Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo mô hình nuôi kiến vàng bảo vệ cây trồng

09:05, 14/05/2021

Thay vì phải tốn kém tiền bạc, công sức cho việc dùng thuốc trừ sâu, nhiều nông dân đã áp dụng mô hình nuôi kiến vàng để bảo vệ và chăm sóc vườn cây có múi. Loại thiên địch có lợi này không chỉ diệt sạch sâu bọ gây hại cho cây trồng mà còn giúp nâng cao chất lượng trái cây.

Thay vì phải tốn kém tiền bạc, công sức cho việc dùng thuốc trừ sâu, nhiều nông dân đã áp dụng mô hình nuôi kiến vàng để bảo vệ và chăm sóc vườn cây có múi. Loại thiên địch có lợi này không chỉ diệt sạch sâu bọ gây hại cho cây trồng mà còn giúp nâng cao chất lượng trái cây.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho kiến vàng ăn. Ảnh: Nhân An
Anh Nguyễn Văn Tuấn (ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho kiến vàng ăn. Ảnh: Nhân An

Mô hình nông nghiệp thân thiện với môi trường này đang dần được áp dụng tại Đồng Nai.

* Kiên trì với hướng đi mới

Anh Đặng Văn Chúc (ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) có hơn 5ha đất nông nghiệp với nhiều loại cây trồng khác nhau như: thanh long, điều, chuối… Khoảng năm 2017, anh Chúc đầu tư trồng 5 sào chanh, trong vườn có xen một ít cây bưởi. Do bận bịu nhiều công việc, anh Chúc không có thời gian chăm sóc, phun thuốc cho vườn cây có múi này. Trong một lần đi thăm vườn, anh Chúc phát hiện những cây bưởi trong vườn có nhiều kiến vàng làm tổ. Điều đáng ngạc nhiên là những cây này không hề bị sâu bệnh. Vì vậy, anh gọi điện thoại cho một số nông dân ở H.Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) để hỏi thăm.

“Mấy ông ở Chợ Lách nói kiến vàng tốt cho cây có múi lắm. Rồi họ chỉ cho tôi cách để nuôi kiến, nhân đàn ra khắp vườn. Cách nuôi thì đơn giản lắm, chỉ cần treo lòng gà, lòng vịt lên cây là kiến vàng về với tốc độ nhanh cực kỳ” - anh Chúc chia sẻ.

Anh Đặng Văn Chúc (ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất)  cho biết: “Tôi thuận theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất mà vườn lúc nào cũng có trái, tháng nào tôi cũng có bán. Cộng lại, tôi thấy hiệu quả không thua, thậm chí có khi hơn hẳn việc dùng hóa chất để chăm sóc cây. Với giá bán như năm ngoái, từ đầu năm cho đến Tết tôi bán với giá từ 35 ngàn một ký bưởi, chưa có vườn nào ở khu vực này bán được với giá cao như vườn tôi. Sở dĩ bán được giá là vì mình không sử dụng hóa chất nên người ta thích bưởi của vườn mình hơn”.

Như nhiều nông dân khác, trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn (cùng ngụ ấp Hưng Nghĩa, xã Hưng Lộc) phải tốn hàng chục triệu đồng mỗi năm để mua thuốc trừ sâu, phân hóa học xịt, bón vườn bưởi rộng gần 1ha. Đó là chưa kể đến nỗi lo ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và nông sản làm ra không đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Năm 2018, anh bắt đầu mày mò tìm cách làm nông nghiệp sạch thay vì dùng thuốc hóa học vừa độc hại, vừa tốn kém. Anh Tuấn cho biết: “Tôi có tìm hiểu trên mạng thì biết phải dùng những sinh vật có lợi để tiêu diệt con có hại. Trong đó, con kiến vàng là loài rất phù hợp để tiêu diệt những loại sâu bệnh gây hại, bảo vệ cây có múi. Thời điểm đó, trong rẫy nhà tôi đang có 1 ổ kiến vàng nhưng chỉ “loe ngoe” có mấy con thôi. Sau này tôi bắt thêm kiến ở ngoài nhà đem vào rẫy nuôi”.

Khi bắt tay nuôi kiến vàng, anh Tuấn nhận được nhiều lời… bàn ra của người thân và hàng xóm. Bất chấp mọi lời ngăn cản, anh vẫn quyết tâm làm bằng được. Tuy nhiên, sự kiên định và nỗ lực của anh Tuấn đã được đền đáp. Đàn kiến dần thích nghi với cách chăm sóc của anh và ngày càng sinh sôi nhiều hơn. Hiện nay, đàn kiến đã phủ khắp và bảo vệ hiệu quả cho vườn bưởi.

