ, Trưởng khoa Cấp cứu, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho hay, bệnh viện hiện chỉ còn 6 bác sĩ tham gia trong đội điều trị bệnh nhân Covid-19 (bao gồm 2 bác sĩ đang đi học). Có 2 điều dưỡng và 1 nhân viên hành chính khác cũng đang xin nghỉ việc, gây không ít khó khăn trong việc điều động nhân lực tham gia chống dịch của bệnh viện. Các bác sĩ còn lại phải nhận tua trực “dày” hơn trước, bệnh viện cũng chỉ còn tiếp nhận điều trị các ca nhiễm chứ không nhận cách ly các ca nghi ngờ cao như trước.

Nhân viên y tế làm việc trong khu cách ly Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2 (H.Long Thành). Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế làm việc trong khu cách ly Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2 (H.Long Thành). Ảnh: H.Dung

Từng tham gia làm nhiệm vụ trong khu cách ly ở Trường đại học An ninh nhân dân cơ sở 2 (H.Long Thành) và ở P.Phú Bình (TP.Long Khánh), điều dưỡng Võ Thị Ngọc Ánh, Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tâm sự, so với thu nhập khi làm việc trong bệnh viện, thu nhập khi làm việc trong khu cách ly thấp hơn. Cụ thể, tại bệnh viện, ngoài tiền lương, chị còn được hưởng thêm tiền phụ cấp độc hại với tổng thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng khi làm việc trong khu cách ly tập trung, nguy cơ lây nhiễm cao, chị chỉ nhận được tiền lương hơn 6 triệu đồng mà không có thêm khoản tiền phụ cấp hay hỗ trợ nào khác.

* Chưa có giải pháp...

Ngày 8-2-2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, phụ cấp chống dịch mức 300 ngàn đồng/người/ngày đối với người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc Covid-19. Phụ cấp 200 ngàn đồng/người/ngày đối với người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm, bảo quản tử thi người bệnh, giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất, bảo vệ khu điều trị cách ly, vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám, chữa bệnh; người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SARS-CoV-2.

Ngoài ra, còn phụ cấp 150 ngàn đồng/người/ngày; 130 ngàn đồng/người/ngày; 100 ngàn đồng/người/ngày đối với nhiều đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch khác. Tuy nhiên, trong số này vẫn còn một số đối tượng chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quy định của Chính phủ do còn vướng một số thủ tục hành chính.

Nhân viên y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 trong Phòng Xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung
Nhân viên y tế xét nghiệm SARS-CoV-2 trong Phòng Xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung

Trả lời câu hỏi có giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho các bác sĩ, điều dưỡng đang công tác tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai nói riêng và các lực lượng tuyến đầu chống dịch hiện nay, Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết: “Hiện chưa có giải pháp và cũng không có chế độ gì đặc biệt. Các y, bác sĩ vẫn đang hưởng các chế độ theo quy định chung của Nhà nước và không có thêm khoản hỗ trợ nào khác”.

Trước những áp lực, khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Đồng Nai, vừa qua, LĐLĐ tỉnh đã trao tặng số tiền 50 triệu đồng cho cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh cũng trao gần 400 triệu đồng cho 13 đơn vị y tế khác trong tỉnh.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý chia sẻ, các cấp Công đoàn trong tỉnh rất hiểu và chia sẻ với những áp lực mà các y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đang gặp phải. Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp thì công việc của các y, bác sĩ ngày càng nhiều. Để san sẻ phần nào với các y, bác sĩ, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền để tất cả đoàn viên, người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh những ngày qua cũng đã đi thăm, tặng quà cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch ở một số khu cách ly tập trung trong tỉnh.

Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, số tiền mà Hội trao tặng cho các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly không lớn nhưng có ý nghĩa động viên về mặt tinh thần đối với các cán bộ y, bác sĩ, công an, quân sự đang làm việc tại đây.         

            Hạnh Dung


BS Trần Ngọc Quang, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

Khối lượng công việc ngày càng tăng

2g.jpg

Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của trung tâm làm việc hết công suất, bất kể ngày đêm, ngày thường hay ngày lễ, tết. Để đảm bảo quyền lợi, động viên người lao động, Ban chấp hành Công đoàn trung tâm đã tham mưu, đề xuất với Ban giám đốc giải quyết chế độ độc hại là hiện vật và các chế độ khác cho cán bộ, nhân viên của trung tâm làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung. Ban giám đốc trung tâm cũng đã khen thưởng đột xuất 4 đợt cho viên chức, người lao động trực tiếp tham gia chống dịch Covid-19 nhằm động viên tinh thần, khích lệ mọi người làm tốt nhiệm vụ.

BS Lương Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai:

Thu nhập thấp không thể giữ chân bác sĩ

3d.jpg

Cả 4 bác sĩ đã nghỉ việc vừa qua đều là những bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt của bệnh viện. Có những bác sĩ được quy hoạch lên làm trưởng khoa cũng xin nghỉ. Bên cạnh việc lo ngại lây nhiễm chéo trong khu điều trị, điều mà tôi lo lắng nhất là thu nhập quá thấp không thể giữ nổi bác sĩ. Nếu các bác sĩ nghỉ hết thì đến khi bệnh viện hoạt động bình thường trở lại sẽ không còn bác sĩ để khám, chữa bệnh cho người dân. Bệnh viện lại phải tuyển mới, đào tạo lại rất khó khăn…

 

BS Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu:

Nhân lực còn thiếu nhiều

3f.jpg

Ở mỗi đợt tiếp nhận người cách ly tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu, lực lượng phục vụ gồm 4 nhân viên y tế vòng trong, 1 cán bộ xét nghiệm vòng ngoài, 1 người phụ trách đưa cơm; 3 bảo vệ, công an, dân quân phụ trách bảo vệ, an ninh trật tự, phun khử khuẩn xe ra vào cổng; 3 dân quân và 1 công an khác làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ khu vực phía sau. Do số lượng nhân viên y tế của cả trung tâm còn thiếu nên khối lượng công việc của lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các khu cách ly rất lớn. Chúng tôi mong muốn tỉnh sẽ có những hỗ trợ và chế độ thích hợp hơn cho lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly để lực lượng này an tâm làm nhiệm vụ. Đồng thời có phương án bổ sung kinh phí cho huyện vì thời gian qua, kinh phí phục vụ hoạt động trong khu cách ly đều lấy từ nguồn kinh phí của khối dự phòng của huyện. Nếu chỉ tập trung vào công tác phòng dịch Covid-19 thì sẽ thiếu kinh phí đối với các hoạt động khác.

BS Phạm Thị Thắm, Bệnh viện Phổi Đồng Nai:

Rất mong nhận được sự quan tâm nhiều hơn

3a.jpg

Những ngày này, bệnh nhân Covid-19 liên tục nhập viện với số lượng ngày càng tăng khiến đội điều trị của bệnh viện vô cùng vất vả. Khác với các đợt trước, ở đợt này có một số bệnh nhân có bệnh nền bị bệnh nặng khiến công việc của các bác sĩ điều trị đã khó khăn càng khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp lãnh đạo để các y, bác sĩ Bệnh viện Phổi Đồng Nai an tâm làm việc, có điều kiện để lo cho gia đình tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn sẽ được hỗ trợ về nhân lực để giảm bớt áp lực hiện tại. 

An Yên (ghi)


 

Tin xem nhiều