Nói về công việc nuôi kiến vàng, anh Tuấn cho hay: “Loài kiến vàng rất dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí chăm sóc. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm thì đàn kiến sẽ bỏ đi hoặc chết. Nếu đã xác định nuôi kiến để bảo vệ cây trồng thì không được xịt thuốc bảo vệ thực vật nữa. Vì nếu làm vậy thì kiến sẽ chết hoặc bỏ đi”.

Đây cũng chính là thách thức của những nông dân muốn áp dụng mô hình nuôi kiến vàng để bảo vệ vườn cây có múi. Theo anh Chúc, nhà vườn cần phải mất 1 năm thì mới đủ thời gian để “gây đàn” kiến cho vườn cây. Trong khi đó, nông dân chắc chắn sẽ rất nóng ruột khi cây trồng bị sâu bệnh tấn công nên sẽ dùng đến thuốc bảo vệ thực vật làm cho kiến bỏ đi. Vì vậy, đến nay nhiều nông dân vẫn chưa dám mạo hiểm áp dụng mô hình này.

* Hiệu quả kép

Kiên trì với hướng đi mới suốt 3 năm nay, cả anh Chúc và anh Tuấn đều đã gặt hái được những thành công bước đầu.

Kiến vàng làm tổ trên cây bưởi. Đây là thiên địch của các loại sâu bệnh gây hại cho cây có múi như: bọ xít, rệp sáp, sâu vẽ bùa…
Kiến vàng làm tổ trên cây bưởi. Đây là thiên địch của các loại sâu bệnh gây hại cho cây có múi như: bọ xít, rệp sáp, sâu vẽ bùa…

Kiến vàng có thể tiêu diệt được các loại sâu bệnh gây hại trên vườn cây có múi như: bọ xít, rầy mềm, sâu vẽ bùa, rệp sáp, kiến hôi. Vì vậy, những cây chanh, cây bưởi có kiến vàng sinh sống thì gần như 100% sẽ không có sâu bọ. Như vậy, người nông dân không phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, không tốn công xịt thuốc. Điều này mang đến nhiều lợi ích: tốt cho sức khỏe, cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu tư.

Đặc biệt, bằng cách sinh trưởng tự nhiên, không dùng chất hóa học, không bị sâu bệnh gây hại, các loại cây có múi do kiến vàng bảo vệ sẽ cho trái to, mọng nước. “Dân làm bưởi sợ con sâu vẽ bùa lắm nhưng con kiến vàng nó diệt được hết. Con rệp sáp cũng là “món” khoái khẩu của kiến vàng. Nếu nuôi kiến vàng trong vườn thì chất lượng của trái là số 1” - anh Chúc tự tin nói.

Anh Đặng Văn Chúc (trái) và anh Nguyễn Văn Tuấn bên vườn chanh trĩu quả của anh Chúc
Anh Đặng Văn Chúc (trái) và anh Nguyễn Văn Tuấn bên vườn chanh trĩu quả của anh Chúc

Cũng theo anh Chúc, việc nuôi kiến vàng trong vườn chỉ có nhược điểm duy nhất. Đó là khi thu hoạch sẽ hơi cực vì nếu không cẩn thận là bị kiến cắn ngay.

Anh Chúc cho biết, nếu không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân vẫn có nhiều cách khác để xử lý cho cây ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Chẳng hạn như: điều chỉnh liều lượng nước tưới, phân bón… tùy theo kinh nghiệm của từng người. Riêng 5 sào chanh nhà anh Chúc, nhờ áp dụng mô hình nuôi kiến vàng bảo vệ cây trồng nên vườn cây này cho thu hoạch quanh năm với thu nhập khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, trừ chi phí chỉ khoảng 10%.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi kiến vàng, anh Tuấn cho hay, những tháng mùa mưa là mùa mà các loại sâu, bọ, rệp trong vườn phát triển mạnh, kiến có sẵn thức ăn nên nông dân không cần phải cho thêm thức ăn. Vào mùa nắng gắt, khô hạn, khi lượng thức ăn cạn kiệt thì nhà vườn phải cung cấp thêm “mồi” cho kiến, thường là: ruột gà, ruột vịt, cá khô. Cứ 1 tuần hoặc nửa tháng thì cho ăn 1 lần. Như vậy cũng đủ để đàn kiến vàng sinh sôi, phát triển bình thường.

Ngoài nuôi kiến vàng, anh Tuấn còn sử dụng men IMO để làm phân bón sinh học cho cây trồng. Theo đó, anh đã tận dụng tất cả các loại phế phẩm sinh hoạt gia đình như: rác thải, thức ăn thừa... ủ làm phân, sau đó đem pha với nước để tưới cho cây trồng. Cách làm này đã giúp anh vừa giảm được chi phí, vừa giúp vườn bưởi xanh tốt, trái ra nhiều và đảm bảo chất lượng.

Nhân An

Tin xem nhiều